The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

DDCI – Thước đo kiểu… Quảng Ninh

Trao đổi với DĐDN, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh cho biết: Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) không chỉ là thước đo chất lượng điều hành mà còn làm cơ sở cho UBND tỉnh xác định các biện pháp phù hợp để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Quảng Ninh công bố DDCI 2016

– Xin ông cho biết mục tiêu của việc thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương?

Bộ chỉ số DDCI góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng điều hành về kinh tế của các cơ quan công quyền thuộc tỉnh, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của khối DN trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là thước đo về năng lực cạnh tranh của từng đơn vị, hiệu quả điều hành kinh tế và trách nhiệm của người đứng đầu khi giải quyết các vấn đề liên quan tới DN.

Kết quả khảo sát DDCI phản ánh thực trạng chất lượng công tác điều hành của các sở, ngành, địa phương qua đánh giá của cộng đồng DN. Quan trọng hơn, DDCI không chỉ là thước đo chất lượng điều hành mà còn làm cơ sở cho UBND tỉnh xác định các biện pháp phù hợp để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Các chỉ số khi công bố có thể chưa làm hài lòng một số sở ngành, địa phương, nhưng đó là đánh giá của DN mà các cơ quan sẽ phải phải nghiêm túc nhìn nhận lại. Các sở ngành, địa phương nhìn vào kết quả bảng xếp hạng để tự đánh giá, trên cơ sở đó, chỉ số nào tốt thì phát huy, chỉ số nào chưa tốt cần xem xét và khắc phục.

– Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả cũng như tác động của DDCI đến chất lượng điều hành góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sau 2 năm triển khai thực hiện?

Đây là một thành công lớn của tỉnh, qua đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thông qua DDCI đã thực sự chuyển được lửa cải cách xuống địa phương, áp lực cải cách xuống cơ sở khi trao cho người dân, DN quyền đánh giá chính quyền, cơ quan quản lý. Nỗ nỗ lực cải cách đó đã được thể hiện cụ thể qua hành vi từng cán bộ công chức.

Năm 2015, tỉnh Quảng Ninh đã thí điểm chọn 6 thành phố, thị xã có nhiều dự án đầu tư, nhiều DN và 7 sở, ngành có gắn kết mật thiết hoặc trực tiếp liên quan đến hoạt động của DN để tính điểm xếp hạng.

Đối tượng được khảo sát bao gồm khoảng 1.400 DN trên địa bàn tỉnh. Nội dung khảo sát tập trung vào thu thập ý kiến của DN đối với chất lượng điều hành của các sở, ngành và địa phương của Quảng Ninh về 7 nội dung cơ bản liên quan tới môi trường kinh doanh: tiếp cận thông tin; tính năng động; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ DN và thiết chế pháp lý.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên đưa ra sáng kiến mới xây dựng chỉ số DDCI theo cách thức chuyên nghiệp và bài bản nhất.

Kết quả khảo sát DDCI năm 2015 của tỉnh đã ghi nhận những phản ánh, đánh giá của cộng đồng DN về những nỗ lực cải cách của các sở, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ chỉ số DDCI của tỉnh 2016 đã được nghiên cứu, xây dựng với những tiêu chí mới so với bộ chỉ số thí điểm năm 2015. Đối tượng khảo sát năm 2016 gồm 29 cơ quan (tăng 16 cơ quan so với năm 2015, gồm: 14 huyện, thị xã và thành phố trên toàn tỉnh; 15 sở, ngành có nhiều giao dịch với tổ chức kinh tế); đối tượng lấy ý kiến đánh giá là trên 3.500 DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể (tăng hơn 200% so với 2015).

Trong bộ phiếu đánh giá DDCI mới, tỉnh đã bổ sung tiêu chí đánh giá trách nhiệm, xếp hạng của người đứng đầu từng địa phương và các sở, ngành. Đây cũng được xem là bước đột phá, mạnh dạn và quyết liệt trong triển khai DDCI năm 2016. Đặc biệt, tỉnh đã lựa chọn một cơ quan tư vấn độc lập có kinh nghiệm trong điều tra PCI, thống kê và điều tra xã hội học với các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực này. Đồng thời, tỉnh cũng thành lập tổ giúp việc triển khai kế hoạch khảo sát, điều tra đánh giá về năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương đặt tại Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA), gồm 3 thành phần: Đơn vị tư vấn, IPA và Hiệp hội DN tỉnh nhằm đảm bảo tính khách quan.

– Ông có thể chia sẻ những thành công bước đầu mà DDCI mang lại?

Đây là “thước đo” và là cách nhìn của các DN với thủ tục, công chức nhà nước nói chung nhưng cũng nhờ thế, Quảng Ninh đã có những động thái, phương pháp sửa đổi tích cực ngay từ những thủ tục hành chính dù nhỏ nhất. Đơn cử, hiện tổng số thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đã giảm 201 thủ tục, ở 3 cấp còn lại 1.534 thủ tục. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm trung bình 40% thời gian so với quy định của Trung ương. 14/15 Trung tâm hành chính công các địa phương trong tỉnh đã đưa 100% thủ tục hành chính vào thực hiện, cung cấp 1.286 dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, tỷ lệ hài lòng của công dân về chất lượng cung ứng dịch vụ công đạt trên 98%.

– Với những thành công bước đầu vậy trong thời gian tới Quảng Ninh sẽ duy trì và cải thiện việc đánh giá DDCI như thế nào thưa ông?

Kết quả khảo sát DDCI 2016 cho thấy sự chuyển động rất tích cực của cả bộ máy chính quyền các cấp khi khoảng cách điểm số giữa đơn vị đứng đầu và cuối không quá cách xa nhau. Ở một số sở, ngành, địa phương năm nay đã ghi nhận những phản ánh, đánh giá khách quan của cộng đồng DN về những nỗ lực cải cách của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh các tín hiệu đáng mừng, cuộc khảo sát cũng ghi nhận thực tế cộng đồng DN vẫn rất kỳ vọng vào những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của các sở, ngành và địa phương của Quảng Ninh trong thời gian tới.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, tổ công tác PCI của tỉnh với đơn vị thường trực là Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tiếp tục phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh, nhóm nghiên cứu và tư vấn nhanh chóng triển khai tổ chức thảo luận kỹ thuật với tất cả các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, trao đổi và hiểu rõ từng đánh giá DDCI 2016, qua đó xây dựng và triển khai chương trình hành động cải cách quyết liệt trong năm 2017 để chỉ số DDCI Quảng Ninh phát huy vai trò thước đo chất lượng điều hành kinh tế và động lực đổi mới những năm tiếp theo. Sắp tới, tỉnh cũng sẽ nghiên cứu triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh đồng bộ cả ở cấp xã, phường, tới từng cán bộ công chức để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

– Xin cảm ơn ông!

Lê Trang

Enternews