Doanh nghiệp hãy đặt niềm tin ở chính quyền !
Ngày 30/12/2016, UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị Chuyên đề “Chính phủ kiến tạo – Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh mới và đối thoại doanh nghiệp lần 2 năm 2016”.
Phát biểu tại Hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: thuật ngữ “Chính phủ kiến tạo” đã trở thành một thông điệp quan trọng nhất của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới. Nhưng kiến tạo không chỉ là của riêng Chính phủ mà phải đồng bộ từ lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Phải có công cụ và công nghệ thực hiện giám sát
“Nghị quyết 35 là sự đột phá về nhận thức đối với vai trò của Chính phủ và khu vực doanh nghiệp. Trong đó xác lập, doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế và Chính phủ là bộ máy phục vụ cho động lực đó. Có 2 mục tiêu chính trong Nghị quyết đó là: xây dựng chính phủ kiến tạo và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp động đảo và sáng tạo. Nghị quyết 35 đã đưa ra hàng loạt nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Đây là nghị quyết đầu tiên cho cả nhiệm kỳ về hoạt động của doanh nghiệp, chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp.
Với Nghị quyết 19 đã định vị được môi trường kinh doanh Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới. Trong đó, đưa ra mục tiêu cụ thể đến 2020 đạt môi trường kinh doanh Việt Nam đạt bình quân của Asean 3 hoặc Asean 4”– TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Thông điệp của Chính phủ là quan trọng nhưng phải có mô hình, công nghệ thực hiện. PCI là một công cụ góp phần xây dựng chính quyền kiến tạo tại địa phương.Tuy nhiên, thực tế xu hướng cải thiện các chỉ số PCI đang chững lại ở nhiều địa phương. Vì vậy, cần có nhiều công cụ, giải pháp thúc đẩy xây dựng chính quyền kiến tạo hiệu quả hơn.
TS Vũ Tiến Lộc gợi ý: Thứ nhất, địa phương có thể xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị, sở, ngành thông qua đó đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Thứ hai, thành lập ban chỉ đạo xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp như một số địa phương đã áp dụng. Thứ ba, xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công, thực hiện các dịch vụ hành chính đối với doanh nghiệp tại 1 trung tâm đảm bảo kết nối một cửa liên thông. Thứ tư, đa dạng hình thức đối thoại như café Doanh nhân, mô hình không chính thức nhưng tương tác đối thoại khá hiệu quả. Thứ năm, phát huy vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, bởi đây chính là lực lượng quyết định không nhỏ trong xây dựng thành công chính quyền kiến tạo và cải thiện PCI.
Cũng theo TS. Vũ Tiến Lộc: Nhiều địa phương băn khoăn về việc tăng số lượng doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35. Nhưng nếu có chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp thì đây sẽ là một nguồn lực quan trọng. Điện Biên hiện có hơn 1000 doanh nghiệp nhưng có tới 14.000 hộ kinh doanh.Tiềm năng phát triển của Điện Biên còn lớn và hoàn toàn có thể tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp trong 4 năm tới.
Cạnh tranh bằng chất lượng điều hành
Trao đổi về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Điện Biên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh: PCI đo lường chất lượng thực tế của điều hành kinh tế địa phương thông qua cảm nhận của các doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh chứ không phải dựa vào các kế hoạch, chính sách hay dự định của tỉnh; chất lượng điều hành chứ không phải mức độ phát triển; những chính sách thuộc thẩm quyền của bộ máy chính quyền địa phương; những thực tiễn tốt đã có tại địa phương chứ không phải mô hình lý thuyết nào.
Phân tích các chỉ số thành phần, ông Tuấn cho biết: Lãnh đạo chính quyền Điện Biên được đánh giá là năng động sáng tạo hơn. Có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở cơ sở. Lãnh đạo tỉnh có chủ trương chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện ở cấp huyện. Đáng lưu ý, tỷ lệ thanh tra kiểm tra trùng lặp vẫn còn lớn. Một số lĩnh vực đòi hỏi nhiều nỗ lực cải cách hơn nữa như: tiếp cận đất đai dễ dàng hơn cho doanh nghiệp; nâng cao vai trò của hiệp hội doanh nghiệp; giảm bớt gánh nặng chi phí không chính thức; nâng cao chất lượng lao động địa phương; tăng cường tham vấn doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, thách thức của Điện Biên là vị trí địa lý, hạ tầng khó cải thiện, nguồn nhân lực hạn chế, các nhà cung ứng dịch vụ, chi phí kinh doanh cao. Vì vậy cần tạo ra lợi thế về chất lượng điều hành. Điều này không cần quá nhiều thời gian và chi phí nhưng có thể tạo ra sự khác biệt, bù đắp các yếu điểm khác của tỉnh.
