The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đâu là lý do đưa Bắc Ninh trở thành “đầu tàu” hút vốn đầu tư nước ngoài?

Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Bắc Ninh vẫn tạo được những bứt phá mạnh mẽ và là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đến nay, Bắc Ninh đã có 1.602 dự án FDI được cấp phép đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 19,8 tỷ USD, xếp thứ 6 toàn quốc.

Sự thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không chỉ ở vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại mà quan trọng là công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm đẩy mạnh nhằm tạo dựng không gian kinh tế thuận lợi, an toàn cho người dân và doanh nghiệp.

Điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, với môi trường kinh doanh thông thoáng, vị trí giao thương thuận lợi, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Bắc Ninh đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Bắc Ninh – “đầu tàu” hút vốn đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH ITM Semiconductor Việt Nam tại KCN VSIP Bắc Ninh.

Sau hơn 1 thập kỷ xuất hiện và hoạt động tại Bắc Ninh, Samsung đã có sự phát triển và tăng trưởng vượt bậc, tạo lên một hình mẫu điển hình về thành công của doanh nghiệp FDI. Năm 2008, Samsung chính thức đầu tư vào Việt Nam bằng việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Phong (Bắc Ninh).

Bắc Ninh – “đầu tàu” hút vốn đầu tư nước ngoài - Ảnh 2.

Ông Kim Dong Hwan, Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam ký kết hợp tác giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sản xuất công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi giá sản xuất toàn cầu.

Đến nay, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam 17,3 tỷ USD với 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển. Trong các địa phương, tỉnh Bắc Ninh hiện là căn cứ sản xuất chiến lược, lớn nhất của Samsung tại Việt Nam với khoảng 9,3 tỷ USD vốn đăng ký.

Ngay từ những ngày đầu triển khai đầu tư, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập một tổ công tác riêng để hỗ trợ Samsung giải quyết nhanh chóng tất cả những khó khăn liên quan đến việc thuê đất, xây dựng nhà xưởng, xuất khẩu.

"Sở dĩ chúng tôi luôn chọn và đầu tư lớn tại Bắc Ninh bởi bên cạnh các yếu tố về cung cấp điện, nước, giao thông, mạng, an ninh trật tự, còn là sự hiếu khách và hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo tỉnh và nhân dân địa phương" – đại diện Tập đoàn Samsung chia sẻ.

Trong năm 2020, dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhưng Bắc Ninh vẫn tạo ra ấn tượng mạnh khi thu hút được 119 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 334,8 triệu USD.

Ngay trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội, tỉnh Bắc Ninh đã tiên phong đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho tổ chức đón, cách ly y tế với hơn 3.000 chuyên gia, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài nhập cảnh vào địa phương, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng, phải nói đây là một quyết định không dễ dàng. Tuy nhiên, với sự quan tâm và hỗ trợ từ tỉnh Bắc Ninh, các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao từ các nước đã được tạo điều kiện thuận lợi, vừa tuân thủ theo các quy định chặt chẽ về phòng dịch, cách ly của Việt Nam, vừa hoàn thành nhu cầu, công việc trước mắt.

Với phương châm lắng nghe cặn kẽ, giao tiếp thấu đáo, tiết kiệm thời gian, sự thành công của doanh nghiệp chính là sự thành công của tỉnh Bắc Ninh, các thủ tục đầu tư được thực hiện rất nhanh chóng. Có dự án từ cấp giấy phép xây dựng cho đến đi vào vận hành chỉ mất 6 tháng. Điều này đã tạo ra sự hài lòng, ấn tượng rất lớn đối với các nhà đầu tư khi đến với tỉnh Bắc Ninh.

Trong năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Bắc Ninh đã có sự cải thiện vượt bậc, đạt mức xếp hạng rất tốt, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành, vị trí cao nhất kể từ khi chỉ số PCI được công bố. Điều này cho thấy nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành trong cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Khuyến khích dự án FDI "2 ít, 3 cao"

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, góp phần tạo nền tảng để thu hút vốn FDI tiếp tục đầu tư cho phát triển trong tương lai. Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp (KCN) tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, trong đó 10 KCN đã đi vào hoạt động.

Nhất quán với quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, theo định hướng "2 ít, 3 cao", tỉnh Bắc Ninh ưu tiên các dự án sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao.

Kết quả, công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn Bắc Ninh từng bước nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, tiếp cận và ứng dụng thành tựu cách mạnh công nghiệp 4.0. Tỷ trọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh tăng từ 61,7% năm 2015 lên 86% năm 2020.

Công nghiệp điện tử trở thành ngành mũi nhọn với tỷ trọng chiếm tới hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

Bước đầu phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành các cụm liên kết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung cấp 1, 2, 3 cho các doanh nghiệp FDI ngành điện tử và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Dù là địa phương nhỏ nhất nước với hơn 820km2, nhưng tỉnh Bắc Ninh đang đứng đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, năm 2020 ước đạt 1.066 nghìn tỷ đồng (riêng năm 2019 đạt 1.109 nghìn tỷ đồng). Quy mô sản xuất công nghiệp tăng nhanh, khẳng định vững chắc vai trò "đầu tàu" cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Đến nay, cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2020, tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 74,7%, dịch vụ chiếm 22,1%; nông, lâm nghiệp và thủy sản còn 3,2%.

Nhờ quy mô sản xuất công nghiệp phát triển vượt bậc, hoạt động ngoại thương đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tỉnh Bắc Ninh ước đạt 36 tỷ USD (vượt 4 tỷ USD so với mục tiêu Đại hội), gấp 1,7 lần năm 2015 và đứng thứ 2 toàn quốc (sau TP. Hồ Chí Minh). Trong đó, hàng điện tử chiếm 60-65% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cả nước.

Theo Báo Dân Việt