The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện, nâng cao các Chỉ số góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, việc đánh giá nền hành chính của một địa phương, đánh giá sự hài lòng của Nhân dân, của doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp, đánh giá năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của một tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương… đều đã được các bộ, ngành Trung ương hoặc các tổ chức lượng hóa bởi các chỉ số như: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số Hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index)… Tất cả các chỉ số này đều mang tính khách quan, khoa học, sát thực tế, kịp thời và bao quát được hầu hết những lĩnh vực quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, tác động của các chỉ số nêu trên đến phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng sức sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phản ánh mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp trong giai đoạn vừa qua đã được thể hiện rất rõ nét, khách quan, trung thực. Bản thân các chỉ số này được thực hiện bằng các biện pháp khoa học, khách quan; được đánh giá bởi những cơ quan độc lập, có thẩm quyền, có uy tín và tin cậy đã làm cho công tác quản lý ở các cấp chính quyền địa phương được thuận lợi, dễ dàng hơn, cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời, cần thiết cho người đứng đầu các cấp chính quyền để từ đó đưa ra những quyết định chỉ đạo, điều hành, quản lý đúng đắn, chính xác nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy những thành quả đã đạt được trong công tác phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp. Do vậy, việc đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện các chỉ số nêu trên sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra, với một trong ba trọng tâm được xác định: “Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển các cơ chế, chính sách phù hợp. Phấn đấu đưa chỉ số CCHC vào nhóm 20 cả nước“.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã triển khai đồng bộ, toàn diện, quyết liệt các giải pháp về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính các cấp, cung ứng tốt nhất các dịch vụ hành chính công, phát huy vai trò và huy động sự vào cuộc của Nhân dân và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, cởi mở, tâm lý phấn chấn, lòng tin mạnh mẽ cho người dân và doanh nghiệp trong tiến trình thoát nghèo, tham gia khởi nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; đồng thời, xác định CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải được triển khai khẩn trương, đồng bộ, thường xuyên, liên tục, kiên trì, nghiêm túc, thực chất.
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị và Nhân dân Bến Tre, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, quyết tâm thực hiện tốt phương châm “Đồng thuận - Sáng tạo”, “Chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo, phục vụ Nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp”, tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tuy tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt đời sống, kinh tế - xã hội nhưng công tác CCHC và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Bến Tre tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Cụ thể:
- Năm 2020, tỉnh Bến Tre được các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức đánh giá các chỉ số khá tốt; cụ thể, Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI hạng 8/63 hạng 8/63, Chỉ số SIPAS hạng 20/63, Chỉ số PAR INDEX hạng 44/63 (tăng 19 bậc so với năm 2019). Kết quả trên cho thấy sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh, phục vụ Nhân dân, phục vụ xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, kết quả các chỉ số trên và từng chỉ số thành phần của các chỉ số chưa ổn định và còn khiêm tốn. Qua kết quả đánh giá, UBND tỉnh, các sở, ban ngành tỉnh đã tổ chức phân tích, đánh giá kết quả các chỉ số đã được công bố của năm 2020 để kịp thời đề ra các giải pháp duy trì, cải thiện và nâng cao.
- Chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, điều hành của các đơn vị, địa phương ngày càng được nâng lên; bộ máy hành chính hoạt động ổn định; trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, của địa phương được nâng lên; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được bố trí, sử dụng cơ bản phù hợp với vị trí việc làm, có năng lực tham mưu, đề xuất; kiến nghị đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính (TTHC); sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về việc về giải quyết TTHC, dịch vụ công của các cơ quan, đơn vị đạt tỷ lệ cao. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các TTHC phù hợp, tạo dấu mốc quan trọng, lan tỏa tinh thần chuyển đổi số mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh.
- Song song đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, đơn giản hóa TTHC về đầu tư, kinh doanh; thực hiện hiệu quả quy trình một cửa, một cửa liên thông khi giải quyết TTHC trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập mới doanh nghiêp giảm xuống còn 2 ngày (trường hợp cần thiết có thể cấp giấy phép luôn trong ngày). Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 327 doanh nghiệp và 326 đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới với vốn ban đầu hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 48% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Về đầu tư FDI: Cấp mới và điều chỉnh 20 dự án, toàn tỉnh hiện có 61 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1.624,079 triệu USD; về đầu tư trong nước, cấp mới và điều chỉnh cho 35 dự án tổng vốn đăng ký và điều chỉnh gần 7.000 tỷ đồng, bằng 33% so với cùng kỳ, đạt 86,77% so với kế hoạch năm 2021; toàn tỉnh hiện có 268 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 64.000 tỷ đồng.
- Đồng thời, tỉnh Bến Tre cũng đã nỗ lực phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, giữ địa bàn cơ bản an toàn, ổn định và đạt được trong trạng thái bình thường mới trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhất là trong đợt dịch thứ 3, thứ 4 từ đầu năm đến nay bằng các biện pháp thần tốc, quyết liệt, chủ động “từ xa, từ sớm, từ cơ sở”... Nhờ đó, tỉnh đã duy trì đà tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 6,47% và hiện nay tỉnh đang tập trung, khẩn trương phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ.
