The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Doanh nghiệp được gì từ cuộc chạy đua “Xúc tiến đầu tư tại chỗ”?

Mặc dù chỉ số PCI đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID công bố tại Việt Nam từ năm 2005, nhưng những năm gần đây, bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm mới tạo thành động lực lớn cho cuộc chạy đua cải thiện môi trường đầu tư giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Một trong những giải pháp được các địa phương chú trọng từ năm 2015 là đẩy mạnh hoạt động "xúc tiến đầu tư tại chỗ". Hàng loạt các chương trình xúc tiến đầu tư cùng nhiều sáng kiến thu hút đầu tư khác nhau đã được tiến hành rầm rộ với mức kinh phí không hề nhỏ. Các chương trình và sáng kiến này ít nhiều đã gây được ấn tượng với các nhà đầu tư, góp phần đưa nhiều địa phương lên thành “điển hình” về thu hút đầu tư. Nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan thì chúng vẫn mang tính bề nổi hơn là chiều sâu. Chúng có thể giúp cho một địa phương nào đó cải thiện được vị trí trên bảng xếp hạng PCI, nhưng chưa thể nói là đã tạo chuyển biến thực chất về môi trường đầu tư cũng như đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Điều mà các doanh nghiệp trông đợi là ở những hành động thiết thực của chính quyền trong việc cải thiện môi trường đầu tư chứ không chỉ là những tuyên bố, cam kết hay chiến dịch quảng bá phô trương ồn ào. Quan trọng hơn là họ sẽ nhận được những gì từ các chương trình xúc tiến đầu tư đó và chính quyền sẽ đồng hành cùng với họ đến đâu trong suốt chặng đường đầu tư? Đây là điều mà chính quyền các địa phương cần xem xét một cách nghiêm túc trong chiến lược xúc tiến và thu hút đầu tư vào địa phương mình.

“Xúc tiến đầu tư tại chỗ”- Từ nhận thức đến hành động

Theo Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu (ban hành kèm theo Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014) thì hoạt động xúc tiến đầu tư gồm 8 nội dung và được chia thành hai mảng chính. Mảng thứ nhất là các hoạt động có tính chất quảng bá, bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư... Mảng thứ hai là các hoạt động có tính chất hỗ trợ, bao gồm: Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, nhiệm vụ về hỗ trợ doanh nghiệp theo Quy chế này hầu như chỉ tập trung vào việc hỗ trợ tiếp cận, tìm hiểu môi trường đầu tư (bước start-up), chỉ có duy nhất một nội dung nhỏ tại Khoản 7 Điều 3 và Khoản 2 Điều 16 có quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sau bước cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tại một số quy định ít ỏi này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư đối với các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thông qua các hình thức hỗ trợ, giải quyết khó khăn vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án hiệu quả và tiếp nhận, tổng hợp và trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đẩu tư (hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ). Do thiếu các quy định về hỗ trợ đầu tư sau cấp phép, phần lớn các tỉnh, thành chỉ tập trung đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, cải cách hành chính để thúc đẩy khởi sự kinh doanh. Điều này chỉ cải thiện được các chỉ số liên quan đến Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, và Chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, chứ chưa thực sự cải thiện được các chỉ số: Hỗ trợ doanh nghiệp, Cạnh tranh bình đẳng, Chi phí không chính thức như kỳ vọng.

Việc quan tâm hỗ trợ triển khai các dự án sau bước cấp phép có vai trò hết sức quan trọng trong thu hút đầu tư, là cách hữu hiệu để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Việc quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư sẽ trở nên thiết thực nhất khi lấy hiệu quả hỗ trợ, chăm sóc doanh nghiệp sau đầu tư làm thước đo về môi trường đầu tư. Về phía doanh nghiệp, sự trải nghiệm thực tế về môi trường đầu tư và thành công của các doanh nghiệp đến trước sẽ là bằng chứng thuyết phục hơn việc quảng bá, tuyên truyền hay bất kỳ chương trình xúc tiến đầu tư nào khác. Một môi trường đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp không chỉ được quyết định bởi các yếu tố như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… mà còn bởi các chính sách thông thoáng và sự năng động, thân thiện, luôn sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư của bộ máy lãnh đạo và chính quyền địa phương.

Thời gian qua, hầu hết các địa phương đã hô hào việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ như là một nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình trước cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế thì nhiều địa phương vẫn chưa nhận thức hết ý nghĩa cũng như chưa hành động đúng với yêu cầu của xúc tiến đầu tư tại chỗ. Phần lớn hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn chỉ tập trung vào việc quảng bá, tuyên truyền để thu hút đầu tư, tăng số lượng của các dự án mới cấp phép. Một số địa phương vẫn xác định nhiệm vụ chính là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng PCI mà chưa thực sự quan tâm cải cách thể chế theo chiều sâu để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững sau giai đoạn cấp phép.

