The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

ĐBSCL khó đón 'đại bàng' nếu không đột phá về giao thông, nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi

Để ĐBSCL phát triển, thu hút những doanh nghiệp lớn mà người ta hay gọi là 'đại bàng' thì vấn đề mấu chốt là giao thông, cũng như cần có chính sách ưu đãi đặc biệt, theo TS Võ Hùng Dũng.
ĐBSCL khó đón đại bàng nếu không đột phá về giao thông, nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi - Ảnh 1.

Khu công nghiệp Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) kế bên cầu Cần Thơ được quy hoạch rất nhiều năm nhưng lượng doanh nghiệp đến đầu tư rất hạn chế, đặc biệt hầu như chưa có doanh nghiệp tầm cỡ đầu tư vào đây. Trong khi có rất nhiều người từ miền Tây phải tha hương, đến làm việc tại các khu công nghiệp ở Bình Dương - Ảnh: CHÍ QUỐC - NGỌC PHƯỢNG

ĐBSCL đã và đang có những thay đổi lớn trong nhiều lĩnh vực, nhưng các địa phương trong vùng làm gì, tận dụng cơ hội ra sao từ những thay đổi này, đặc biệt là những điều kiện được xem là “thuận thiên” của nghị quyết 120 để bứt phá phát triển?
Trở lại thực tế hiện nay, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Võ Hùng Dũng - nguyên giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ - cho rằng thu hút đầu tư nói chung, trong đó có thu hút vốn FDI vào ĐBSCL, là quá ít và quá yếu. Cùng với một số "triệu chứng" khác, rất dễ để chẩn đoán "sức khỏe" của nền kinh tế khu vực này.
Kinh nghiệm các vùng, các tỉnh thu hút đầu tư nhiều cho thấy họ đều có chính sách ưu đãi, thậm chí là ưu đãi đặc biệt. Đầu tư hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng vào những địa phương xa xôi mà không có chính sách ưu đãi thì cũng khó thu hút đầu tư. TS Võ Hùng Dũng
* Ông có thể nói rõ thêm về tình hình thu hút đầu tư của các tỉnh ĐBSCL không?
- Vốn đầu tư FDI của khu vực này hiện chỉ loanh quanh 5 - 7% trong tổng vốn FDI của cả nước. Phân tích kỹ hơn thì thấy thu hút đầu tư xoay quanh những tỉnh gần TP.HCM như Long An, Tiền Giang, hoặc địa phương có lợi thế về du lịch như Phú Quốc (Kiên Giang).
Còn lại, kể cả TP Cần Thơ thì còn rất ít và rất yếu. Gần đây có vài dự án FDI liên quan tới năng lượng, điện gió, điện mặt trời... trong khi lĩnh vực chế biến, chế tạo, du lịch, phát triển đô thị... hầu như không có. Ngay cả lợi thế lớn nhất của vùng là nông nghiệp cũng không có dự án nào đáng kể.
* Nhiều năm qua chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của nhiều tỉnh trong vùng đều nằm trong nhóm đầu nhưng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, liệu có mâu thuẫn không, thưa ông?
- Câu trả lời cho vấn đề này ở lãnh đạo các địa phương chứ không ai khác. Có cái gì đó không ổn và không đúng trong chiến lược phát triển, trong chính sách; cách làm trong thu hút đầu tư cũ, nhàm chán, không có động lực nào để thu hút những dự án.
Ở đây chẳng những không thu hút được đầu tư, mà còn là vấn đề người lao động, dân cư ở địa phương đi ra bên ngoài. Nếu coi cả 2 vấn đề trên là chuyện bình thường thì không có cách làm đặc biệt, không có cách làm vượt bậc, không có cách làm đột phá để giải quyết tình hình.
Mình tự khen với nhau về chỉ số PCI, nhưng bây giờ cần phải lấy thước đo khác nữa là thu hút đầu tư vào trong vùng, là sự phát triển kinh tế của vùng thì mới đồng bộ. Nếu chỉ hài lòng với PCI không thôi thì chỉ mang tính hình thức.
ĐBSCL khó đón đại bàng nếu không đột phá về giao thông, nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi - Ảnh 3.

