The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Doanh nghiệp chờ đợi gì về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Mong muốn sự đối xử công bằng Doanh nghiệp nhỏ - Doanh nghiệp lớn, giảm thiểu chi phí không chính thức, ưu tiên cho DN khởi nghiệp... là những điều DN mong đợi ở Luật hô trợ DNNVV

Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đang được gấp rút lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10 tới. Nhiều doanh nhân đã đóng góp kiến của mình với hy vọng có được cơ chế tốt nhất thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Phải hỗ trợ có chọn lọc!

Việc xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần phải căn cứ vào nguồn lực của Chính phủ, và căn cứ vào sự linh hoạt vào các doanh nghiệp Việt Nam. Theo tôi có 6 điểm cần lưu ý khi xây dựng Luật:

Thứ nhất, Luật sẽ không để tạo ra xu hướng doanh nghiệp lớn xé nhỏ thành nhiều doanh nghiệp nhỏ để nhận ưu đãi, nhưng với Dự thảo quy định về doanh thu hay vốn điều lệ thì tôi lo ngại người ta sẽ tìm cách lách để trục lợi.

Thứ hai, Điều 5 của Dự thảo Luật quy định về doanh thu và số lượng người lao động, hay những điều kiện để hỗ trợ, cần phải làm rõ hơn quy định này về câu chữ ghi trong Luật là “hoặc” hay “và” để xác định tiêu chí hỗ trợ. Ngay cả quy định về doanh thu, cũng cần làm rõ là doanh thu trên báo cáo thuế hay báo cáo kiểm toán.

Thứ ba, nếu đặt tên Luật là “Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” liệu rằng có nhạy cảm trước các cam kết hội nhập quốc tế hay không? Nên chăng đổi tên thành “Luật Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” chẳng hạn.

Thứ tư, trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa vả nhỏ, chính quyền trung ương chủ yếu tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường khả năng quản trị, nghiên cứu khoa học… chứ việc thực thi Luật phải là vai trò của chính quyền địa phương. Tuy nhiên Dự thảo Luật chưa cho thấy rõ vai trò của chính quyền địa phương.

Thứ năm, Dự thảo này cần được nghiên cứu tập trung vào một đầu mối, làm thế nào để nâng cao vai trò đầu tàu của một tổ chức, ví dụ như VCCI là một tổ chức uy tín và đủ lớn, đại diện cho rất nhiều doanh nghiệp trên cả nước. Việc tập hợp này sẽ giúp đỡ rất nhiều cho trung ương trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ sáu, Dự thảo Luật cũng nên đưa vào vai trò của các Bộ, ngành có liên quan.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Người sáng lập Tập đoàn Xuân Thành Ninh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình: Nên ưu tiên cho cụm liên kết!

Hiện nay các chính sách hỗ trợ chưa khuyến khích hỗ trợ DNNVV đầu tư vào những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn trong nhiều năm qua tỉnh Ninh Bình đã khai thác tốt lợi thế cạnh tranh về du lịch, nhưng chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và của một số doanh nghiệp lớn. Chúng tôi kỳ vọng Điều 18 của Dự thảo Luật khi đề cập đến chương trình hỗ trợ thì đề cập đến cụm liên kết, trong đó có du lịch. Đây là lĩnh vực cần ưu tiên phát triển, giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương và đất nước.

Về cách thức hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp, hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn còn một số cụm công nghiệp gặp khó khăn trong thu hút cơ sở sản xuất kinh doanh vào hoạt động, nhất là DNNVV. Một số cụm công nghiệp hình thành từ trước năm 2005, đến nay vẫn chưa được đầu tư đồng bộ về hệ thống hạ tầng, hệ thống cấp thoát nước,… Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp gặp nhiều trở ngại, nguyên nhân là chưa có cơ chế chính sách đủ mạnh, nguồn vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm… Do vậy, Dự thảo Luật cần tính toán kỹ trước khi áp tỷ lệ DNNVV thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp.

Ông Lê Duy Bình, TGĐ Công ty Tư vấn Economica: Doanh nghiệp là đối tượng cần được bảo vệ!

Luật này nếu được ban hành sẽ có tác động vô cùng lớn đến nền kinh tế, lợi ích mang lại cho nền kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra để thực hiện các biện pháp hỗ trợ. Nhưng cần xác định rõ hơn mục tiêu để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tư duy của chúng ta trong việc hỗ trợ DNNVV cần thay đổi, trước đây chúng ta coi họ là đối tượng cần được bảo vệ, nhưng giờ đây chúng ta cần phải kiến tạo để họ phát triển.

Từ năm 2005 đến 2013, sau 8 năm có khoảng hơn 600 nghìn doanh nghiệp được đăng ký thành lập, như vậy mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê trong giai đoạn từ 2005-2013 cho thấy, trong tổng số các doanh nghiệp đăng ký thành lập, số doanh nghiệp thực sự hoạt động chỉ có khoảng 273 nghìn doanh nghiệp. Như vậy, đang có một khoảng trống quá lớn giữa những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp hoạt động thực sự khi chỉ 45% doanh nghiệp thực sự hoạt động so với con số đăng ký. Khoảng trống này thực sự trở nên mênh mông hơn trong giai đoạn từ 2008 – 2013.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng: Cần giảm chi phí không chính thức!

