Điện Biên- Sức vươn lên từ vùng đất huyền thoại
07 Tháng 5, 2014
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết của 19 dân tộc anh em, Điện Biên đang không ngừng đổi thay.
“Sáu thập niên trôi đi, kể từ khoảnh khắc lịch sử 17h30 phút ngày 7/5/1954. 60 năm là hơn 20.000 ngày, dịp kỷ niệm này là lúc chúng ta nhìn về quá khứ, thấy rõ hiện tại, hướng tới tương lai để cùng nhau vững bước đi lên. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, được sự quan tâm của Chính phủ, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành, Điện Biên xứng đáng là tấm “lá chắn thép” nơi tiền đồn biên cương phía bắc”- Đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn.
PV: “Xứng danh Anh hùng” là cụm từ mà nhiều người thường nhắc đến khi nói về sự tiếp bước của các thế hệ Điện Biên sau Chiến thắng Điện Biên Phủ trong xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Sự tiếp bước đó được biểu hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Mùa A Sơn: Suốt mấy chục năm ròng trong cuộc xâm lược Lai Châu lần thứ nhất, thực dân Pháp chỉ mở ở Lai Châu được duy nhất một trường tiểu học tại Điện Biên và điều lạ lùng là cả trường chỉ có... một giáo viên. Nhưng nay, hệ thống giáo dục các cấp được mở từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ đến tận những làng bản hẻo lánh. Tại đó, nếu các thầy cô giáo giảng bài bằng giáo án điện tử, thì học sinh cũng có Internet nối mạng để cập nhật thêm thông tin bổ trợ cho kiến thức của mình...
Năm 2013, ước tính 123/130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hiện ngành chức năng đang sắp xếp lại hệ thống các trường chuyên nghiệp, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tiến tới thành lập “Trường Đại học Điện Biên”. Nhiều loại hình đào tạo được mở mới, các hình thức liên kết đào tạo với các trường ngoài tỉnh được tăng cường. Đào tạo chuyên nghiệp, dạy nghề tích cực triển khai và từng bước có hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn thăm Nhà máy gỗ ghép thanh và ván dăm ở Tuần Giáo |
Trước 1954, hầu hết đồng bào vùng cao Lai Châu không ai biết phát thanh - truyền hình là gì. Vài chục năm sau giải phóng, ngay cả với cán bộ nhà nước thì việc mua được một cái rađio loại “2 pin 3 băng” cũng là điều mơ ước xa xôi. Nhưng đến hết năm 2013, tỷ lệ hộ dân có máy thu hình và được xem truyền hình đạt 72%, tăng 7% so với năm 2010; gần 100% số hộ nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam.
Để mở mang dân trí cho nhân dân, từ nhiều năm nay thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh Điện Biên triển khai đều đặn và hiệu quả việc cấp miễn phí sách vở, giấy bút và cấp không hoặc trợ giá một phần kinh phí để đồng bào dân tộc mua đài bán dẫn và tivi.
Vào những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, cả Lai Châu chỉ có một bệnh viện ở khu vực Đồi Cao (thị xã Mường Lay hiện nay). Trong bệnh viện có vài đốc-tờ người Pháp và cũng chỉ ưu tiên chữa bệnh cho những sĩ quan, binh lính người Pháp, cùng lắm là cho đội ngũ chức dịch người bản địa. Nhưng nay, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng liên quan tập trung chỉ đạo. Nhân dân được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án về y tế nói chung.
Đến hết năm 2013, tỉnh ta có 14,6% số trạm y tế xã đạt bộ tiêu chí quốc gia y tế xã (theo chuẩn mới), trong đó 24,6% số trạm y tế xã có bác sỹ, tăng 8,5%; tỷ lệ bác sỹ/vạn dân là 8,44, tăng 2,65 so với năm 2010.
Về lĩnh vực kinh tế, thật khó kể hết những thành tựu quan trọng mà Điện Biên đã đạt được trong 6 thập niên qua. Điện trắng mường trắng bản, giao thông liên xã “đưa” tiếng xe máy về tận các gia đình vùng sâu, dưới đồng thấp mương dọc máng ngang, trên đồi cao cây công nghiệp phủ xanh đất trống. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, của các cấp các ngành, đồng bào các dân tộc đã và đang được đổi đời, cuộc sống ngày càng no cơm ấm áo...
Một trong những thành tựu lớn nhất, cụ thể nhất và đáng biểu dương nhất của Điện Biên, là sản xuất nông nghiệp. Mấy chục năm qua, người ta bảo cả tỉnh Điện Biên đói vì bình quân mỗi năm phải nhập hàng nghìn tấn gạo do Chính phủ trợ giúp. Nhưng nay, gạo Điện Biên làm ra không những đủ ăn mà còn thừa để xuất khẩu sang nước bạn và nhập trở lại các tỉnh miền xuôi.
Cánh đồng Mường Thanh (huyện Điện Biên) với diện tích gần 5.000ha được ví như “Đồng Tháp Mười” của tỉnh Điện Biên, là cánh đồng rộng nhất trong 4 cánh đồng “có tên” của cả khu vực Tây Bắc. Tại đây, đã từ lâu giống lúa IR64 trở thành đặc sản, tạo nên thương hiệu “gạo Điện Biên”.
