Đẩy mạnh tự do kinh doanh để tạo động lực cho tăng trưởng
06 Tháng 1, 2023
Năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trở thành điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn hơn khi kinh tế toàn cầu suy giảm.
Chuyên đề "Dự báo năm 2023" gồm chuỗi bài phỏng vấn lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và chuyên gia các lĩnh vực, nhằm nhận diện thách thức, cơ hội, đồng thời gợi mở các giải pháp để Việt Nam tiếp tục vượt khó, bứt phá.
Khi các yếu tố tác động từ bên ngoài ngày càng trở nên bất định thì cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh tự do kinh doanh là điều kiện cần để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương đã trao đổi với Báo Nhân Dân điện tử về vấn đề này.
HÓA GIẢI NỖI SỢ LÀM, SỢ SAI CỦA ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC
Phóng viên: Cải cách thể chế là 1 trong 3 yếu tố quan trọng trong công tác điều hành phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ nhiều năm qua, bên cạnh nhiệm vụ giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Ông có nhận định gì về những kết quả của cải cách thể chế trong một năm đầy biến động vừa qua?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Trọng tâm của cải cách thể chế năm 2022 cũng như những năm gần đây là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Điểm thuận lợi là năm 2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP (Nghị quyết 02) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm cải cách cho cả giai đoạn 2022-2025.
Trong Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, Quốc hội, Chính phủ cũng xác định cải cách thể chế là một trong 5 trụ cột và đã có những nỗ lực khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật để tháo gỡ khó khăn cho việc thực thi của cơ quan Nhà nước cũng như việc tuân thủ của người dân và doanh nghiệp.
Nhưng quá trình cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh lại xuất hiện những lực cản mới. Cụ thể, việc Ngân hàng Thế giới (WB) ngừng công bố Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh (Doing Business) đã làm mất đi công cụ so sánh quốc tế phù hợp nhất để theo dõi và tạo áp lực đối với cải cách cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng sẽ dừng công bố, thay vào đó là Green Index. Như chúng ta đã biết, trong hơn 20 năm qua PCI là công cụ đo lường cuộc đua tranh giữa các địa phương để thu hút đầu tư phát triển kinh tế nên sự thay đổi này sẽ có thể làm mất đi công cụ cạnh tranh trong cải thiện môi trường kinh doanh địa phương.
Đáng lo ngại nhất là đang xuất hiện thái độ, tinh thần và cách thức làm việc không phù hợp yêu cầu phát triển. Có tình trạng công chức không muốn, không dám thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ của mình vì sợ làm sai, sợ phải chịu trách nhiệm. Việc này ảnh hưởng rất lớn và làm đình trệ quá trình ra quyết định giải quyết yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, mọi việc đang được giải quyết theo cách thức các cơ quan quản lý có liên quan phát công văn tham vấn ý kiến của tất cả sở, ngành hoặc các bộ, ngành. Do đó, tiến độ giải quyết công việc kéo dài so với trước và sẽ quyết định theo cơ chế đồng thuận.
Trong nhiều trường hợp, văn bản hồi âm chỉ trả lời chung chung “làm theo quy đinh của pháp luật” hoặc nội dung trả lời không giúp ích gì cho vấn đề được hỏi thì sẽ treo vô thời hạn. Hệ quả là trong thời gian vừa qua có rất ít, thậm chí không có các dự án đầu tư mới được cấp chủ trương đầu tư trong khi hàng nghìn dự án đầu tư không thể hoàn thành đủ các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai thực hiện. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số cấu phần của Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội triển khai chậm so với yêu cầu.
Nếu không có sự thay đổi, năng lực sản xuất, tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn của nền kinh tế có thể bị suy giảm.
Phóng viên: Những ưu tiên chống dịch Covid-19 trong gần 2 năm đã làm chững lại tốc độ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo ông, cần làm gì để quá trình cải cách có thêm “lửa”?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Để khôi phục lại động lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, trước tiên cần gia tăng áp lực, tăng cường năng lực cho các cơ quan Trung ương.
Tôi đề nghị phục hồi lại hoạt động và tăng cường năng lực của Hội đồng quốc gia về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Thủ tướng Chính phủ cần thường xuyên chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu các bộ, địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 02, nhất là 10 nhiệm vụ trọng tâm đã được nêu cụ thể trong Nghị quyết.
