“Doanh nghiệp đã đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh”
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI được đánh giá là thước đo cho thấy những khoảng cách phải lấp trong chính sách giữa thiết kế và thi hành, giữa tập trung và phân quyền, giữa ý tưởng chính sách và đòi hỏi của cuộc sống, của doanh nghiệp và người dân. Xin ông cho biết, các tỉnh thành trên cả nước như thế nào trong cuộc đua PCI?
Hiện nay PCI được sử dụng rất rộng rãi tại các tỉnh, thành trong cả nước. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã xây dựng những chương trình hành động để cải thiện môi trường kinh doanh gắn với việc nâng cao PCI.
Qua điều tra doanh nghiệp bài bản, PCI đã cung cấp những thông tin từ các doanh nghiệp về những điểm họ hài lòng, chưa hài lòng trên các lĩnh vực khác nhau của chất lượng điều hành kinh tế địa phương, qua đó các tỉnh, thành phố có thể sử dụng để thúc đẩy việc cải thiện.
Nhiều tỉnh, thành phố đã từ PCI có những sáng kiến mới thúc đẩy mạnh mẽ hơn cải cách hành chính, rà soát và cắt giảm các thủ tục còn phiền hà cho doanh nghiệp. Nhiều tỉnh tăng cường các đối thoại doanh nghiệp ở mọi cấp, theo nhiều chủ đề.
Một số tỉnh thậm chí dùng cách tiếp cận của PCI để đánh giá việc thực thi thủ tục hành chính của các sở, ngành hay huyện, thị...
PCI năm 2014, Quảng Ninh trong top 5, năm 2015 Quảng Ninh tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông đánh giá nỗ lực từ phía Quảng Ninh như thế nào?
Quảng Ninh trong thời gian qua rõ ràng đã có những nỗ lực vượt bậc trong xây dựng hình ảnh một môi trường kinh doanh thuận lợi, thân thiện với nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Quảng Ninh đi đầu cả nước trong việc xây dựng và vận hành các Trung tâm hành chính công ở cấp tỉnh và cấp huyện. Quảng Ninh cũng đã xây dựng được Ban hỗ trợ và xúc tiến đầu tư rất chuyên nghiệp và hiệu quả, hỗ trợ rất lớn cho các nhà đầu tư và khởi động các chương trình cải cách môi trường kinh doanh ở địa phương. Tỉnh cũng đã có cách tiếp cận rất mới trong việc xây dựng thương hiệu địa phương.
Chính vì vậy trong 2 năm vừa qua, từ vị trí chưa được đánh giá cao, Quảng Ninh đã liên tục nằm vào top 5 tỉnh xếp đầu PCI, tôi cho rằng điều này thể hiện các doanh nghiệp của Quảng Ninh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành địa phương (DDCI) đang được một số tỉnh thành áp dụng trong đó có Quảng Ninh. Ông đánh giá hiệu quả của việc áp dụng bộ chỉ số như thế nào?
Ở rất nhiều tỉnh, thành phố thì quyết định về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh không chỉ là định hướng, chính sách của Tỉnh uỷ, Uỷ ban và những lãnh đạo đứng đầu các cơ quan đó mà nhiều khi được quyết định từ những cán bộ thừa hành ở các sở, ngành, huyện thị.
Do vậy, đánh giá được vấn đề và thúc đẩy sự chuyển biến đồng đều từ các sở, ngành, huyện thị rất quan trọng.
Chính vì vậy thời gian qua một số tỉnh, thành phố đã mạnh dạn xây dựng và áp dụng bộ chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi trong cải cách thủ tục hành chính ở cấp huyện thị, sở ngành như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Kiên Giang và Quảng Ninh.
Một số tỉnh đã công bố và có những thành công ban đầu như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Kiên Giang... Quảng Ninh đang từng bước xây dựng và công bố bộ công cụ này, tôi cho rằng đây là bước đi tích cực của tỉnh và hy vọng rằng sẽ tạo ra được những chuyển biến tích cực.
Môi trường kinh doanh thuận lợi nhiều khi không phải đến từ bài phát biểu hấp dẫn của Bí thư hay Chủ tịch một tỉnh mà nó đến từ sự đồng hành, sự chuyên nghiệp và tinh thần hỗ trợ của công chức mọi ngành, mọi cấp tại địa phương. Nên mọi giải pháp để giám sát, thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính ở cấp cơ sở rất nên được hoan nghênh.
Về phía các doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thêm một kênh để nói lên tiếng nói của mình, đánh giá được thực chất sự thuận lợi hay phiền hà của từng cơ quan sở, ngành, địa phương. Chúng tôi trông chờ sự đánh giá khách quan, thực chất của mọi bộ chỉ số.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN THẢO
Theo Bizlive