The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

DDCI 2016: Đổi mới, sáng tạo, phá vỡ sức ỳ

Ngày 23-1 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh năm 2016 (DDCI). Kết quả xếp hạng DDCI gây nhiều bất ngờ. Tuy nhiên, từ kết quả này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long mong muốn các đơn vị, địa phương phải tự đánh giá, nhìn nhận lại mình để tạo đột phá, phát triển kinh tế.

Cục Thuế tỉnh giành vị trí quán quân DDCI 2016 khối sở, ngành.
Cục Thuế tỉnh giành vị trí quán quân DDCI 2016 khối sở, ngành.

CẠNH TRANH LÀNH MẠNH

Đây là năm thứ 2 tỉnh đưa ra bảng xếp hạng DDCI. Khác với năm 2015 chỉ đánh giá 7 cơ quan, 6 địa phương nổi trội, năm nay việc khảo sát trên quy mô toàn tỉnh với 15 sở, ngành và 14 địa phương. Đơn vị khảo sát là cơ quan nghiên cứu độc lập VIETSURVEY. Năm nay, việc khảo sát được thực hiện tại 989 doanh nghiệp, với 8 chỉ số thành phần được khảo sát gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động của lãnh đạo, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, vai trò của người đứng đầu.

Kết quả bảng xếp hạng DDCI 2016, Cô Tô đứng đầu bảng với 76,78 điểm. Hai địa phương Hoành Bồ, TP Uông Bí lần lượt xếp thứ hai, ba. Hai địa phương TP Móng Cái, TX Quảng Yên - những trung tâm thương mại, đầu tư lớn của tỉnh cũng nằm trong tốp 5. Quán quân DDCI 2016 huyện đảo Cô Tô dù còn nhiều khó khăn nhưng gây bất ngờ với 5/8 chỉ số thành phần dẫn đầu. Huyện Hoành Bồ xếp hạng đầu về chỉ số thành phần thiết chế pháp lý. Quán quân DDCI 2015 Uông Bí năm nay đứng thứ 3 với hai chỉ số thành phần thuộc nhóm dẫn đầu gồm: Thiết chế pháp lý và vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Uông Bí là địa phương tương đối đồng đều về hầu hết các khía cạnh điều hành kinh tế. Kết quả trên cho thấy, doanh nghiệp đánh giá năng lực điều hành về kinh tế của các địa phương rất khác nhau và không phụ thuộc vào mức độ tập trung kinh tế hay sự thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông và giao thương.

Xét theo các chỉ số thành phần thì tại hầu hết các địa phương, tính minh bạch và tiếp cận thông tin được đánh giá cao ở các khía cạnh: Các thủ tục được niêm yết công khai tại hệ thống hướng dẫn; phí và lệ phí công khai, minh bạch. Những điểm sáng về chi phí không chính thức ghi nhận trong năm 2016 là chỉ còn một số ít doanh nghiệp cho rằng còn hiện tượng gây khó khăn, trì hoãn thủ tục để trục lợi (10%). Chỉ có 22% doanh nghiệp cho rằng phải trả chi phí không chính thức nếu muốn công việc được thuận lợi. Các chỉ số thành phần thiết chế pháp lý và cạnh tranh bình đẳng có số điểm tương đối cao cho thấy những nỗ lực của tỉnh và các địa phương trong việc cải cách. Chỉ số thành phần tính năng động của lãnh đạo ở các địa phương được đánh giá cao, tuy nhiên, 3 địa phương đứng đầu đều không phải là các trung tâm kinh tế lớn mà ở các huyện miền núi, hải đảo là Cô Tô, Ba Chẽ, Tiên Yên. Tương tự về chỉ số vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành và chính quyền địa phương thì Cô Tô và Đầm Hà dẫn đầu.

Lý giải về việc một số địa phương có thế mạnh nhưng không đạt được vị trí nổi bật như TP Hạ Long, ông Nguyễn Đức Nhật, tư vấn trưởng của nhóm nghiên cứu cho rằng, đó là điều dễ hiểu bởi những địa phương này có số lượng doanh nghiệp lớn, trong khi đó, DDCI luôn quan tâm tới những vấn đề mà doanh nghiệp quan ngại, nhìn vào điểm chưa hài lòng để phân tích và đánh giá.

