Ông Vũ Tiến Lộc cho biết:
- Chính phủ đang hành động đúng như cam kết với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Không những thế, Thủ tướng Chính phủ hành động rất mạnh mẽ, với quyết tâm chính trị rất cao trong nỗ lực thực hiện cam kết là tháo gỡ mọi khó khăn, rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tôi muốn nhắc tới yêu cầu rà soát để đề xuất cắt giảm 1/3-1/2 điều kiện kinh doanh mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện trong tháng 12.2017. Cùng với đó là cơ chế kiểm soát điều kiện kinh doanh.
Có thể thấy, các kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh với những số lượng cụ thể, thời hạn cụ thể không còn là đề xuất, khuyến nghị của doanh nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu nữa mà chính là nhiệm vụ của các bộ, ngành.
Hơn thế, phần công việc này cũng được Chính phủ yêu cầu thực hiện với nguyên tắc thống nhất và rõ ràng, đó là các nhiệm vụ này phải thể hiện được vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ, theo tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.
Đây là điểm quan trọng, vì nếu không thực thi các nhiệm vụ với tư duy rạch ròi giữa trách nhiệm của nhà nước và công việc của thị trường, thì rất có thể những đề xuất bãi bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính sẽ được trình kèm với những điều kiện, thủ tục mới thay thế.
Chắc chắn, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ là đối tượng hưởng lợi, thưa ông?
- Phải nói chính xác là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi. Tôi cũng cho rằng, đã đến lúc, chúng ta xác định lại khái niệm về doanh nghiệp Việt Nam - đó là nhắc tới doanh nghiệp Việt Nam có nghĩa là nhắc tới doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Với thế giới, đây là khái niệm chung, nhưng với Việt Nam, do những đặc thù của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thường được nhắc tới với những sự phân biệt về sở hữu, như doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, hộ kinh doanh cá thể.
Sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phát triển mới, với sự ghi nhận rõ nét về vai trò và vị trí của khu vực kinh tế tư nhân.
Cùng với đó, các doanh nghiệp nhà nước cũng đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, không chỉ cổ phần hóa, thoái vốn mà còn sẽ chấm dứt tình trạng doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bộ, ngành.
Điều này có nghĩa là khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ chịu áp đặt kỷ luật thị trường như với doanh nghiệp tư nhân, sẽ bình đẳng với khu vực tư nhân trong ứng xử với các cơ quan quản lý nhà nước, sẽ lời ăn, lỗ chịu…
Khi đó, sẽ không còn sự khu biệt nào trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nền kinh tế sẽ là kinh tế của người dân, của doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước sẽ không kinh doanh.
Tôi tin rằng, đó là cách tôn vinh đúng nhất với giá trị của doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế.
Nhưng cũng phải thẳng thắn, những thay đổi trong môi trường kinh doanh của Việt Nam còn chậm, chi phí kinh doanh còn cao, rủi ro lớn. Doanh nghiệp, doanh nhân cần gì đó gần hơn, để đảm bảo được hiệu quả sản xuất kinh doanh, thưa ông?
- Doanh nghiệp cần Chính phủ hành động, thực hiện đúng các cam kết đã đưa ra trong các kế hoạch của mình.
Các cam kết này chính là các mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định, đã giao cho các bộ, ngành địa phương, như là việc cắt giảm 30-50% điều kiện kinh doanh bất hợp lý, đạt được mục tiêu top 4 trong ASEAN về cải thiện môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới; giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp…
Khi thực hiện các mục tiêu này, sẽ có những thay đổi rất lớn về tư duy quản lý, tổ chức thực hiện… của bộ máy nhà nước, dịch vụ công sẽ được xã hội hóa… Khi đó, Nhà nước sẽ làm hết chức năng căn bản của nhà nước, đó là tạo sân chơi, luật chơi và là trọng tài cho các hoạt động của người dân, doanh nghiệp, tạo cơ hội động lực mới cho doanh nghiệp phát triển.
Hơn thế, khi Chính phủ xác định tiêu chí, chuẩn mực cao của khu vực, của các nước phát triển cho môi trường kinh doanh Việt Nam, thì cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải cải thiện, nâng chuẩn mực của mình lên tầm khu vực và thế giới, để lớn mạnh hơn.
Trong quá trình này, VCCI và các hiệp hội sẽ cùng tham gia, vì không ai hiểu vấn đề của doanh nghiệp bằng chính họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, khuyến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, thậm chí kiến nghị sửa 1 vài điều luật, với nguyên tắc là cái gì gây bất hợp lý cho môi trường kinh doanh, cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp thì cần phải sửa ngay.
- Xin cảm ơn ông!