The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Doanh nghiệp FDI cũng âu lo về tiền lót tay

Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn nói tại diễn đàn: "Các doanh nghiệp FDI đều chia sẻ chung cảm nhận là môi trường kinh doanh của Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn các quốc gia khác vì chi phí không chính thức, gánh nặng các quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ công và chất lượng của cơ sở hạ tầng"

Trong khảo sát PCI 2014 với gần 1.500 doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia trong năm 2014, một tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp thừa nhận đã trả tiền bôi trơn.

Khoảng 17% các doanh nghiệp FDI thừa nhận rằng họ đã trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư, và 31% trả lời đã hối lộ khi cạnh tranh giành các hợp đồng của chính phủ.

"Điều đáng ngạc nhiên là hối lộ trong quá trình ký kết giành hợp đồng thì lại tăng cao gấp ba lần con số ghi nhận trong năm 2013", ông Tuấn nói.

Trả lời câu hỏi, liệu có gặp bất lợi trong quá trình đấu thầu nếu doanh nghiệp từ chối chi tiền hoa hồng không, có tới 89% trả lời họ ít nhiều đều gặp bất lợi với tần suất khác nhau (29% luôn luôn, 32% thường xuyên và 28% thỉnh thoảng).

Ông Tuấn bình luận, kết quả này cho thấy 'văn hóa chi trả hoa hồng" trong ký kết hợp đồng với cơ quan nhà nước có thể cản trở việc lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, dẫn đến chi phí cao hơn và chất lượng kém hơn.

Khảo sát cho biết, trên 66% doanh nghiệp đã chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục tại cảng; trên 60% doanh nghiệp đồng ý với nhận định rằng các cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức từ các doanh nghiệp.

Ông Tuấn cho biết, các doanh nghiệp FDI được đề nghị so sánh các yếu tố về môi trường kinh doanh của Việt Nam với các nước/vùng lãnh thổ mà họ từng cân nhắc chọn địa điểm đầu tư.

Khoảng nửa số doanh nghiệp FDI trước khi lựa chọn Việt Nam, đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác [chủ yếu là Trung Quốc (20,5%), Thái Lan (18%) và Campuchia (13,9%)]. Những tỷ lệ này đều tăng so với năm 2013.

Ông Tuấn bình luận, sự gia tăng này tự thân nó là một chỉ báo quan trọng về thứ hạng của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam dường như không còn là điểm đến được ưu ái nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007-2010, mà hiện giờ phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và một số nước mới nổi như Lào, Philippines.

Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hà Nội Atsusuke Kawada cảnh báo tại Diễn đàn, phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất lo ngại về sự thiếu minh bạch trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Khảo sát cảm nhận về môi trường kinh doanh từ khảo sát 458 công ty Nhật Bản tại Việt Nam của Jetro cho thấy, có tới hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, "hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch" đang là vấn đề đáng quan ngại nhất với họ.

Ông nhận xét, tỷ lệ này ở Việt Nam là thấp hơn ở Myanmar và Cambodia; và cao hơn với Indonesia và Bangladesh.

Ông Atsusuke nói: "Mặc dù môi trường đầu tư đang được cải thiện đôi chút nhưng tiêu chí 'hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch' của Việt Nam vẫn bị các nhà đầu tư Nhật Bản coi là rủi ro đầu tư lớn nhất".

Bên cạnh đó, thủ tục xin giấy phép lao động và quy chế nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng đang là vấn đề đang quan ngại với doanh nghiệp Nhật Bản.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trích dẫn nghiên cứu của World Bank cho biết, doanh nghiệp ở Việt Nam muốn có 1 đồng lợi nhuận thì phải dành 0,7- 1 đồng để đút lót.

Ông Doanh nói: "Nhiều doanh nghiệp đút lót thì phất lên làm nhiều doanh nghiệp khác thấy không hối lộ thì chết. Điều này ảnh hưởng ghê gớm đến năng lực cạnh tranh".

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 22/04/2015