Điện Biên: Tín hiệu tích cực từ chính sách thu hút đầu tư
Được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng thu hút đầu tư phát triển du lịch, thủy điện, khoáng sản, xuất nhập khẩu, sản xuất nông, lâm nghiệp và vật liệu xây dựng, tuy nhiên trước năm 2011, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh rất khó khăn và kém hiệu quả. Có thời điểm, nhiều năm liên tiếp, tỉnh ta không có doanh nghiệp nào tiến hành đầu tư. Bên cạnh những lý do khách quan là địa bàn xa các trung tâm kinh tế lớn; cơ sở hạ tầng kém phát triển và thiếu tính đồng bộ; trình độ nguồn nhân lực còn nhiều bất cập; thị trường tiêu thụ hạn chế... thì các nguyên nhân chủ quan: các cơ quan chức năng chưa năng động trong xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; thủ tục hành chính rườm rà, bộc lộ không ít bất cập, hạn chế. Việc thực hiện chính sách sau đầu tư ở một số dự án chưa tốt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở mức thấp (năm 2012 tỉnh ta đứng thứ 63/63 tỉnh, thành trong cả nước), là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến công tác thu hút đầu tư rất khó khăn. Đồng nghĩa với nội dung này là tỉnh thiếu động lực phát triển kinh tế, xã hội.
Triển khai nhiều chính sách thu hút đầu tư
Để thu hút đầu tư hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực tham mưu để UBND tỉnh đưa ra đánh giá sát thực về kết quả cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác thu hút đầu tư. Trên cơ sở đó, tập trung phát huy thế mạnh, khắc phục triệt để tồn tại, yếu kém. Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, xử lý dứt điểm, quyết liệt một số vấn đề cụ thể, như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả quản lý đất đai; quản lý, khai thác khoáng sản; giảm thiểu thủ tục, thời gian cho thuê đất thực hiện các dự án đầu tư... Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện hàng loạt chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về nhập khẩu và khấu hao nhanh đối với tài sản cố định; ưu đãi về sử dụng đất; nhà đầu tư được hưởng tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng; ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trồng rừng... Đặc biệt, doanh nghiệp đầu tư được hỗ trợ hướng dẫn các thủ tục đầu tư và giải quyết các thủ tục hành chính trong thời gian ngắn nhất. Việc giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư tối đa không quá 7 ngày; cấp giấy chứng nhận đầu tư tối đa không quá 20 ngày. Ngoài ra, UBND tỉnh hoàn tất và công khai danh mục các dự án kêu gọi đầu tư (trên 200 dự án) tại website Sở Kế hoạch và Đầu tư và Báo Điện Biên Phủ điện tử. Dự án kêu gọi đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: du lịch, thương mại, thủy điện... như: Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pa Khoang - Mường Phăng, Khu du lịch sinh thái động Pa Thơm, Khu dịch vụ thương mại, văn hóa và du lịch cửa khẩu Huổi Puốc; sản xuất và chế biến gạo đặc sản Điện Biên; xây dựng khu đô thị ven sông phường Nam Thanh; thủy điện Nậm Nhé 2, 3... Các dự án kêu gọi đầu tư đều xác định rõ hình thức đầu tư, quy mô, tổng mức... là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư nghiên cứu lựa chọn ngành, lĩnh vực, dự án đầu tư.
Tín hiệu vui
Nếu như trước năm 2011, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh ta diễn ra trầm lắng thì từ năm 2011 đến nay, công tác này đã có những chuyển biến tích cực. Trong 4 năm (2011 - 2014), UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đăng ký 8.312 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, các nhà đầu tư triển khai, thực hiện trên địa bàn tỉnh hàng chục dự án với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Ông Hoàng Văn Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan chức năng để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thời gian qua, mà nội dung chủ yếu là tập trung nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tiếp cận đất đai; tạo môi trường đầu tư công bằng, lành mạnh... đã giúp chỉ số PCI tỉnh ta từ chỗ "đội sổ" năm 2012 bứt phá xếp thứ 43 năm 2013. Một số hạn chế trong thực hiện thủ tục đầu tư: chậm trễ trong giải phóng mặt bằng; giao quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; các chính sách ưu đãi vốn vay... được giải quyết hiệu quả. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép khai thác và chế biến khoáng sản trải rộng trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng hạ giá thành sản phẩm vật liệu xây dựng thông thường, là nguyên nhân làm giảm suất đầu tư trên địa bàn. Điều này đồng nghĩa với việc giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư, góp phần quan trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư. Một số dự án đầu tư thủy điện; nhà máy Xi măng Điện Biên; Khu du lịch sinh thái Him Lam; Khách sạn Mường Thanh... phát huy hiệu quả. Điển hình là Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên, sau 5 năm đầu tư xây dựng đã cho ra sản phẩm xi măng đầu tiên năm 2009, đến nay xi măng Điện Biên đã xây dựng được thương hiệu mạnh trên địa bàn, sản phẩm tiêu thụ đạt 100% thiết kế sản xuất; lộ trình thu hồi vốn đúng kế hoạch.
Mạnh Thắng
Theo DienBienPhu Online ngày 26/01/2015