The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

DN khổ vì Nghị định hơn Luật

Tin đưa ngày 19/7/2017

Quy định phải “công bố phù hợp quy định ATTP” được đưa vào Nghị định 38/2012/NĐ-CP nhưng lại không đưa vào Luật ATTP trong khi Luật ATTP chỉ yêu cầu “công bố hợp quy” đang khiến các DN kêu trời vì sự chéo ngoe, phức tạp, rườm rà, tốn thời gian và tiền bạc.

ngành thủy sản rắc rối về thủ tục từ NĐ 38

Ngành thủy sản rắc rối về thủ tục từ NĐ 38

Hiện cộng đồng DN cùng các Hiệp hội, Bộ, ngành liên quan cùng kiến nghị bỏ quy định "công bố phù hợp quy định ATTP" trong NĐ 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm

Biến tướng của giấy phép con?

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP: Công bố hợp quy quy định trong Luật ATTP là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và DN tự chịu trách nhiệm về việc công bố đó.

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm phải nộp hồ sơ đăng ký công bố hợp quy và cơ quan thẩm quyền thực hiện tiếp nhận và trả kết quả bằng hình thức “Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy” (Khoản 9 Điều 3 và Điều 48 của Luật Tiêu chuẩn & Quy chuẩn Kỹ thuật).Tuy nhiên, NĐ 38/2012/NĐ-CP lại quy định các cá nhân, tổ chức có liên quan phải làm thủ tục đăng ký công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp, cấp lại, cấp đổi “Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy” với quy trình và tính chất như một hình thức cấp “Giấy phép con".

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế VCCI cho rằng: Theo quy định của NĐ 38/2012/NĐ-CP, DN đang phải “cõng” hàng chục giấy phép con vì phải đăng ký cả các nguyên liệu cùng với sản phẩm cuối cùng.

“Một chiếc bánh socola phải sử dụng khoảng 12 nguyên liệu để làm. Muốn được cấp chứng nhận hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP, DN phải đi xin 12 giấy phép cho 12 nguyên liệu đó, rồi cuối cùng lại đi xin chứng nhận cho toàn bộ sản phẩm cuối cùng. Đó là điều không cần thiết và gây khó khăn cho DN" - ông Tuấn ví von.

Luật sư Trần Ngọc Hân - Đại diện Amcham cho biết: Amcharm hiện xuất khẩu đến rất nhiều quốc gia nhưng không một bạn hàng nào yêu cầu các văn bản tiêu chuẩn quy chuẩn mà họ đẩy mạnh hậu kiểm, đi vào kiểm tra nguyên liệu đầu vào.

Tại Việt Nam, tất cả mọi chi phí cuối cùng sẽ đổ lên đầu DN, dồn vào giá thành, gây tăng chi phí cho doanh nghiệp và giá bán cho người tiêu dùng. Thay vì chỉ mất thời gian 7 ngày làm việc như quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật để xin giấy chứng nhận hợp quy, đã có DN mất tổng cộng 4 tháng 2 ngày mặc dù sản phẩm đã có phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng theo quy chuẩn khi nộp hồ sơ theo quy định của NĐ 38/2012/NĐ-CP.

Hai phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP ngày 11/7, sau khi ghi nhận những bất cập trong triển khai quy định của NĐ 38/2012/NĐ-CP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: “....về sửa đổi quy định công bố hợp quy, hợp chuẩn, yêu cầu phải giảm thời gian giải quyết, quán triệt tinh thần “hậu kiểm” không gây phiền hà cho DN, quy định rõ các bước thực hiện để DN có thể làm được ngay”.

Chiều cùng ngày, tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban Chỉ đạo 1899), Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu “các bộ liên quan mà chủ yếu là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế nhanh chóng sửa đổi pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; áp dụng biện pháp công nhận lẫn nhau về quy trình sản xuất, truy xuất sản phẩm ngay tại nơi sản xuất để hạn chế kiểm tra, tăng cường hậu kiểm; giao cho DN tự công bố chất lượng sản phẩm nhập khẩu,...”.

Bộ Y tế có sửa?

Khoản d mục1 Điều III Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ ngày 3/2/2017 chỉ đạo rõ: “Rà soát, sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục, không yêu cầu tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn quốc gia” . Theo tinh thần chỉ đạo này của Nghị quyết, rõ ràng quy định thủ tục "xác nhận công bố phù hợp ATTP" trong NĐ 38 chưa có quy chuẩn quốc gia cần phải bãi bỏ.

Ngày 13/7, tại buổi đối thoại giữa các Bộ, ngành với VASEP do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã khẳng định, kiến nghị của VASEP về bãi bỏ và thay thế "công bố phù hợp ATTP" là hợp lý và Bộ Y tế sẽ sửa đổi các văn bản liên quan trong 2 tháng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có động thái tích cực nào từ Bộ Y tế.

Trước đó, Bộ NN và PTNT đã có CV số10264 ngày 6/12/2016 góp ý sửa đổi NĐ 38/2012/NĐ-CP với nội dung: “Đề nghị bỏ quy định việc công bố phù hợp với quy định về ATTP vì: Không phù hợp với Luật ATTP; Trách nhiệm cơ quan thẩm quyền nhà nước phải xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để tổ chức, cá nhân thực hiện công bố theo quy định của Luật; và quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế”.

CV số 866/BKHCN-TĐC ngày 24/3/2017 của Bộ Khoa học Công Nghệ cũng khẳng định: “Giấy xác nhận công bố hợp quy hoặc giấy Xác nhận công bố phù hợp ATTP là chưa cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần của Nghị quyết 19 của Chính Phủ”.

Như vậy, với một thủ tục được quy định không nằm trong luật, không vì mục tiêu ATTP, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp như một giấy phép con, gây phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí, làm tăng chi phí giá thành sản phẩm… cần phải sớm được bãi bỏ để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, góp phần nâng thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.