Đối với các sở, ngành, Cục Thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương đứng đầu bảng xếp hạng. Có thể nói, đây là 3 đơn vị được doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá xuất sắc nhất trên bình diện cả 8 chỉ số thành phần. Sự dẫn đầu của các đơn vị có truyền thống tiếp xúc với doanh nghiệp như 3 ngành này đã chỉ ra bài học rõ ràng. Không chỉ đả phá sức ỳ và thói quen ngại va chạm hay tâm lý lo sợ “làm nhiều sai nhiều”, xếp hạng cao của các cơ quan này cho thấy càng minh bạch và rõ quy trình làm việc, doanh nghiệp càng đánh giá cao hiệu quả công tác hành chính. Bên cạnh đó, dữ liệu DDCI cho thấy chi phí không chính thức - vấn đề “dễ biết, ngại nói, ngại làm” trong cải cách hành chính tại Quảng Ninh ở mức gần như không đáng kể và chấp nhận được. Vai trò của người đứng đầu, đặc biệt là khối sở, ngành được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng ở mức cao. Không chỉ làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo tỉnh hay thực hiện nghiêm túc các quyết sách chủ trương của tỉnh mà chủ động giải quyết các vấn đề vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp.

Phải khẳng định rằng, DDCI 2016 đã kế thừa tinh thần cải cách của PCI và tính chủ động, sáng tạo của tỉnh, phá vỡ sức ỳ, tự mãn với những kết quả đã đạt được của các đơn vị. Thay vào đó là quan điểm nhìn về phía trước, chuyển từ quan điểm so sánh sang chủ trương cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển; chuyển từ giải quyết khiếu nại, phàn nàn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp sang hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và huy động được sự tham gia đóng góp, hiến kế xây dựng kinh tế - xã hội cho tỉnh. Qua đó, trao quyền cho cộng đồng doanh nghiệp lên tiếng, hỗ trợ hệ thống hành chính phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.

CẦN ĐÁNH GIÁ, NHÌN NHẬN LẠI MÌNH

Tuy nhiên, dù những địa phương được doanh nghiệp đánh giá xuất sắc nhất trên bình diện cả 8 chỉ số thành phần thì bên cạnh những điểm mạnh vẫn còn những điểm yếu và hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, Hoành Bồ dù xếp hạng thứ 2 nhưng đứng trong nhóm địa phương cuối bảng về cạnh tranh bình đẳng. Các chỉ số thành phần tính minh bạch và hỗ trợ DDCI 2016 có vị trí tương đối thấp dao động quanh mức 5 trên thang điểm 10 cho thấy các địa phương cần phải nỗ lực cải thiện chỉ số này. Có tới 42% doanh nghiệp chưa thể tìm kiếm thông tin trên trang website các địa phương một cách dễ dàng. 40% doanh nghiệp cho rằng các “mối quan hệ” sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tiếp cận các thông tin, tài liệu của địa phương. Còn 40% doanh nghiệp cho rằng chính quyền địa phương ưu ái hơn cho các doanh nghiệp lớn. Một tỷ lệ không nhỏ tương ứng 20% doanh nghiệp cho rằng lãnh đạo chính quyền địa phương chưa giải quyết triệt để và nhanh chóng các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp...

Đối với khối sở, ngành thì bên cạnh chỉ số thành phần về tính minh bạch và hỗ trợ doanh nghiệp, những ý kiến về sự tồn tại của chi phí không chính thức cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống hành chính. Nếu muốn cải cách môi trường kinh doanh tại Quảng Ninh hơn nữa thì việc chiến đấu và loại bỏ những chi phí không chính thức là cần thiết. Dù chỉ số vai trò của người đứng đầu đặc biệt là ở khối sở, ngành được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng ở mức cao, nhưng cần có sự vào cuộc đồng bộ, xuyên suốt từ chỉ đạo tới thực thi, đặc biệt từ các phòng, ban đơn vị trực thuộc, cụ thể là cán bộ, công chức tiếp xúc làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp... Bởi thực tế, qua bảng xếp hạng DDCI 2016 cho thấy, không có một đơn vị nào hoàn hảo: Ngay cả 3 đơn vị đứng đầu vẫn còn những hạn chế thậm chí yếu khi so ngang với các sở, ngành khác ở một vài chỉ số thành phần. Hầu hết điểm yếu của các đơn vị này vẫn nằm ở chỉ số chi phí không chính thức...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long nhận định rằng, sự đầu tư của doanh nghiệp là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương xa xôi, khó khăn lại dẫn đầu bảng xếp hạng đã cho thấy sự nỗ lực vươn lên và khát khao, mong muốn doanh nghiệp đến đầu tư nhiều hơn nữa. Kết quả này không mang tính chất so sánh hơn thua vì mỗi đơn vị có đặc điểm khác nhau nhưng rất có ý nghĩa để các cơ quan, địa phương đánh giá, nhìn lại mình. Trên cơ sở đó, chỉ số nào tốt thì phát huy, chỉ số nào chưa tốt cần xem xét và khắc phục. Sắp tới, tỉnh cũng sẽ triển khai nâng cao năng lực cạnh tranh đồng bộ cả ở cấp xã, phường, tới từng cán bộ, công chức để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Thanh Hằng

Báo Quảng Ninh