The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Điện biên: kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch hiệu quả

Ngày 12/5/2016, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị “Gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư tỉnh Điện Biên năm 2016” nhằm lắng nghe các ý kiến đóng góp tâm huyết của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đặc biệt là những đề xuất về cơ chế, chính sách, giải pháp để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương.

Phát biểu trước hơn 400 doanh nhân tham gia Hội nghị, ông Trần Văn Sơn – Bí thư tỉnh uỷ Điện Biên nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao đóng góp của doanh nghiệp và doanh nhân vào phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tiếp thu tinh thần từ Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp mới đây với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, tai Hội nghị này, chúng tôi mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp thực chất, thẳng thắn của doanh nghiệp đặc biệt là về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn… để sau Hội nghị phải có chuyển biến thực sự, các khó khăn của doanh nghiệp phải được tháo gỡ và tạo môi trường cạnh kinh doanh bình đẳng, minh bạch, hiệu quả; đánh dấu mối quan hệ hợp tác mới giữa doanh nghiệp, doanh nhân với chính quyền địa phương”.

Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế

Ông Mùa A Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ: Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư tỉnh Điện Biên năm 2016 được tổ chức nhằm truyền tải thông điệp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đến với các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; đánh giá, ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư đã đạt được những thành tích tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh và công tác xã hội; thúc đẩy hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

“Tỉnh Điện Biên cũng mong muốn được các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư hiến kế giúp tỉnh những nội dung, quan điểm đổi mới trong việc ban hành, thực hiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động khuyến khích đầu tư và hỗ trợ sản xuất kinh doanh từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà; ghi nhận những khó khăn, vướng mắc đang còn tồn tại để tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả”. – ông Sơn nói.

Theo ông Lê Thành Đô – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2015 đạt hơn 8.351 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2014. Tổng thu ngân sách địa phương đạt trên 7.242 tỷ đồng, đạt 109,8% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 7.206 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm 2014. “Để có được kết quả trên có vai trò đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hoạt động trên địa bàn tỉnh”. – ông Đô khẳng định.

Năm 2015, tỉnh Điện Biên có 103 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 441 tỷ đồng, tăng 11,44% so với năm 2014. Tính đến hết tháng 4/2016, toàn tỉnh có 1.051 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 11.111 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98,1%. Mỗi năm có khoảng trên 1000 lao động được tuyển dụng mới vào khu vực doanh nghiệp góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động và xoá đói giảm nghèo hiệu quả.

Ông Lê Thành Đô cho biết, sau khi chính phủ ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015- 2016, tỉnh Điện Biên đã khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Xây dựng Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ban hành chương trình, kế hoạch hành động hằng năm nhằm nâng cao chỉ số PCI. Tinh thần chủ đạo là tập trung cải cách thủ tục hành chính, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong tháo gỡ khó khan, cải thiện và thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Cụ thể, việc cấp đăng ký doanh nghiệp được triển khai nhanh chóng, thuận lợi, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp xuống tối đa còn 3 ngày làm việc…; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan về đầu tư, thẩm định dự án, giải phóng mặt bằng, đất đai, xây dựng, môi trường theo hướng giảm 1/3 thời gian so với quy định để doanh nghiệp triển khai được nhanh chóng và thuận lợi. Đặc biệt, các thủ tục hành chính về thuế luôn được công khai minh bạch trên trang thông tin điện tử của ngành thuế và được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan thuế các cấp. Tính đến thời điểm hiện tại dã có 1.057/1172 doanh nghiệp, chi nhánh trên địa bàn tỉnh Điện Biên thực hiện đăng ký kê khai thuế qua mạng, chiếm 90,2%.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được Điện Biên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Điện Biên nằm ở phía Tây Bắc tổ quốc, điều kiện địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, phần lớn nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương; Số lượng lao động đã qua đào tạo có trình độ tay nghề cao còn hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh doanh, thu hút đầu tư; Một số lĩnh vực có tiềm năng chưa được đầu tư phát triển; Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh biến động tăng giảm thất thường, một số chỉ số thành phần còn giảm điểm hoặc có điểm số ở mức thấp; Trên 98% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, năng lực quản lý, tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ mới của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; Cơ cấu ngành nghề của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nông lâm nghiệp… còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính tại một số sở, ngành còn chuyền biến chậm; công tác triển khai xây dựng một số chương trình, đề án chưa đảm bảo tiến độ…. Nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng một số sở, ngành, đơn vị còn yếu, thiếu quyết liệt chưa bám sát vào kế hoạch, giải pháp chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, chưa chủ động tham mưu cho UBND tỉnh khắc phục các tồn tại hạn chế.