Trong cuộc chạy đua thu hút đầu tư, nhiều tỉnh thành đã thành lập các Trung tâm xúc tiền đầu tư (IPA) để làm nòng cốt trong hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Không phủ nhận rằng một số nơi như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng… các IPA đã triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ tương đối tốt, bước đầu được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Nhưng hoạt động của các trung tâm này cũng vẫn còn nghiêng về quảng bá, truyền thông hơn là việc quan tâm hỗ trợ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tại nhiều địa phương khác, các IPA tuy được thành lập nhưng hoạt động chỉ mang tính hình thức do thiếu cả về nhân lực lẫn kinh phí.

Ở một khía cạnh khác, việc đánh giá hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào con số thống kê về lượng vốn đăng ký mới, số lượng các start-up và tần suất các hoạt động mang tính truyền thông của các IPA. Cách đánh giá này là chưa phản ánh đầy đủ sự cảm nhận của các doanh nghiệp về môi trường đầu tư cũng như những tiến bộ trong việc cải cách thể chế và gỡ bỏ rào cản đầu tư của địa phương. Trong khi đó, cảm nhận của doanh nghiệp về sự quan tâm của chính quyền, tính minh bạch của môi trường đầu tư và cơ hội mở rộng quan hệ đối tác - thị trường mới là yếu tố hàng đầu để quyết định có nên tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động đầu tư hay không. Đây mới thực chất là yếu tố tác động trực tiếp và lâu dài đến kết quả thu hút đầu tư của các địa phương nhưng lại chưa thực sự được quan tâm một cách nghiêm túc. Lưu ý rằng cùng với những dữ liệu thống kê đã công bố của các bộ ngành hàng năm, chỉ số PCI được xây dựng dựa trên cảm nhận của chính các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại một tỉnh, thành phố, trong đó đa số đã có thời gian hoạt động trên 3 năm tại các địa phương. Do vậy, chỉ số này là có thể được coi là một nhiệt kế đo lường đáng tin cậy về cảm nhận và đánh giá của doanh nghiệp đối với mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh tại các địa phương sau bước cấp phép.

Sau tấm thảm đỏ chào đón, các doanh nghiệp sẽ lại bơ vơ

Trong 3 năm vừa qua, trong khi các chỉ số Gia nhập thị trường và Chi phí thời gian được ghi nhận là đạt kỷ lục về rút ngắn thời gian, thì các chỉ số về hỗ trợ doanh nghiệp, Chi phí không chính thức và Thiết chế pháp lý chỉ nhích chậm và tiếp tục nhận được các phản hồi không tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp. Đơn cử như chỉ số về chi phí không chính thức đang có xu hướng nghiêm trọng hơn: Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% năm 2013 lên 66% năm 2015 doanh nghiệp đánh giá tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết yêu cầu của doanh nghiệp là phổ biến. Đáng lo ngại, hơn 11% doanh nghiệp trong số trên cho rằng tổng chi phí không chính thức chiếm trên 10% tổng doanh thu của họ.

Có một thực tế là các địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI hiện nay hầu như đã chạm ngưỡng về cải cách thủ tục hành chính và bắt đầu quan tâm cải thiện các chỉ số có tính chiều sâu và thực chất hơn. Hàng loạt sáng kiến đã được tung ra trong nỗ lực xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, gắn kết với nhà đầu tư. Tiêu biểu phải kể đến các tỉnh như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Bắc Ninh,.. với các sáng kiến như "Tiếp xúc doanh nghiệp", "Cà phê doanh nhân", "Cà phê chủ tịch"… Các sáng kiến này có thể giúp cho chính quyền địa phương có thêm kênh nắm bắt trực tiếp thông tin từ doanh nghiệp, cũng như là kênh tương tác, phản hồi để lãnh đạo tỉnh nắm được việc thực thi thực tế của các sở, ngành quận huyện hiện nay ra sao đối với những chủ trương, chính sách của tỉnh. Đây cũng có thể là cách thức "tham vấn doanh nghiệp" hiệu quả, vì có thể giúp lãnh đạo tỉnh có bằng chứng từ những bất cập trong quy định pháp luật, hay quy trình thủ tục hành chính, để từ đó có những kiến giải hợp lý điều chỉnh, hoàn thiện pháp luật và chính sách tới cấp Trung ương. Bên cạnh đó, doanh nghiệp càng có nhiều cơ hội phản ánh tiêu cực trực tiếp với lãnh đạo cấp trên thì "nhũng nhiểu" của cán bộ cấp dưới sẽ càng được giảm bớt, do đó các mô hình xúc tiến kiểu như Cà phê doanh nhân đã và đang nhận được nhiều kỳ vọng và đón nhận của doanh nghiệp hơn là các chương trình tiếp xúc doanh nghiệp truyền thống.

