The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đầu tư vào Việt Nam: Các nhà đầu tư đã bỏ lỡ điều gì?

Ở Mỹ, đầu tư ở những vùng khác nhau cần phải có những phương thức khác nhau. Tuy nhiên, dường như điều này không được áp dụng ở Việt Nam, khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn thường mắc phải sai lầm khi đầu tư ở các tỉnh lẻ ở Việt Nam. Thực tế, Việt Nam có tất cả 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh thành có một lợi thế cạnh tranh khác nhau đối với các nhà đầu tư.
Chỉ số CPI - nhà tư vấn cho người đầu tư vào Việt Nam
Việt Nam chính là một điểm đến đối với các công ty quốc tế trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Việt Nam cũng đã tổ chức hàng ngàn dự án đầu tư với tổng trị giá hơn 111,7 tỷ USD từ năm 1998 đến năm 2013.
Ngày càng nhiều các công ty đa quốc gia trông chờ ở Việt Nam như một đất nước Đông Nam Á với nguồn lao động giá rẻ, có sẵn. Việt Nam cũng là một môi trường an toàn và ổn định về chính trị.
Tuy nhiên, không may là các nhà đầu tư thường thích đầu tư vào những gì họ biết rõ chứ không phải là những gì "mạo hiểm". Bởi thế các nhà đầu tư nước ngoài có thể đã bỏ lỡ cơ hội để đầu tư vào một mảnh đất đầy hứa hẹn với những rủi ro có thể kiểm soát được khi không có sự hiểu biết về từng khu vực nơi đây.
Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ đã phối hợp cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã cho ra đời chỉ số "Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh" (Provincial Competitiveness Index - PCI).
Theo chỉ số PCI, các tỉnh ở Việt Nam được xếp hạng một cách chặt chẽ cùng với những chỉ tiêu về tham nhũng, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chi phí nhập hàng, chi phí thời gian và tính minh bạch của tỉnh đó. Sau đó, một bảng tổng hợp các chỉ số PCI của 63 tỉnh, thành ở Việt Nam sẽ đem lại cho các nhà đầu tư một cái nhìn tổng quát như những gì họ mong đợi.
Bảng xếp hạng "Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI" có thể được xem là một nhà tư vấn tốt đối với các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có thể tận dụng các lợi thế cạnh tranh khác nhau ở các khu vực khác nhau để có hướng đầu tư đúng đắn vào từng hạng mục đúng với nhu cầu.
Đầu tư vào thành phố lớn có thực sự hiệu quả?
Tất nhiên, các ngành công nghiệp khác nhau cần những môi trường kinh doanh khác nhau. 63 tỉnh thành sẽ không thể có chung một kiểu nhà máy sản xuất hóa chất, một dây chuyền sản xuất hàng may mặc hay một cơ sở sản xuất chip máy tính.
Năm 2013, Đà Nẵng và Huế đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số CPI vì có cơ sở hạ tầng tốt cộng với chi phí cuộc sống thấp hơn nhiều so với Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư nước ngoài có ý định mở rộng đầu tư thường hướng về thành phố Hồ Chí Minh nhiều hơn cả. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2011, 6 trong số 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đặt ở trong khu vực Đông Nam Bộ.
Sau 2 thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một trung tâm kinh tế phát triển với tất cả các mặt trái đi cùng như ùn tắc giao thông, giá thuê nhà cao, và chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Với những điều kiện như trên, đầu tư vào một thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh có thực sự hiệu quả như các nhà đầu tư đang trông đợi?
Các khu công nghiệp ở tỉnh là cơ hội cho nhà đầu tư
Giới chức thành phố Hồ Chí Minh cho biết, họ đang cho xây dựng các khu công nghiệp ở các tỉnh xung quanh thành phố. Mặt khác, những hoạt động như nghiên cứu, thiết kế, các hoạt động tài chính và các dịch vụ hỗ trợ đều đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, giới chức thành phố cho tiến hành xây dựng một con đường cao tốc giáp tỉnh Long An để đảm bảo các khu công nghiệp này có thể kết nối được với thành phố, trong khi vẫn có thể sử dụng được nguồn nhân công giá rẻ ở ngoại tỉnh.
Chính sách này phản ánh một mô hình phát triển khá phổ biến ở châu Á được gọi là Flying Geese. Mô hình này có nghĩa là khi nguồn nhân công quá tốn kém để sản xuất một sản phẩm bình thường nào đó, người ta thường thuê các nguồn nhân công bên ngoài với giá rẻ hơn.
Nhật Bản là một ví dụ, nước này thường thuê nhân công ở Đài Loan và Hàn Quốc. Khi nền kinh tế Đài Loan và Hàn Quốc phát triển hơn, họ sẽ chuyển sang thuê nhân công tại các nền kinh tế mới nổi khác như Thái Lan hay Malaysia. Ở Việt Nam, mô hình này được áp dụng trong nước, giữa các khu vực, các tỉnh, thành phố với nhau.
Thông điệp của chính quyền Việt Nam đáng được ủng hộ. Mục tiêu của việc áp dụng mô hình trên là phát triển khu vực trung tâm trước, sau đó phân phối lợi ích sang các khu vực lân cận.
Các công ty nếu tập trung đầu tư vào những khu công nghiệp ở tỉnh sẽ được hưởng một số ưu đãi về thuế, giá thuê đất thấp và có nhiều điều kiện tốt để tập trung sản xuất. Một công ty sẽ bỏ lỡ những điều trên nếu đặt trụ sở giữa một thành phố đắt đỏ và đông đúc như thành phố Hồ Chí Minh.
Sự tập trung của các khu công nghiệp ở tỉnh lẻ đã thu hút một số lượng lớn người lao động trở về quê hương. Bởi thế, những khu công nghiệp này có thể tận dụng được nguồn lao động trẻ, dồi dào, từng được đào tạo trong các khu công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh nay đã hồi hương./.
Bài viết có sử dụng nguồn tham khảo theo bài "From Catfish to Computer Chips: There's More Than One Vietnam for Investors" của tác giả Thomas Jandle đăng tải trên tờ The Diplomat ngày 16/11. Thomas Jandl là một nhà tư vấn kinh tế ở khu vực Châu Á và là chuyên gia về các lợi thế đầu tư địa phương ở Việt Nam.

Theo Phương Chi/ VOV.VN ngày 17/11/2014