The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Để Đắk Lắk sớm trở thành trung tâm của Tây Nguyên

Trở lại Đắk Lắk lần nay, chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự đổi thay của vùng đất được mệnh danh “thủ phủ của Tây Nguyên” này. Nhiều nhà cao tầng, dự án được đầu tư xây mới, phố xá cũng nhộn nhịp hơn và cuộc sống của người dân được cải thiện rõ nét.

Phát triển toàn diện

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng bình quân của của 5 tỉnh Tây Nguyên đạt 7,83%, giá trị tổng sản phẩm đạt gần 62.000 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng, công tác thu hút đầu tư của các tỉnh trong khu vực có chuyển biến rất tích cực. Cùng với phát triển kinh tế, các tỉnh đã chú trọng hơn tới công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là Chương trình 135 về định canh, định cư…

Diện mạo TP. Buôn Ma Thuột đổi thay từng ngày.
Diện mạo TP. Buôn Ma Thuột đổi thay từng ngày.

Trong niềm vui chung về những thành quả đạt được của Tây Nguyên, Đắk Lắk đã góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới, xây dựng, kêu gọi xúc tiến đầu tư. Tính cả năm 2016 và đến hết tháng 6/2017, đã có 95 dự án với tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng được đầu tư vào Đắk Lắk. Thành quả này có được là cả một quá trình và việc xác định rõ mục tiêu phát triển, kêu gọi đầu tư từ các sở, ban, ngành, cùng sự tham mưu của Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc hoạch định chính sách kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.

Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với UBND tỉnh Đắk Lắk, xác định rõ mục tiêu phát triển là tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư, mở rộng các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và hình thức đầu tư, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế lớn. Đắk Lắk cũng tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư hạ tầng nhằm nâng cao vị thế, cải thiện môi trường đầu tư trên tinh thần tranh thủ sự chỉ đạo của Trung ương và phát huy thế mạnh về nông nghiệp và công nghiệp chế biến của địa phương.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, công tác thu hút các doanh nghiệp đến với Đắk Lắk chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong giai đoạn 2016 - 2020, trên cơ sở tiềm năng sẵn có của mình, tỉnh Đắk Lắk tập trung đầu tư kêu gọi vào các lĩnh vực trọng yếu.

Với trồng trọt và chế biến nông sản, xây dựng vùng trồng và chế biến nông sản xuất khẩu như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây lương thực… theo hướng thâm canh, nâng cao chất lượng và năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích các dự án ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp; khuyến khích các dự án bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch ứng dụng công nghệ hiện đại, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và phát huy hiệu quả tối đa trong sản xuất nông nghiệp nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại.

Về chăn nuôi và chế biến sản phẩm chăn nuôi, hoạt động đầu tư nước ngoài được định hướng tập trung thu hút vào các dự án sản xuất giống gia súc và gia cầm có chất lượng cao tại các vùng có điều kiện thuận lợi về lao động, đất đai, đảm bảo vệ sinh môi trường khi phát triển chăn nuôi với quy mô lớn. Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư sản xuất thức ăn gia súc có chất lượng cao. Khuyến khích các dự án chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm. Về lâm nghiệp, khuyến khích nhà đầu tư sản xuất giống cây lâm nghiệp năng suất cao và trồng rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ, gắn với chế biến lâm sản.

Cũng theo Sở Kế hoạch Đầu tư Đắk Lắk, đối với ngành công nghiệp - xây dựng, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư gồm: công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghệ thông tin, điện tử, vi điện tử, cơ khí nông nghiệp, công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng. Đồng thời, khuyến khích thu hút FDI vào ngành công nghiệp phụ trợ nhằm giảm chi phí nguyên liệu, phụ liệu của các ngành công nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, 5 tỉnh Tây Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ cho 25 dự án của 24 nhà đầu tư, gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước với tổng vốn gần 86.000 tỷ đồng. Đến nay, đã có 95 dự án với tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng được đầu tư vào Đắk Lắk. Chỉ số Năng lực cạnh tranh của Đắk Lắk cải thiện đáng kể (năm 2015, đứng thứ 23/63 các tỉnh, thành phố cả nước; năm 2016, đứng thứ 28/63 các tỉnh, thành phố cả nước và thứ 2 khu vực Tây Nguyên).