Tuy nhiên, để lấy được lòng tin thực sự từ doanh nghiệp, Cà phê doanh nhân phải giải quyết được triệt để những vấn đề bức xúc của doanh nghiệp một cách nhanh chóng, thậm chí lãnh đạo các tỉnh cần phải có cam kết, cơ chế bảo vệ, đảm bảo cho doanh nghiệp không gặp rủi ro nhiều hơn trong quan hệ với chính quyền sau các chương trình Cà phê doanh nhân này... ; Các ý kiến phản hồi của doanh nghiệp tại Cà phê doanh nhân thậm chí cần phải được đưa ra để giải quyết trong chương trình làm việc chính thức của lãnh đạo và liên ngành. Như vậy, những sáng kiến này chỉ phát huy hiệu quả tốt, nếu như đi kèm với việc “hành động thực chất” như cải cách hành chính, tăng cường minh bạch và hiệu quả thực thi trong hệ thống chính quyền, cùng nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ công chức chính quyền... Nếu thiếu những hành động cải cách thực chất, các sáng kiến này có thể chỉ là một kiểu PR cho địa phương, thậm chí cho lãnh đạo tỉnh nhằm gây ấn tượng ban đầu với cộng đồng doanh nghiệp để nhận được kết quả đánh giá tích cực trước mắt từ đối tượng chính tham gia khảo sát chỉ số PCI. Việc thiếu vắng những hành động thực chất nói trên cũng là một trong những lý do có thể góp phần giải thích vì sao một số tỉnh, thành phố có một năm gia tăng điểm số và thứ hạng nhanh chóng, nhưng sau đó lại sụt giảm đáng kể trong những năm tiếp theo.

Trên thực tế, các hoạt động và sáng kiến xúc tiến đầu tư tại chỗ chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp trông chờ một môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng sau cánh cổng start-up và mong muốn sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền trước các thay đổi về chính sách, thể chế, tình hình kinh tế-xã hội và biến động của thị trường. Kỳ vọng lớn từ viễn cảnh start-up bao nhiêu thì sự hẫng hụt của doanh nghiệp ở giai đoạn điều hành và giải quyết khủng hoảng của chính quyền càng thất vọng nhiều bấy nhiêu. Vẫn còn không ít trường hợp chính quyền phản ứng chậm chạp hoặc làm ngơ trước các yêu cầu hay bức xúc chính đáng của các doanh nghiệp. Một số cơ quan quản lý đầu tư và các IPA cũng chỉ quyết liệt khi có sự phản ánh của báo chí cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền cao hơn và toàn hệ thống chính trị.

Một thực tế là các IPA với chức năng xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thuần tuý không thể lấn sân hoặc làm thay các cơ quan chuyên môn khác như thuế, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động... Do vậy, hàng loạt các sáng kiến về tiếp xúc - hỗ trợ doanh nghiệp được khởi xướng bởi các IPA vẫn chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận ý kiến, đề xuất của của doanh nghiệp và phản ánh với các cơ quan khác để xem xét giải quyết. Bản thân việc các IPA không có đủ năng lực và thẩm quyền để giải quyết tại chỗ các vướng mắc của doanh nghiệp cũng đã làm giảm vai trò của cơ quan này. Hơn nữa, dù có nỗ lực kết nối, đôn đốc, thúc giục thì các IPA cũng chưa thể thay đổi được thói quen vận hành của cả hệ thống quản lý nhà nước vốn đã kéo dài nhiều năm qua.

Bởi vậy, không ít doanh nghiệp kỳ vọng vào sự ra đời các IPA và chương trình hỗ trợ đầu tư của chính quyền tỉnh nhưng cuối cùng vẫn loay hoay từ năm này sang năm khác, chới với giữa các quan điểm quản lý nhà nước khác nhau của cơ quan thuế, đất đai, đầu tư, xây dựng mà không thể giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng đang cản trở hoạt động đầu tư. Hàng loạt các doanh nghiệp sản xuất, chế xuất, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thường xuyên đóng thuế đầy đủ, nhưng khi gặp phải các vấn đề về lao động, thuế, hải quan thì hiếm khi nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các IPA cũng như các sở, ban, ngành liên quan. Thực tế này sẽ tác động ngược trở lại đến hình ảnh môi trường đầu tư, bởi một khi doanh nghiệp cảm nhận rằng các hoạt động xúc tiến tại chỗ chỉ mang tính hình thức, họ sẽ mất niềm tin về việc chính quyền địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp như những lời hứa của lãnh đạo, cũng như mất niềm tin về tính minh bạch và công bằng của môi trường đầu tư.