PV: Nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ và những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Biên đã đạt được, theo ông, đâu là động lực chính giúp Điện Biên có diện mạo như ngày hôm nay?
Ông Mùa A Sơn: Để có được Điện Biên như ngày hôm nay, trước nhất phải khẳng định vai trò, sức mạnh tình đoàn kết giữa 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
19 dân tộc là 19 ngôn ngữ, phong tục, tập quán khác nhau nhưng vì một Điện Biên vững mạnh, bình yên, suốt 60 năm qua, trên con đường có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, các dân tộc ở Điện Biên luôn đoàn kết một lòng, cùng vững tin trên mỗi chặng đường vì mục tiêu xây dựng Điện Biên thành phên giậu vững chắc ở cực Tây Tổ quốc.
Và điều không thể không kể đến đó chính là sự quan tâm, tạo điều kiện nhiều mặt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội; sự quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt của các Bộ, ngành trung ương và sự ủng hộ, giúp đỡ của các tỉnh bạn đã dành cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Điện Biên trong những năm qua.
Cùng với đó là sự hỗ trợ, tài trợ nhiều mặt của các doanh nhân, nhà hảo tâm trong cả nước đã hướng về Điện Biên, dành cho người Điện Biên, đặc biệt là người nghèo Điện Biên ở vùng sâu vùng xa...
Điện Biên hôm nay |
PV: Mảnh đất huyền thoại hội tụ nhiều yếu tố hình thành nên tiềm năng du lịch rất lớn. Thế mạnh này đã và đang được Điện Biên phát huy như thế nào, thưa ông?
Ông Mùa A Sơn: Như đã biết, thành tựu Điện Biên đạt được sau 60 năm là rất đáng tự hào, song so với các địa phương khác, các tỉnh thành trong cả nước thì Điện Biên vẫn là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí nhìn chung chưa cao. Do vậy, trước mắt, việc tiếp tục hoàn thiện các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích thuộc quần thể di tích chiến dịch Điện Biên Phủ là một nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2014 của UBND tỉnh, trong hàng loạt vấn đề quan trọng, các đại biểu bàn thảo rất nhiều về Đề án Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Tờ trình đặt tên đường Võ Nguyên Giáp trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ; Đề án Quy hoạch chi tiết cơ sở hạ tầng đường thủy nội địa tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khoá XII nói chung, các mục tiêu cụ thể trong năm 2014 nói riêng sẽ là động lực, tiền đề quan trọng để Điện Biên hoàn thành mục tiêu xây dựng Điện Biên giàu đẹp, vững mạnh cho cả vùng Tây Bắc trong tương lai.
PV: Để Điện Biên thực sự “cất cánh”, tỉnh có chiến lược và bước đi như thế nào để vượt qua thách thức, phát triển toàn diện?
Ông Mùa A Sơn: Khó khăn, thách thức với Điện Biên có nhiều, nhưng cơ bản nhất đó chính là tỷ lệ nghèo toàn tỉnh còn cao (hết năm 2013 toàn tỉnh còn 36,8% hộ nghèo); Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra và chưa bền vững, nhiều chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp không đạt kế hoạch, tăng trưởng sản xuất công nghiệp – xây dựng thấp; tiến độ triển khai thực hiện một số chương trình, đề án còn chậm, gặp nhiều khó khăn, nhất là việc triển khai chương trình phát triển rừng, xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó là tiến độ thực hiện, giải ngân, quyết toán vốn đầu tư một số chương trình dự án còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; tỷ lệ sinh con thứ ba ở vùng sâu, vùng xa trong đồng bào các dân tộc còn cao; hiệu quả công tác cải cách hành chính chưa thực sự rõ nét; tình hình tội phạm ma túy vẫn nghiêm trọng và manh động hơn; di dịch cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh trật tự...
Để hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong năm 2014 nói riêng, để Điện Biên thực sự “cất cánh”, thời gian tới, Điện Biên quyết tâm thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp cụ thể.
Theo đó, chúng tôi tiếp tục tập trung kiểm soát lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; Tháo gỡ khó khăn của các ngành, lĩnh vực sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Đẩy mạnh thực hiện 03 đột phá chiến lược gắn với Đề án tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, xử lý giảm nợ đọng xây dựng cơ bản; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là tình trạng nghiện ma túy và lây nhiễm HIV; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; cải thiện và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển và bảo vệ rừng.
Về đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trọng điểm, tỉnh chú trọng việc tổ chức thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Đề án sắp xếp ổn định dân cư huyện Mường Nhé đến năm 2015. Đặc biệt chú trọng tổ chức thành công Đề án Kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Điện Biên tập trung cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luận, kỷ cương, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành. Tạo chuyển biến mới trong chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, triệt để thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Một nhiệm vụ rất quan trọng là đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quan hệ đối ngoại.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Thành Hưng Trung/VOV online 06/05/2014