- Công tác CCHC trong Đảng cũng được quan tâm đẩy mạnh, Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch thực hiện cải cách TTHC trong các cơ quan Đảng giai đoạn 2021-2025, đã triển khai thực hiện thí điểm Bộ TTHC trong các cơ quan Đảng tại tỉnh với 69 quy trình, 73 biểu mẫu. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cũng đã phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đảng viên, CBCCVC và Nhân dân tham gia vào quá trình CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Các kết quả trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá về hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua việc phân tích các chỉ số của tỉnh năm 2020 cho thấy: Mặc dù tỉnh Bến Tre có một số chỉ số nằm trong Top 10 của cả nước, nhưng đã có sự sụt giảm về thứ hạng của Chỉ số PCI (từ hạng 6 xuống hạng 8), Chỉ số PAPI (từ hạng 1 xuống hạng 8); Chỉ số SIPAS có tăng nhưng không đáng kể (từ hạng 21 lên hạng 20); Chỉ số PAR-Index tăng 19 bậc nhưng vẫn còn nằm trong nhóm tỉnh, thành có thứ hạng chưa cao (44/63). Đồng thời, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện Nghị quyết năm 2021 có một số chỉ tiêu chưa đạt, đặc biệt là các chỉ tiêu về đầu tư, sản xuất, kinh doanh...
Thời gian tới, để khắc phục những hạn chế trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định cần phải có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để cải cách mạnh mẽ từ các ngành, các cấp; sự đồng lòng, chung sức của đội ngũ CBCCVC; cộng với sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp thì việc đẩy mạnh CCHC, cải thiện và nâng cao thứ hạng các chỉ số mới mang lại hiệu quả thiết thực để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
- Các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan chủ trì về công tác CCHC chủ động tham mưu UBND các cấp giải pháp triển khai toàn diện, hiệu quả công tác CCHC; tiếp tục duy trì các chỉ số, chỉ số thành phần đạt kết quả cao; nâng cao các chỉ số, chỉ số thành phần chưa có sự cải thiện, đạt điểm thấp của các Chỉ số PAR Index, PCI, PAPI; khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao Chỉ số SIPAS năm 2020. Cần tập trung vào việc khắc phục các tiêu chí bị giảm điểm hoặc giảm thứ hạng năm 2020 như: Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Tính năng động (của chỉ số PCI); Tham gia người dân cấp cơ sở, Cung ứng dịch vụ công, TTHC, Công khai minh bạch (của chỉ số PAPI);… Trong đó, cần khắc phục những nội dung chi tiết bên trong các tiêu chí đang bị đánh giá thấp như: Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công khai minh bạch thông tin mời thầu; cung cấp đầy đủ, nhanh chóng các thông tin cho doanh nghiệp khi có yêu cầu; tăng cường số hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức; nâng cao hiệu quả đào tạo lao động và hỗ trợ các dịch vụ cần thiết cho doanh nghiệp hoạt động...
- Chủ động, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC; bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ CCHC đã đề ra trong kế hoạch năm; tiếp tục tập trung thực hiện và bảo đảm hoàn thành 100% các nhiệm vụ được giao đúng thời hạn.
- Quan tâm triển khai các giải pháp cải cách chế độ công vụ, công chức để nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ CBCCVC. Vận hành có hiệu quả Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND các huyện/thành phố, UBND các xã/phường/thị trấn.
- Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND các huyện/thành phố, UBND các xã/phường/thị trấn phối hợp các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc số hóa các TTHC, tích hợp, liên kết dữ liệu, kết quả giải quyết TTHC tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC; sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các TTHC qua tổng đài, số điện thoại đường dây nóng... Đồng thời, tiếp tục cải thiện, nâng cao năng lực, thái độ làm việc, kỹ năng giao tiếp của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước các cấp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
- Tăng cường rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa TTHC một cách hiệu quả, thực chất; kịp thời công bố, công khai và cập nhật TTHC trên Cổng dịch vụ công, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị và tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; giải quyết TTHC đúng quy định, bảo đảm thời gian, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính.
- Đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực cải cách TTHC, gia tăng mạnh mẽ tiện ích để sử dụng cho người dân và doanh nghiệp; có phương pháp phù hợp và thuận tiện để tuyên truyền, vận động và thu hút người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Coi đây là một trong những cơ sở quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
- Toàn hệ thống chính trị của tỉnh cùng người dân, doanh nghiệp phát huy tinh thần thi đua “Đồng khởi mới”: Đồng lòng, đồng bộ, đồng loạt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược vừa cụ thể trong Nghị quyết đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Đề án CCHC giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030; đặc biệt, cần khẩn trương thực hiện có hiệu quả kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới. Theo đó, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách TTHC, cải cách chế độ công vụ, công chức; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, năng lực lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu và năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính phục vụ Nhân dân của CBCCVC.
Tôi tin tưởng rằng, với sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, công tác CCHC của tỉnh sẽ mang lại kết quả tích cực, các chỉ số đánh giá nền hành chính của tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.