Làm gì để nâng cao hiệu quả của xúc tiến đầu tư tại chỗ?

Trong thời gian tới, công tác thu hút đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh gay gắt giữa các địa phương cũng như cạnh tranh toàn cầu, trong khi nền kinh tế vẫn tiếp tục ảm đạm và đứng trước nguy cơ suy thoái. Do vậy, công tác xúc tiến đầu tư nói chung và xúc tiến đầu tư tại chỗ nói riêng cần phải có sự thay đổi từ nhận thức đến phương châm hành động và các sáng kiến, cách làm mới để đạt được hiệu quả cao hơn.

Đầu tiên, cần xác định nhiệm vụ trọng tâm trong cải thiện môi trường đầu tư là "thực hiện các giải pháp cần thiết tăng cường hiệu lực bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư" như tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 29/4/2016 của Chính phủ. Chính quyền và các IPA cần nhìn thẳng vào sự thật là không thể xúc tiến đầu tư tại chỗ hiệu quả chỉ bằng các sáng kiến truyền thông và lời hứa của lãnh đạo. Thay vào đó, cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các cấp chính quyền trong việc tạo chuyển biến về môi trường đầu tư. Lào Cai và Quảng Ninh là những địa phương đi đầu trong nỗ lực này thông qua việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cấp địa phương - sở, ngành (DDCI). Bằng việc làm này, không chỉ có IPA mà tất cả các sở, ban, ngành của tỉnh đều phải vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư.

Nhưng nhiệm vụ này không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện. Bởi lẽ, nhiều vướng mắc của doanh nghiệp bắt nguồn sự không nhất quán, thường xuyên thay đổi trong các quy định pháp luật và chính sách thu hút đầu tư giữa các thời kỳ, nên vẫn mất rất nhiều thời gian để liên ngành và lãnh đạo địa phương tìm được tiếng nói chung trong cách giải quyết. Mặt khác, một số vướng mắc và bức xúc của doanh nghiệp chậm được giải quyết là do có sự mâu thuẫn với lợi ích của các bên có liên quan, như các vấn về cơ sở hạ tầng, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, v.v... Giải quyết hài hòa các lợi ích nói trên vẫn là một bài toàn khó với hầu hết các địa phương.

Trước thực tế nêu trên, một số địa phương như Vĩnh Phúc hay Đà Nẵng, các IPA và doanh nghiệp địa phương đã lựa chọn giải pháp là tranh thủ vai trò và tiếng nói của các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp. Ở những địa phương này, hiệp hội doanh nghiệp ngoài việc tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp, còn là cầu nối và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong các toạ đàm, xúc tiến đầu tư của địa phương và tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, kinh doanh của địa phương để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bản thân nhiều hiệp hội lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, do những hạn chế về nguồn lực tài chính và chuyên môn của mình. Vì thế, dù có nhiều nỗ lực tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ của địa phương, nhưng sự tham gia đó của hiệp hội doanh nghiệp cũng khó có thể giúp giải quyết triệt vướng mắc của doanh nghiệp. Do vậy, cần tìm kiếm thêm những sáng kiến mới trong nâng cao hiệu quả của các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Đó chính là việc tạo dựng và phát triển thị trường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời có cơ chế để phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của các đơn vị tư vấn độc lập (tài chính, pháp lý) trong hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Với năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn cùng khả năng kết nối mạng lưới chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, các đơn vị tư vấn hoàn toàn thể tham mưu cho cả chính quyền lẫn các doanh nghiệp trong việc tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, các đơn vị tư vấn cũng có thể là một trung gian trong việc điều phối hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của nhà nước và cộng đồng.

Mọi sáng kiến, giải pháp xúc tiến đầu tư suy cho cùng cũng đều hướng đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Việc xúc tiến đầu tư tại chỗ chỉ đem lại hiệu quả thiết thực và thực chất nếu các IPA và chính quyền địa phương quan tâm đúng mức và giải đáp thỏa đáng các yêu cầu, mong đợi chính đáng của nhà đầu tư. Địa phương nào nhận thức và giải quyết tốt vấn đề này thì chắc chắn sẽ thành công trong chiến lược thu hút đầu tư.

ThS. Nguyễn Thanh Hà

Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink

(Bài viết thể hiện ý kiến riêng của tác giả. Các kết quả tìm hiểu, các giải thích và kết luận đưa ra trong bài viết này không phản ánh quan điểm chính thức của Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)