Doanh nghiệp hài lòng hơn với thủ tục hành chính hải quan
Đánh giá này vừa được ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trong buổi công bố báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan 2016 do VCCI phối hợp với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 27/4.
Theo báo cáo, phần đông các doanh nghiệp đều cho rằng, thực hiện những thủ tục hành chính không quá khó, chỉ ở mức bình thường.
Thủ tục nộp thuế là lĩnh vực dễ thực hiện nhất với tỷ lệ đạt 29%, tiếp đến là kiểm tra hồ sơ đạt 12%. Tuy nhiên, một số thủ tục vẫn còn được đánh giá là khó thực hiện chiếm tỷ lệ cao như thủ tục hoàn thuế (29%), thủ tục xét miễn thuế (26%) và giải quyết khiếu nại (21%).
Báo cáo cũng cho thấy, các Cục, Chi cục Hải quan địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo VCCI, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hoạt động của ngành hải quan đã thay đổi đáng kể. Trong đó, đặc biệt là giảm thời gian nộp thuế; giảm thời gian, số vụ kiểm tra chuyên ngành liên quan đến Hải quan; đơn giản hóa thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ thông tin; số hóa vào giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu, thông quan, nộp thuế cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những khó khăn đối với doanh nghiệp trong các thủ tục hải quan vẫn còn khá nhiều, đặc biệt là chi phí không chính thức (chi phí ngoài quy định) trong khảo sát 2016. Cụ thể, vẫn có 31% số doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) hải quan. Khoảng 31% doanh nghiệp trả lời không biết và 38% doanh nghiệp cho biết không chi trả.
So với kết quả điều tra năm 2015, thì tỷ lệ chi trả chi phí không chính thức năm 2016 đã tăng từ 28% lên 31%. Trong khi đó, nhóm không chi thêm chi phí ngoài quy định chỉ tăng thêm 1 điểm % so với năm 2015.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, so với năm 2015, kết quả doanh nghiệp không bị phân biệt đối xử do không chi phí "lót tay" cho doanh nghiệp đã có diễn biến tích cực. Theo đó, có tới 44% doanh nghiệp cho biết không bị phân biệt đối xử nếu không “lót tay” cho cán bộ hải quan, tỉ lệ doanh nghiệp bị phân biệt đối xử đã giảm mạnh từ 31% (2015) xuống còn 17% (2016).
"Việc chi phí ngoài quy định quá nhiều là do nhiều khâu doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với phía hải quan. Đây “điểm nghẽn” của đại đa số doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ xuất nhập khẩu". - ông Tuấn nói.
Để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính hải quan, tại hội nghị nhiều ý kiến đã đề nghị ngành Hải quan trong thời gian tới tiếp tục cải cách hơn nữa tập trung một số lĩnh vực: Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng cung cấp thông tin; tăng cường quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp tục đẩy mạnh công khai minh bạch trong thực hiện thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.
Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính Hải quan 2016 dựa trên việc lấy mẫu ngẫu nhiên hơn 3.500 doanh nghiệp, trong số đó có doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu. Kết quả có 1.035 doanh nghiệp phản hồi tới từ cả 3 thành phần kinh tế, trong đó khu vực dân doanh đông nhất, chiếm 60,2% tổng số phản hồi; 31,4% doanh nghiệp FDI phản hồi và 8,4% là các doanh nghiệp nhà nước. |