Điểm sáng từ kích cầu đầu tư
Lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định sẽ tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế và những điều kiện thực tiễn của Thủ đô. Hà Nội luôn đồng hành tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khởi nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh thành công lâu dài.
Một trong những chuyển biến tích cực được ghi nhận là thành phố đã tạo lập môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh thành công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Hà Nội thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt, tăng 10 bậc so với năm 2015, xếp thứ 14 trong số 63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Cải cách hành chính tăng sáu bậc, xếp thứ ba trong số 63 tỉnh, thành phố. Hà Nội xếp thứ hai cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Thành phố tăng cường hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các khó khăn trong quá trình thực hiện. Tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung cầu, liên kết các vùng, hỗ trợ doanh nghiệp trong chương trình xúc tiến đầu tư giới thiệu sản phẩm tại hội chợ trong nước, quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài. Theo kết quả điều tra, 2016 là năm các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động kinh doanh khá hiệu quả: 67% số doanh nghiệp kinh doanh có lãi; 47% số doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô kinh doanh.
Trong bảy tháng qua, Hà Nội đã thu hút 98 dự án ngoài ngân sách với tổng số vốn đăng ký 69.000 tỷ đồng; điều chỉnh vốn cho 52 dự án với tổng số vốn tăng 11.500 tỷ đồng. Toàn thành phố triển khai 128 dự án hợp tác đối tác công-tư (PPP), tổng mức đầu tư dự kiến 307.000 tỷ đồng. Lũy kế bảy tháng năm nay, Hà Nội thu hút 301 dự án FDI vốn đăng ký 1,355 tỷ USD. Hà Nội cấp chủ trương đầu tư cho 98 dự án trong nước với số vốn 68.970 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị có 61 dự án, tổng số vốn đầu tư 65.600 tỷ đồng. 75 dự án theo hình thức PPP có nhà đầu tư đăng ký thực hiện với tổng mức đầu tư dự kiến 123,6 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị có 71 dự án, với tổng mức đầu tư 120,9 nghìn tỷ đồng.
Về phát triển doanh nghiệp mới, đến nay, Hà Nội cấp phép cho 14.289 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 108.274 tỷ đồng (tăng 10% về số lượng và giảm 1% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Sở Kế hoạch và Ðầu tư dự báo, trong những tháng cuối năm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới sẽ tăng cao hơn khi các quận, huyện đang tích cực triển khai các giải pháp phát triển doanh nghiệp. Ðể đạt mục tiêu đề ra trong năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đề nghị các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan... đồng thời, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh giới thiệu các chương trình kết nối cung-cầu, kết nối doanh nghiệp-ngân hàng, kích cầu đầu tư... để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ðức Chung cho biết, Hà Nội phấn đấu là thành phố tiên phong của cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, về tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; về hội nhập quốc tế và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.
TRUNG VŨ