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư vào các dự án điện gió, điện năng lược mặt trời. Đối với dịch vụ, khuyến khích đầu tư vào các ngành du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, tài chính - ngân hàng. Khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn theo các hình thức đối tác công tư (PPP) thích hợp để xây dựng cảng hàng không, đường sắt, viễn thông, cấp, thoát nước… góp phần nâng cấp hệ thống kết cầu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng nhanh của nền kinh tế.

Vì một môi trường đầu tư lý tưởng

Với mục tiêu tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế lớn, thời gian tới, Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể. Trong sản xuất và chế biến nông sản, tập trung vào xây dựng dự án xây dựng và chế biến nông sản xuất khẩu, nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích các dự án chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm. Đồng thời, hướng đến xây dựng các trung tâm giáo dục, các trường đào tạo quy mô cấp vùng, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học hiện đại, phát triển đội ngũ giảng viên có chuyên môn nghiệp vụ cao. Tiếp tục đầu tư xây dựng và kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại…

Thành công trong thu hút đầu tư sẽ mở ra cơ hội để Đắk Lắk từng bước hoàn thiện hình ảnh của mình trong con mắt các nhà đầu tư, bạn bè trong nước và quốc tế. Thời gian tới, Đắk Lắk sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển. Tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư kinh doanh trên địa bàn.

Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm thu hút đầu tư ở Đắk Lắk, ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư cho biết, có được thành quả này nhờ sự đồng thuận và vào cuộc của các cơ quan ban, ngành trên địa bàn, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của các cấp Ủy đảng, chính quyền địa phương. Thời gian qua, tỉnh và các ngành cũng tập trung vào 2 vấn đề chính là nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số Cải cách hành chính.

Đắk Lắk xác định, để thu hút đầu tư, cả hệ thống chính quyền đều phải mong muốn hướng tới việc tạo ra môi trường thực sự tốt cho thu hút đầu tư. Tiếp đó, các ngành, các cấp phải hành động một cách đồng bộ, năng động trong xử lý các thủ tục và tuân thủ các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, phải thật sự coi công việc của nhà đầu tư là công việc và trách nhiệm của chính quyền. “Các cơ quan, đoàn thể phải giải quyết một cách nhanh chóng nhất, đúng nhất, để các nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư đưa dự án vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho lao động và tăng ngân sách cho địa phương”, ông Hà nhấn mạnh.

Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi về các chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm Mạnh Hùng, chủ một doanh nghiệp tại Đắk Lắk mới nhận quyết định đầu tư dự án khu đô thị với diện tích 50 ha, quy mô lớn nhất khu vực Tây Nguyên cho biết: “Chúng tôi may mắn nhận được sự ủng hộ cao của các cấp, ban ngành trên địa bàn tỉnh. Nhất là công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục hành chính được hỗ trợ nhanh chóng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi và niềm tin cho các nhà đầu tư như chúng tôi an tâm khi muốn đầu tư vào Đắk Lắk”.

Nói về ưu đãi đầu tư với các doanh nghiệp, ông Hà cho biết thêm, các doanh nghiệp được bình đẳng trong các chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh. “Về chính sách, chúng tôi đã áp dụng đầy đủ các chính sach ưu đãi của trung ương theo quy định của pháp luật đối với từng lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn… Đối với các doanh nghiệp thực hiện trong lĩnh vực xã hội hóa (y tế, giáo dục, thể thao, môi trường) được hưởng thêm ưu đãi là miễn giảm tiền thuê đất một số năm tùy theo dự án, địa bàn…

Về cải cách hành chính, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế Phối hợp về việc giải quyết các thủ tục đầu tư liên quan đến các dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Với Quy chế này, Sở xác định được trách nhiệm của từng cơ quan phải làm trong chuỗi thủ tục và thời gian quy định phải hoàn thiện hồ sơ cho chủ đầu tư.

Ông Hà khẳng định: “Với sự đoàn kết đồng lòng của các cấp, ban ngành và nỗ lực hết mình trong kêu gọi xúc tiến đầu tư hiện nay, Đắk Lắk đang sớm trở thành môi trường đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp và xứng tầm thủ phủ của Tây Nguyên”.

Nhất Nam