Thúc đẩy và duy trì tính liên tục trong cải cách cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và thực hiện Nghị quyết 02 nói riêng trên cơ sở kết nối, cầu nối với cộng đồng doanh nghiệp. Thực hiện đúng tinh thần “Ai không làm, không muốn làm, không làm được thì đứng sang một bên, để cho người khác làm” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động và thường xuyên kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp, trực tiếp phản ánh yêu cầu và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp lên Thủ tướng và các cơ quan nhà nước liên quan. Qua đó lấy lại niềm tin và thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ, hiệu quả như đã từng có.
Đặc biệt, phải hóa giải nỗi sợ của công chức Nhà nước ở các cấp, nhất là công chức ở địa phương cũng như nỗi sợ của các nhà đầu tư. Các giải pháp có thể là tổ chức giao ban định kỳ hoặc đột xuất với tham dự của người đứng đầu địa phương và các sở, ban, ngành có liên quan, trong đó có ban nội chính, thanh tra, công an... Trên cơ sở đó đưa ra định hướng các giải pháp tháo bỏ các rào cản, vướng mắc đối với huy động nguồn lực phát triển kinh tế địa phương; định hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư cụ thể trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, cho thuê và giao đất, trong thực hiện dự án đầu tư và các vấn đề khác có liên quan.
Trong trường hợp có quy định pháp luật chồng chéo, khác biệt hoặc chưa cụ thể, thì áp dung quy định phù hợp nhất có thể giải quyết được khó khăn, vướng mắc có liên quan. Những cuộc giao ban như vậy cũng để lắng nghe phản ánh, kiến nghị của các cán bộ, công chức liên quan về các cuộc thanh, kiểm tra nhằm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm trong trường hợp cần thiết.
CHUYỂN HƯỚNG TRONG CẢI CÁCH THỂ CHẾ ***
Phóng viên: Kinh tế đã có một năm khởi sắc ấn tượng nhưng tình hình của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Những bất cập về môi trường kinh doanh hiện nay là gì, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là cạn kiệt dòng tiền. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới room tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5-2% nhưng tại thời điểm này, các doanh nghiệp cũng tỏ ra rất thận trọng khi vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh vì lãi suất cho vay tăng cao.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh niềm tin bị ảnh hưởng, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của doanh nghiệp có nguy cơ bị bán tháo. Đây là thách thức không chỉ với doanh nghiệp mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô.
Việc chậm hoàn thuế là bất cập dai dẳng và gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp và khiến cho dòng tiền đã khó càng trở nên khó khăn hơn. Thêm vào đó, tình trạng thanh tra, kiểm kiểm tra có xu hướng mở rộng và với tần suất thường xuyên, liên tục cũng gây tâm lý nặng nề và làm trầm trọng hơn sự khó khăn của cộng đồng sản xuất kinh doanh.
Thủ tục giải thể doanh nghiệp phức tạp, quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau khiến nhiều doanh nghiệp không thể giải thể để chấm dứt hoạt động một cách đàng hoàng, công khai.
Phóng viên: Với những điểm hạn chế, bất cập đã được nhận diện thì trọng tâm của quá trình cải cách trong thời gian tới có gì thay đổi thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Những yếu tố hỗ trợ cho sự phục hồi kỳ diệu của kinh tế Việt Nam năm vừa qua sẽ không còn diễn ra trong năm 2023. Ngay từ cuối quý III, đầu quý IV/2022 chúng ta đã nhìn thấy sự suy giảm của các động lực tăng trưởng xuất khẩu vì kinh tế toàn cầu suy giảm kéo theo sự sụt giảm về hàng hóa nhập khẩu, ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam.
Cùng với đó là những bất ổn trên thị trường tài chính, bao gồm cả thị trường vốn và thị trường tiền tệ đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. Trước tác động do yếu tố bên ngoài như giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao cộng hưởng với tác động tăng chi phí từ trong nước thông qua tỷ giá, lãi suất đẩy chi phí đầu vào lên rất cao nhưng thị trường và doanh thu không tăng tương ứng khiến hàng loạt doanh nghiệp nhiều phải thu hẹp sản xuất để giảm bớt khó khăn.
Giải pháp điều hành trong giai đoạn tới vẫn là thế “kiềng 3 chân” đã nhất quán thực hiện nhiều năm qua, gồm giữ ổn định kinh tế vĩ mô; cải cách thể chế và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong đó, ưu tiên hàng đầu vẫn là duy trì ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi và tăng trưởng kinh tế đi cùng với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Đối với nhiệm vụ cải cách thể chế, nếu như 10 năm trước tập trung vào trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thì trong thời gian tới, trọng tâm phải là phát triển thị trường các nhân tố sản xuất để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo Nhân dân