Theo ông Chu Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên: Năm 2016, là năm thứ hai liên tiếp Thái Nguyên xếp thứ 7 trong bảng xếp PCI. Kết quả này đã phản ánh đúng tình hình thực tế nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực trạng thu hút đầu tư của Thái Nguyên trong thời gian qua. Đồng thời, kết quả này sẽ là cơ sở, động lực, công cụ để giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước quyết định đầu tư lâu dài, bền vững tại Thái Nguyên.
- Mặc dù nằm trong top địa phương có chỉ số PCI tốt và đã tăng điểm tuyệt đối, tuy nhiên một số chỉ số thành phần quan trọng như: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian lại giảm điểm, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Thứ nhất, từ góc độ chuyên môn của DN, phải nhìn nhận thẳng thắn một điều rằng, hầu hết các DN tại Thái Nguyên là DN nhỏ và vừa, trình độ quản lý chưa thực sự cao, nhiều DN không có bộ phận pháp lý để thực hiện các chức năng chuyên trách về thực hiện các thủ tục hành chính, thuế, hải quan... dẫn đến việc tiếp cận thông tin và thực hiện còn nhiều hạn chế làm tăng thời gian thực hiện các thủ tục so với dự kiến.
Thứ hai, ảnh hưởng từ các cơ quan công quyền. Bất kỳ một nền kinh tế nào phát triển quá nóng sẽ tạo ra sức ép cho cả hệ thống chính quyền, kéo theo rất nhiều các vấn đề cần giải quyết như: con người, đất đai, cơ sở hạ tầng... Đó vừa là cơ hội nhưng cũng tạo ra không ít những thách thức. Yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng; thái độ và hành vi đạo đức của các bộ chuyên trách ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Đối với mỗi nhiệm vụ, vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức và triển khai thực hiện đóng vai trò rất lớn; cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến đối với mỗi cán bộ của đơn vị để họ nắm bắt chủ trương, chỉ đạo, tinh thần thực hiện để biến thành hành động cụ thể; đồng thời cập nhật thường xuyên, liên tục các hoạt động của chính quyền các cấp đến người dân và DN trên địa bàn để họ nắm bắt và thực hiện, từ cơ chế chính sách, điều kiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư kinh doanh, các thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất triên địa bàn cũng như trên toàn tỉnh. Công tác này tuy tỉnh đã triển khai thực hiện tốt bằng nhiều hình thức như truyền hình, báo chí, bảng biển, internet… đặc biệt là trên các website của tỉnh, của ngành và địa phương cấp huyện; các thông tin hiện đã cập nhật thường xuyên, liên tục tuy nhiên tính tương tác chưa cao, các DN chưa quan tâm khai thác nhiều.
- Từ thực tế tiếp cận và khảo sát, xin ông cho biết các chỉ số thành phần mà các nhà đầu tư, DN mong muốn sớm được cải thiện và nâng cao hơn nữa?
Theo cách tính về cấu thành chỉ số PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần như: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động, tiên phong của Lãnh đạo tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ DN; đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Tuy nhiên, khảo sát thực tế đối với các DN, nhà đầu tư cho thấy, phần lớn các DN, nhà đầu tư quan tâm đến các chỉ số chủ yếu: Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; chi phí không chính thức; tính năng động, tiên phong của Lãnh đạo tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ DN bởi lẽ các chỉ số này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của DN, là yếu tố quyết định tình trạng sức khỏe hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
- Hiện nay, DN trong và ngoài nước coi PCI như là công cụ hỗ trợ quan trọng để quyết định lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh, Thái Nguyên có giải pháp gì để tiếp tục nâng cao PCI?
Hiện tại, mục tiêu nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn là một trong các nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh Thái Nguyên đặt ra với mong muốn thu hút đầu tư, để làm được việc này tỉnh tập trung vào một số các giải pháp sau:
Một là, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Kế hoạch hành động số 33/KH-UBND ngày 27/02/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 30/6/2016 hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; giao các ngành, địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật các quy định hiện hành, đề nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp với quy định hiện hành, gây khó khăn cho người dân và DN; xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư theo ngành, lĩnh vực phù hợp với quy định của Chính phủ; khuyến khích DN thuộc mọi thành phần kinh tế đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đổi mới công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ba là, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư.
Bốn là, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và giải quyết thủ tục hành chính ở tất cả các đơn vị, tại các bộ phận một cửa và một cửa liên thông.
"Thái Nguyên là một trong những địa phương phía Bắc đang có sự phát triển công nghiệp mạnh và có những sự đột phá về hoạt động thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp."
Năm là, Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của chính phủ tại các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã nhằm tạo sự chuyển biến tích cực và hiệu quả trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Sáu là, chỉ đạo các địa phương thường xuyên thực hiện công tác đối thoại với DN, người dân để nắm bắt kịp được những kiến nghị, điều chỉnh kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, cho người dân.
Bảy là, quán triệt nâng cao đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân và DN; chống quan liêu, sách nhiễu, nêu cao tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ DN phát triển.
Tám là, tập trung thực hiện tốt các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai, lao động… phát triển sản xuất kinh doanh cho DN; nâng cao hơn nữa công tác hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng lao động, hướng đến cung ứng lao động chất lượng, có tay nghề đáp ứng nhu cầu về sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
- Ông đánh giá như thế nào về khả năng tăng hạng của Thái Nguyên trong năm 2017?
Mới qua ba tháng đầu năm 2017 nhưng những kết quả báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những tín hiệu đáng mừng, các nhiệm vụ đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Khoảng thời gian còn lại của năm 2017 tương đối dài, vẫn còn có những khó khăn, thách thức nhất định cần có lời giải đáp vì vậy đưa ra bất kỳ nhận định nào vào lúc này có lẽ chưa đầy đủ cơ sở, tuy nhiên dưới góc độ cá nhân, tôi tin rằng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, địa phương và toàn thể nhân dân tỉnh Thái Nguyên thì thứ hạng PCI sẽ còn tiếp tục được nâng cao và duy trì bền vững.
- Xin cảm ơn ông!
Phan Nam