ĐIỀU KIỆN KINH DOANH TRÁI LUẬT ĐƯỢC NÂNG CẤP VÀO DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH: “Giấy phép con” sẽ lại bủa vây doanh nghiệp?
Chưa đầy một tuần nữa, tức ngày 1.7 tới đây, hơn 3.000 điều kiện kinh doanh hay còn gọi là các “giấy phép con” đang được quy định tại các thông tư cấp bộ, nếu không được quy định rõ trong nghị định sẽ hết hiệu lực. Đây là quyết tâm của Chính phủ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi giúp các DN nâng cao sức cạnh tranh song… liệu đã đủ?
Không để “khoảng trống pháp lý”
Các chuyên gia kinh tế nhận định, đến thời điểm này các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp về cơ bản đã đầy đủ. Theo báo cáo tổng hợp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày tại phiên họp về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2016, đến nay đã ban hành 21 văn bản và còn 30 văn bản phải ban hành. Trong đó, số văn bản đã trình Chính phủ là 26 văn bản, số văn bản chưa trình Chính phủ là 4 văn bản.
Riêng về các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đến nay, đã trình Chính phủ 49 nghị định trong tổng số 50 nghị định cần ban hành. Các thành viên Chính phủ nhất trí bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, không để “khoảng trống pháp lý”; bảo đảm chất lượng xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2016, nhất là các văn bản thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
“Lên đời” một số điều kiện kinh doanh trái luật?
Điểm đáng chú ý theo quy định của Luật Đầu tư thì 1.7.2016 là thời điểm hết hiệu lực của quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ ban hành. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp hiện nay đang tỏ ra lo lắng bởi nguy cơ một số điều kiện kinh doanh trái luật, không phù hợp có thể được nâng cấp, hợp thức hóa từ thông tư lên thành nghị định.
Đơn cử như Thông tư 20 của Bộ Công Thương quy định các nhà nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ ngồi phải có giấy ủy quyền của hãng sản xuất khiến nhiều DN lúng túng và thậm chí phải dừng hoạt động. Đại diện một DN trong lĩnh vực này cho biết, thông thường, các hãng xe chỉ đặt văn phòng đại diện của hãng tại Việt Nam chứ không cấp cho các nhà thứ cấp để độc quyền về giá nên việc xin được giấy ủy quyền là “ngoài tầm tay”. Theo nhận định của VCCI, nhập khẩu ôtô không thuộc 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định theo luật; do vậy, Thông tư 20 của Bộ Công Thương là trái luật và ngày 1.7 tới đây cần thiết phải bãi bỏ. Song trên thực tế, dự thảo nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương mới đây lại không hề đề cập đến điều này (!).
Tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, luật sư Trương Thanh Đức - thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã khẳng định: “Không cần phải chờ đến ngày 1.7.2016, hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang được quy định tại các thông tư trong khoảng thời gian 10 năm qua đều là trái luật”. Lý do là ngay khoản 5, Điều 7 về “ngành, nghề và điều kiện kinh doanh”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rõ: Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng các nghị định, khối lượng nghị định nhiều đến mức Bộ Tư pháp phải thẩm định tới 44 nghị định trong một tuần. Trong khi đó, chỉ có 24/50 nghị định được lấy ý kiến từ đại diện cộng đồng doanh nghiệp là VCCI (!).
Trước lo ngại nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp đã được nâng cấp từ thông tư vào dự thảo nghị định; cũng như nạn “giấy phép con” sẽ vẫn tiếp tục bủa vây, kìm hãm doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các văn bản mặc dù được xây dựng theo quy trình rút gọn song không vì tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng, không đưa y nguyên thông tư cũ, quy định cũ lên thành nghị định mới.
LINH NGUYỄN