Công tác phối hợp tham mưu một số nội dung của các ngành, các cấp chưa thống nhất, chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển. Xử lý có hiệu quả những tồn tại, vướng mắc trong xây dựng cơ bản. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia và chương trình, dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư với các dự án khởi công mới giai đoạn 2016- 2020…

Cởi nút thắt, mở tiềm năng

Luật sư Nguyễn Gia Long – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tài nguyên – TNT nhận định: Tỉnh Điên Biên được xác định là tỉnh có vị trí địa lý quan trọng về an ninh, quốc phòng trong vùng Tây Bắc của tổ quốc, ngoài ra tỉnh có tiềm năng để phát triển thương mại – dịch vụ – du lịch. Cùng với việc Bộ Giao thông vận tải cũng đã có Quyết định số 3578/QĐ-BGTVT ngày 07/10/2015 về việc cho phép lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã mở ra cơ hội lớn giúp tăng cường giao lưu, thông thương, thu hút đầu tư và phát huy được những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. “Dư địa phát triển của Điện Biên rất lớn và đây là thời cơ thuận lợi để các nhà đầu tư đến với Điện Biên. Tuy nhiên để tao điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư, tỉnh cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức”. – ông Long cho biết.

Còn theo ông Hoàng Giang – Giám đốc Công TNHH giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên: “Chính quyền đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ lấy doanh nghiệp làm động lực phát triển. Vậy làm sao để phát huy vùng gạo đặc sản của Điện Biên làm giầu cho địa phương? Theo tôi, chính quyền cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới. Có chính sách cải tạo đồng ruộng, tăng độ phì nhiêu, đồng thời cho phép các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo được sử dụng chỉ dẫn địa lý. Tỉnh nên chọn tạo 1-3 giống lúa có chất lượng cao để sản xuất theo quy mô hàng hoá và hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đi xúc tiến thương mại tại các hội chợ quốc tế”.

Bà Triệu Thị Kim Vân – Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty cổ phần thương mại Hưng Long chia sẻ: “Dù đã có nhiều đổi mới nhưng trong quá trình hoạt động chúng tôi thấy thủ tục hồ sơ hoàn thuế vẫn phức tạp, lòng vòng. Phần mềm kê khai thuế không cụ thể, vì vậy cần có hướng dẫn bổ sung cục thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần giảm bớt hoạt động thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi vấn đề thanh tra kiểm tra rất nhiều, trong vòng 2 tháng có tới hai đoàn kiểm tra đến doanh nghiệp của chúng tôi về cùng một nội dung”.

Ông Bùi Đức Giang – Giám đốc Cty xây dựng số 6 cho rằng, thứ nhất, thủ tục hành chính thời gian qua đã có khởi sắc nhưng còn một số sở, ngành, cấp vẫn còn chậm, mong lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn.

Thứ hai, về quy hoạch, cần có quy hoạch rõ ràng và các danh mục đã được lãnh đạo ký thì phải thực thi để doanh nghiệp không mất thời gian. Chẳng hạn, dự án Trung tâm thương mại theo quy hoạch đã được các cấp chức năng của tỉnh duyệt giải quyết các thủ tục để doanh nghiệp tham gia đầu tư theo quy hoạch, xứng tầm với quy mô đô thị của tỉnh nhưng đến nay vẫn vướng mắc chưa thể triển khai.