Thi công nâng cấp quốc lộ 1 qua Vĩnh Long. Hạ tầng giao thông yếu kém là một trong những nguyên nhân khó thu hút đầu tư vào ĐBSCL - Ảnh: C.QUỐC

* Theo ông, các tỉnh trong vùng cần phải làm gì nữa?
- Đúng là hiện tại diện mạo ĐBSCL đã khá hơn so với 5 năm trước và sẽ còn thay đổi trong 5-10 năm tới. Để phát triển kinh tế, thu hút những doanh nghiệp lớn mà người ta hay gọi là "đại bàng" thì vấn đề là giao thông, giao thông và giao thông.
Giao thông trước tiên là đường cao tốc, đường bộ, đường sắt. Giao thông thứ 2 là cảng biển, cần có cảng biển cho khu vực mà nằm ở phía tây, phía nam sông Hậu chứ không phải ở Long An (vì quá gần TP.HCM). Giao thông thứ 3 không đơn thuần là giao thông mà kết hợp cụm logistics, kết nối giao thông và các cụm kinh tế vùng - là điều chưa được xem trọng ở ĐBSCL.
Hạ tầng đã cải thiện thì đồng bộ với đó cần có chính sách. Kinh nghiệm các vùng, các tỉnh thu hút đầu tư nhiều cho thấy họ đều có chính sách ưu đãi, thậm chí là ưu đãi đặc biệt. Đầu tư hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng vào những địa phương xa xôi mà không có chính sách ưu đãi thì cũng khó thu hút đầu tư.
Ở miền Bắc, miền Trung, những địa phương thu hút được đầu tư cũng nhờ những chính sách ưu đãi. Cho nên đây là cái không thể tách rời với sự đầu tư về hạ tầng.
ĐBSCL khó đón đại bàng nếu không đột phá về giao thông, nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi - Ảnh 4.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang xây dựng tạo điều kiện tốt về hạ tầng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ĐBSCL - Ảnh: C.Q.

* Nguồn nhân lực được xem là điểm yếu ở ĐBSCL, là cản trở lớn cho việc thu hút đầu tư. Làm sao để khắc phục được hạn chế này?
- Nguồn nhân lực là điểm yếu kinh niên, nhiều thập niên qua ở ĐBSCL. Mỗi lần điều tra dân số là thấy những điểm yếu ĐBSCL liên quan tới đào tạo. Nhưng cũng phải nhìn nhận là nguồn nhân lực này chỉ yếu so với các vùng miền khác của cả nước, chứ so với trước đây chúng ta có sự thay đổi khá lớn, khá nhanh. Và khi có sự phát triển kinh tế, có sự đầu tư vào đây thì khả năng các tỉnh thích ứng trong việc đào tạo để hỗ trợ nguồn nhân lực có chất lượng.
Tôi cho rằng khi có nhu cầu phát triển kinh tế, có nhà đầu tư thì hệ thống cơ sở đào tạo của vùng này có khả năng đáp ứng được nhu cầu mới. Nếu đào tạo tốt mà kinh tế không tốt thì lao động đó cũng đi.
Thực tế hiện nay lao động di chuyển, nguồn lực đào tạo có chất lượng đều di chuyển đi những trung tâm kinh tế lớn. Vì vậy khi ĐBSCL thu hút được nhà đầu tư, phát triển kinh tế mạnh hơn thì cũng có thể giữ chân được lao động và thu hút được nguồn lực khác.
Ở một khía cạnh khác, trước khi xem xét đầu tư vào một địa phương, nhà đầu tư sẽ cân nhắc lao động ở đó có đủ hay không, có dễ tuyển không, tinh thần, thái độ tôn trọng kỷ luật của lao động có tốt, có năng suất hay không... Mà mấy cái này phải thừa nhận là lao động ở ĐBSCL có những điểm yếu.
Đây là điều mà chính quyền địa phương, đoàn thể và cơ quan cần chú ý để hỗ trợ cho lao động, giúp họ xây dựng tinh thần, thái độ làm việc tích cực.
ĐBSCL khó đón đại bàng nếu không đột phá về giao thông, nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi - Ảnh 5.

