The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Địa phương “phá cách” để thăng hạng cạnh tranh

Vừa uống cà phê sáng, vừa nghe DN giãi bày

Gần 2 năm nay, mỗi tháng các lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang lại được Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang mời tham dự một buổi cà phê sáng với cộng đồng doanh nhân tỉnh này. Không có phát biểu khai mạc, không cần lễ lạt long trọng, buổi gặp gỡ diễn ra đơn giản trong một không gian gần gũi. Những câu chuyện xung quanh ly cà phê này là làm thế nào tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vai trò của DN, doanh nhân với môi trường đầu tư tỉnh Tuyên Quang… Tất nhiên, không thể thiếu những lời thở than của DN trước các vướng mắc trong hoạt động kinh doanh.

Kết quả của những cuộc gặp gỡ ấy, năm 2014, Tuyên Quang đã có số điểm PCI tổng hợp tăng lớn nhất trong 63 tỉnh, thành phố, với 6,22 điểm. Nhờ vậy, thứ hạng tỉnh này năm 2014 đã tăng 13 bậc so với năm 2013.

Có thể, thứ hạng này so với các tỉnh top đầu chỉ là “chuyện nhỏ”, nhưng nếu nhìn vào lịch sử xếp hạng PCI của Tuyên Quang, con số đạt được của năm 2014 là nỗ lực không hề nhỏ. Bởi lẽ Tuyên Quang từng đứng ở nhóm cuối của bảng xếp hạng PCI trong 2 năm trước đây và cũng là tỉnh “đội sổ” về PCI năm 2013.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Chương trình cà phê doanh nhân đã tạo được môi trường thu hút đầu tư thông thoáng bằng cách rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư. Tuyên Quang đã thuyết phục được các nhà đầu tư không phải bằng lời nói mà bằng cơ chế chính sách. Chương trình đã tạo được môi trường cho các DN, hội viên của Hiệp hội trên địa bàn và khách mời gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ thông tin thị trường và thực hiện giao dịch cung cấp, sử dụng dịch vụ, hàng hóa của DN với DN…

Từng tham dự các cuộc Cà phê doanh nhân ở Tuyên Quang, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ: Tôi thấy cuộc gặp này rất thú vị và bổ ích. Không có những bài phát biểu rườm rà, không có sự e ngại, DN chia sẻ rất thẳng thắn những vướng mắc, bất cập về môi trường đầu tư kinh doanh. Còn lãnh đạo tỉnh hết sức cầu thị, chỉ đạo sát sao ngay những giải pháp gỡ khó cho DN.

Tỉnh top đầu cũng không thể chủ quan

Kết quả của 10 năm tổ chức PCI đã cho thấy, các tỉnh thuộc top đầu không thể tự mãn với vị trí xếp hạng của mình. Bởi dừng cải cách, khả năng tụt hạng là hiện hữu. Vĩnh Phúc là một ví dụ. Vĩnh Phúc từng luôn nằm trong top 10 trong các năm 2006-2009. Thế nhưng giai đoạn 2010-2012, tỉnh này đã bị tụt hàng chục bậc. Sau những sụt giảm thê thảm ấy, Vĩnh Phúc lại phải “tái cơ cấu” để đạt được sự thăng hạng ấn tượng trong 2 năm gần đây.

Lào Cai cũng là tỉnh thường trực trong top đầu, nhưng năm 2013 cũng “rơi” 14 bậc. Trong bảng xếp hạng PCI 2014, Lào Cai đã trở lại ấn tượng khi cải thiện 14 bậc, lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng. Kết quả ấy cũng không ngẫu nhiên có được. Đó là nhờ sáng kiến đột phá khi xây dựng Bộ Chỉ số năng lực điều hành cấp huyện, thành phố (DCI). Ông Lý Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai chia sẻ: Sự vào cuộc trước đây mới chỉ dừng lại chủ yếu ở cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố còn thiếu tính chủ động. Vì thế chúng tôi xây dựng năng lực cạnh tranh cấp huyện. Mục tiêu cao nhất là nhằm cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh cả về chiều rộng, chiều sâu; nhận diện được năng lực điều hành của chính quyền huyện, thành phố. Năm 2013, Lào Cai tiến hành xây dựng Bộ khung chỉ số DCI. Năm 2014 tiến hành đánh giá, thí điểm công bố, nhận được sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt, nhất là lãnh đạo các huyện, thành phố. Đến nay, DCI được coi trọng và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền cấp huyện của Lào Cai. Điều này góp phần đưa chỉ số PCI Lào Cai năm 2014 tăng 14 bậc, từ 17/63 lên 3/63 tỉnh, thành phố.

Quảng Ninh cũng là một tấm gương “vượt khó vươn lên”. Nhìn vào chuỗi xếp hạng PCI, có thể thấy sự tiến bộ vượt bậc. Nếu như giai đoạn 2006-2009, Quảng Ninh chỉ “lẹt đẹt” ở thứ hạng từ 22-27 trên 63 tỉnh thành, thì trong xếp hạng PCI năm 2014 Quảng Ninh đã vọt lên nắm một vị trí trong top 5. Trước đó, năm 2013 Quảng Ninh đã xếp vị trí thứ 4. Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Quảng Ninh xác định người đứng đầu đóng vai trò tiên quyết, quyết định sự thành công trong việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của DN tỉnh. Đồng thời, thay đổi tư duy từ cấp phép, cho phép sang cách nghĩ là phục vụ, chăm sóc nhà đầu tư, DN. DN có thể gặp trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh, hàng quý lãnh đạo cao nhất tỉnh tổ chức gặp gỡ các DN.

Lương Bằng