Bên cạnh đó, gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý với nhà đầu tư bởi có những dự án doanh nghiệp gửi văn bản nhiều lần nhưng không được trả lời cụ thể. Đặc biệt, muốn phát triển du lịch thì cảnh quan đường xá đi lại phải thuận lợi,nhưng hiện tại đường vào khu suối khoáng U Va rất xấu. “Chúng tôi mong muốn tỉnh hỗ trợ cầu và đường ngoài hàng rào. Doanh nghiệp sẵn sàng ứng vốn trước để triển khai sau đó tỉnh bố trí vốn hoàn lại sau”. – ông Giang nói.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, lãnh đạo Điện Biên khẳng định sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số năng lực quản trị hành chính công; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát và kiến nghị sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian thực hiện và đơn giản hoá các thủ tục theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là các thủ tục về đất đai, đầu tư; cấp đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp; thủ tục về thuế… tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Nâng cao chất lượng điều hành

Ông Mùa A Sơn cho biết, để tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh nghiêm túc quán triện thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI)của tỉnh, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Một là: Tập trung cải cách hành chính ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh, mục tiêu là giảm thiểu tối đa, đơn giản hoá các thủ tục hành chính có liên quan trực tiếp đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Hai là: Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – kỹ thuật, đảm bảo hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận, sử dụng nguồn lực thuộc các lĩnh vực như: mặt bằng đất đai, hạ tầng điện, nước, viễn thông và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác…

Ba là: Tăng cường các loại hình thông tin, trong đó chú trọng gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để minh bạch, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu về chiến lược, định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; các cơ chế, chính sách, quy hoạch đất đai, quy hoạch ngành, dự án kêu gọi đầu tư, các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với doanh nghiệp… Thực sự đề cao, tôn vinh các doanh nghiệp, nhà đầu tư, coi doanh nghiệp, nhà đầu tư là người đồng hành, là động lực phát triểnkinh tế – xã hội của tỉnh.

Bốn là: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, lành mạnh, nâng cao hiệu quả điều hành kinh tế xã hội của tỉnh; chủ động tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động

Năm là: Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng giao tiếp, kỹ năng, đạo đức, tác phong trong xử lý công việc cho cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là các vị trí giao dịch trực tiếp và bộ phận công chức, viên chức trực tiếp tham mưu giải quyết công việc liên quan đến doanh nghiệp, người dân.

“Trên tinh thần trao đổi, đối thoại thẳng thắn, dân chủ, cởi mở, chan hòa, Hội nghị đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của đại biểu các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đặc biệt là những đề xuất về cơ chế, chính sách, giải pháp để tăng khả năng thu hút, thực hiện các dự án đầu tư. Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương sẽ tiếp thu, lắng nghe, trả lời ý kiến của đại biểu các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực thuộc ngành, địa phương phụ trách. Đối với những vấn đề lớn, có tính chất phức tạp liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tỉnh sẽ tiếp thu, ghi nhận và sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm nghiên cứu trả lời các doanh nghiệp bằng văn bản. Tôi tin rằng trong thời gian tới, Điện Biên sẽ ngày càng được cải thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển.”- ông Mùa A Sơn khẳng định.

Tại Hội nghị, UBND tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư; Lễ Ký kết hợp đồng tài trợ tín dụng giữa ngân hang BIDV- chi nhánh Điện Biên với các doanh nghiệp, nhà đầu tư; Lễ trao hợp đồng tài trợ tín dụng giữa Ngân hang Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- chi nhánh Điện Biên với công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Đông Á; Khen thưởng các doanh nghiệp, các đơn vị và cá nhân tiêu biểu.
Phan Nam – Thu Trang