Nguồn: Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 của Phòng Thương mại và công nghiệp VN Số liệu: CHÍ QUỐC - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Ông Võ Thành Thống (thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư):

Cần đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL

thu truong vo thanh thong (read-only)

Do thu nhập quá thấp, không đủ sống, đặc biệt là thiếu việc làm nên những năm qua có một bộ phận người dân ĐBSCL phải đi làm ở nơi khác để kiếm sống. Trước yêu cầu bức thiết của vùng, năm 2017 Chính phủ đã ban hành nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, Chính phủ sẽ dành một nguồn lực đáng kể cho phát triển ĐBSCL, đặc biệt là nguồn lực cho phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông trong vùng, điểm yếu nhất của ĐBSCL so với các vùng khác.

Nếu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL được đầu tư, nâng cấp hiện đại trong những năm tới sẽ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp trong vùng. Điều này sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Khi thu nhập được nâng lên, chắc chắn họ không có lý do gì phải dời đi nơi khác để kiếm sống.

TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế):

Địa phương phải kết nối với hạ tầng trọng điểm

tran huu hiepaa (read-only)

Cái quan trọng nhất trong thu hút đầu tư là môi trường đầu tư. Hạ tầng giao thông được trung ương đầu tư vừa qua có những nét mới là tốt, nhưng các địa phương phải phát huy.

Hàng loạt khu cụm công nghiệp ra đời hàng chục năm qua phát huy tới đâu và đường xương cá kết nối thế nào? Nếu đường mở ra mà địa phương không kết nối hạ tầng trọng điểm thì khó phát huy. Các địa phương phải nỗ lực để có môi trường đầu tư hấp dẫn hơn thì đó mới quan trọng hơn là việc nhắm tới nhà đầu tư nào.

Ngoài ra, theo tôi, các địa phương phải tăng cường liên kết, chứ không phải giành, cạnh tranh nhau trong thu hút đầu tư. Không phải dự án nào cũng thu hút, nếu dự án ảnh hưởng môi trường thì phải cân nhắc.

C.QUỐC - B.NGỌC ghi

Ông Lê Minh Hoan (thứ trưởng Bộ NN&PTNT):

"3 được, 2 chưa" sau 3 năm thực hiện nghị quyết 120

leminhhoan2 (read-only)

Sau 3 năm thực hiện nghị quyết 120, có 3 cái được lớn. Trước hết, ĐBSCL đã bước đầu thay đổi tư duy phát triển, đã hình thành tư duy dựa trên sự thay đổi do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên nước để chuyển đổi thích ứng các mô hình sản xuất nông nghiệp. Thứ hai là bước đầu tạo ra các mối liên kết nội vùng, nội ngành. Ba là kết cấu hạ tầng nông nghiệp được đầu tư phục vụ chuyển đổi các tiểu vùng sinh thái.

Mặt chưa được chính là ĐBSCL vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tiềm lực đầu tư tạo cú hích lớn hình thành chuỗi giá trị cao; chưa xây dựng kịp thời các quy chế vận hành phù hợp với các kịch bản chủ động thích ứng với sự thay đổi: hạn, mặn, sạt lở...

Để giải quyết hạn chế về thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế mạnh hay còn gọi là các "đại bàng" ngoài việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, logistics, cần tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì cần tạo ra các cụm liên kết vùng nguyên liệu liên huyện, liên tỉnh. Từ đó kết nối hạ tầng để tạo vùng nguyên liệu đủ lớn để hình thành các cụm liên kết ngành hàng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi ngành hàng và doanh nghiệp hỗ trợ.

khu cong nghiep 4 1(read-only)

Khu quy hoạch cụm Khu công nghiệp 1 TP Cần Thơ đang chờ đón “đại bàng” - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tạo ra hệ sinh thái kinh tế nông thôn, gồm các hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp (chim sẻ) để hợp tác với các doanh nghiệp lớn (đại bàng) cùng hình thành hệ sinh thái ngành hàng nông sản. Ngoài ra, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các viện trường, cơ quan hoạch định và thực thi chính sách.

Theo Báo Tuổi trẻ