The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Điện Biên: Ðẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư

Những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh ta đã có những tiến bộ quan trọng, vị trí xếp hạng tăng dần, các điểm số năm sau cao hơn năm trước. Có được kết quả đó là do UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh; trong đó đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Xác định công tác CCHC chưa hiệu quả là rào cản lớn nhất trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, những năm trước đây, UBND tỉnh đã ban hành, triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó tập trung CCHC theo hướng “một cửa”, “một cửa điện tử”; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp theo hướng chuyển dần từ điều hành sang phục vụ; tăng cường công tác cung cấp thông tin, thường xuyên đối thoại doanh nghiệp để tiếp nhận phản ánh và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC). Phân công đơn vị đầu mối theo dõi công tác thu hút và hỗ trợ đầu tư đối với từng dự án trọng điểm; lồng ghép các nguồn vốn cho thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp do Trung ương và HÐND tỉnh ban hành.

Ðẩy mạnh CCHC để thu hút đầu tư, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung cải cách TTHC có liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng CNTT, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch… giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp. UBND tỉnh đã cụ thể hóa và yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ về cải cách TTHC; tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ðồng thời triển khai hiệu quả Ðề án Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm mục tiêu xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh, đầu tư thân thiện; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả; chuyển biến toàn diện trong nhận thức của các cơ quan chức năng có liên quan về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Hiện nay, 100% bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ trên địa bàn tỉnh đã niêm yết công khai lịch làm việc của UBND cùng cấp, kết quả giải quyết công việc, thời gian làm việc của bộ phận “một cửa”; công bố lịch tiếp dân của lãnh đạo UBND cùng cấp. Tỉnh đã triển khai Hệ thống cung cấp Dịch vụ hành chính công trực tuyến từ cấp sở đến cấp huyện, xã trong toàn tỉnh. Ứng dụng CNTT tại bộ phận “một cửa” trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo hướng hiện đại đã góp phần đẩy nhanh tiến độ công việc. Theo đó, thời gian cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp mới (kể cả đăng ký thuế) trung bình là 2,47 ngày và cấp đăng ký thay đổi trung bình là 1,9 ngày; thời gian cấp phép xây dựng và thủ tục liên quan trung bình là 17 ngày; thời gian cấp phép quy hoạch thực hiện trung bình là 27 ngày; thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất là 15 ngày...

Những kết quả đạt được trong CCHC thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh: Năm 2019 tỉnh ta xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 3 bậc so với năm 2018). Ðây là số điểm cao nhất tỉnh ta đạt được sau 15 năm các cơ quan chức năng thực hiện đánh giá, xếp hạng PCI. Qua đó góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư: Năm 2020, toàn tỉnh có 125 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 1.600 tỷ đồng; thành lập mới 25 hợp tác xã; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 9 dự án về lĩnh vực thủy điện, thương mại - dịch vụ, nông - lâm nghiệp, công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng với tổng mức đầu tư đăng ký trên 1.048,55 tỷ đồng. Hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2020 doanh thu từ khu vực kinh tế tư nhân đạt 18.552 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 38.880 lao động.

Theo Báo Điện Biên Phủ