Vấn đề quan trọng số một chính là tiêu chí xác định DNNVV, thay vì dựa vào tiêu chí doanh thu, Dự thảo xác định tiêu chí dựa vào nguồn vốn, điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế bởi có những doanh nghiệp có nguồn vốn rất nhỏ nhưng doanh thu rất lớn.

Hỗ trợ DNNVV nhưng cần xác định trách nhiệm của DNNVV đến đâu, nên chăng bổ sung thêm nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải hoàn trả phần được nhận ưu đãi đã được hưởng nếu vi phạm Điều 7 khoản b trong Dự thảo.

Chúng ta nói rất nhiều đến hỗ trợ DNNVV, chúng ta yêu cầu được ưu đãi tín dụng và đất đai, tuy nhiên có một chi phí không chính thức rất lớn mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Theo khảo sát của VCCI và USAID, 62%-70% DNNVV trả lời chi phí không chính thức lên đến 10% doanh thu. Nếu như giảm được chỗ này thì có lẽ DNNVV không cần nhiều đến hỗ trợ khác nữa.

Ông Đào Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Chăn nuôi Chế biến XNK APROCIMEX: Nên ưu tiên cho doanh nghiệp khởi nghiệp!

Cần làm rõ mục tiêu của việc hỗ trợ như thế nào, không nên cụ thể hóa mức hỗ trợ là bao nhiêu. Hiện nay đất quy hoạch cho khu đô thị, cho khu công nghiệp thì có, nhưng chưa có đất quy hoạch cho chăn nuôi, mà một bức thiết cho ngành chăn nuôi là cần phải sản xuất tập trung, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh, vừa bảo vệ môi trường.

Mục tiêu Chính phủ đặt ra từ nay đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, cho thấy nhiệm vụ của VCCI và các hiệp hội là rất nặng nề, để đạt được con số này, cần cải tạo chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp và ưu tiên cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Tôi hoàn toàn đồng ý với ban soạn thảo là nhà nước không hỗ trợ tiền cho doanh nghiệp, nhưng cần thể hiện rõ hỗ trợ doanh nghiệp bằng hình thức nào. Những lúc doanh nghiệp gặp khó khăn, thiên tai địch họa, cần có điều khoản chi tiết để hỗ trợ vì đó là lúc doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, máy móc để cạnh tranh trong nước và xuất khẩu, từ đó cần đến hỗ trợ vốn vay để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay một cách thông thoáng hơn.

Ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hải An, Hải Phòng: Cần sự bình đẳng cho các doanh nghiệp!

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là khung khổ pháp lý cao nhất, mang tính nhất quán, toàn diện cho DNNVV. Đề nghị để Luật đi vào cuộc sống cần phải thay đổi nhận thức của các cấp cán bộ công chức nhà nước, có những công chức thậm chí còn chưa phân biệt được thế nào là DNNVV. Những người làm luật phải nghĩ cách chế ngự được những thói hư tật xấu phát sinh.

Tất cả các ưu đãi đều quy ra thuế, nên vấn đề thuế là cốt yếu, cần làm rõ doanh nghiệp nào thì được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất, thuế nhập khẩu và thuế GTGT. Trong việc tiếp cận các nguồn khác như mặt bằng, tài chính, thị trường thì nhà nước phải có chỉ đạo cụ thể, những đơn vị làm khu công nghiệp được ưu đãi không phải đóng các loại thuế thì giá thuê mặt bằng mới hạ. Các nguồn tài chính khác cũng vậy, phải thấp hơn thị trường ngoài, ví dụ khi vay ngân hàng thì doanh nghiệp phải được ưu ái hơn hộ kinh doanh cá thể.

Tiếp tục đẩy mạnh, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo điều kiện hơn nữa cho tư nhân tham gia thị trường. DNNVV thậm chí còn teo tóp đi trong hội nhập, nguyên nhân chính vẫn là do trong thời gian dài nhà nước ưu đãi các doanh nghiệp lớn mà quên mất khu vực DNNVV, làm cho họ không có động lực vươn lên. Vì vậy, Luật cần có chính sách thông thoáng, bình đẳng, giúp DNNVV có cơ hội cạnh tranh.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ: Doanh nghiệp đang thiếu thông tin!

Ông Võ Hùng Dũng, GĐ VCCI Cần Thơ.

Các doanh nghiệp bây giờ nghe đến hỗ trợ là cảm thấy sợ, họ sợ vì phải bỏ ra chi phí và phải lo một loạt thủ tục để được nhận hỗ trợ. Một trong những bức xúc của doanh nghiệp là làm thế nào tiếp cận được tín dụng, kết quả điều tra PCI 5 năm qua gần như không thay đổi vấn đề này.

Hiện nay doanh nghiệp không chỉ thiếu thông tin chính sách từ các cơ quan nhà nước mà còn thiếu thông tin về thị trường, chúng ta thiếu rất nhiều những dịch vụ về cung cấp thông tin, để doanh nghiệp hiểu được thông tin về thị trường thế giới, về chất lượng giá cả.

Các tổ chức hiệp hội DN của các địa phương bây giờ cũng khá mạnh, nhà nước nên trao cho hiệp hội nhiều quyền hơn. Ngay trong mối quan hệ giữa nhà nước và hiệp hội đã có sự bất bình đẳng rồi thì làm sao thiết kế được một thể chế bình đẳng như chúng ta vẫn nói.

Nguyễn Tuân

Infonet