Mặt khác, chất lượng điều hành quyết định chất lượng nhà đầu tư. Ở đâu phiền toái, quen biết phổ biến thì ở đó chất lượng nhà đầu tư khó được cải thiện. Điện Biên thua kém hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và nếu không cải thiện tốt chất lượng hành chính thì những bất lợi sẽ càng nặng nề hơn. Kết quả PCI Điện Biên năm 2015 đạt 56,48 điểm xếp thứ 53/63 tỉnh thành và xếp nhóm hạng trung bình. Điện Biên không đi nhanh hơn thì sẽ tiếp tục bị thụt lùi trên bảng xếp hạng.
Theo ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: Năm 2016 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương, của tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016-2020. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 6,83%, vượt kế hoạch đề ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định. Các ngành sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ tăng trưởng khá. Môi trường đầu tư, kinh doanh và niềm tin của doanh nghiệp được cải thiện rõ nét.
Để có kết quả trên, trong năm 2016, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh như: Chương trình hành động thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Điện Biên năm 2016; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016- 2017 định hướng đến năm 2020; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Với mục tiêu xây dựng chính quyền phục vụ, lấy doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ, coi “Doanh nghiệp là Động lực để phát triển kinh tế”.
Đăc biệt, ngày 22/9/2016 vừa qua UBND tỉnh Điện Biên và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức ký Cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Nội dung cam kết chủ yếu tập trung vào thực hiện các nhóm giải pháp như: Tăng cường đối thoại, Cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Bằng việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp mang tính đồng bộ, nhất quán, môi trường kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng, lành mạnh. Các chỉ số về năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện, được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức ghi nhận và đánh giá tích cực.
Năm 2016, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng mức vốn đầu tư đăng ký 1.750 tỷ đồng, đưa tổng số dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh vào địa bàn tỉnh Điện Biên lên 115 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 17 nghìn tỷ đồng. Đăng ký thành lập mới và đăng ký thay đổi, bổ sung 260 doanh nghiệp (90 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn 610 tỷ đồng); Nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 1.070 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 10.440 tỷ đồng và 172 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động tại địa phương.
Trong đó: Doanh nghiệp nhỏ và vừa là 1.051 doanh nghiệp (chiếm 98,22%) với tổng vốn đăng ký là 5.175 tỷ đồng; Doanh nghiệp lớn là 19 doanh nghiệp (chiếm 1,78%) với tổng vốn đăng ký là 5.325 tỷ đồng. Kinh tế tập thể và hộ kinh doanh được khuyến khích phát triển, số lượng các hợp tác xã và hộ kinh doanh đăng ký mới tăng cao; đây là những nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
“Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.” – ông Mùa A Sơn khẳng định.
Ưu tiên cải cách hành chính
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp cũng đã có nhiều, kiến nghị, chia sẻ và mong muốn tỉnh Điện Biên tiếp tục nâng cao chất lượng điều hành, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển, mở rộng đầu tư.
Bà Ngô Phương Lan, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phương Anh chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi mong muốn chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đặc biệt là NQ35/CP về hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp cần được thực thi đồng bộ mau chóng, thống nhất từ TW đến các bộ ngành và các địa phương. Có như vậy mới thực sự sớm đưa các chính sách của Nhà nước vào cuộc sống, trở thành động lực hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp kịp thời.
“Đối với Công ty Phương Anh chúng tôi sau khi khẳng định năng lực, uy tín ở một số dự án lớn và với tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm quản lý, tổ chức thi công, uy tín với các ngân hàng, chúng tôi mong muốn tỉnh Điện Biên cho phép làm chủ đầu tư một số dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và thời gian tiếp theo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh”.
Ông Nguyễn Nhật Hà, Giám đốc công ty tư vấn Hà Anh cũng cho biết: Cả tỉnh có hơn 1000 doanh nghiệp và trên thực tế, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tại Điện Biên là không cao, thiếu tính bền vững do phụ thuộc nhiều vào vốn ngân sách và vốn vay ngân hang. Lần đối thoại trước, tháng 5, chúng tôi đã nghe tới Nghị quyết 35 như một luồng gió mới nhưng nhưng để đi vào cuộc sống cũng sẽ cần phải có thời gian. Và để hấp thụ được tốt các chủ trương chính sách các doanh nghiệp cũng phải định hướng tốt hoạt động kinh doanh của mình.Nâng cao trình độ, chuyên nghiệp, mới tận dụng được cơ hội.Bình đẳng nhưng phải đủ năng lực thì mới tham gia đượccác dự án.Tôi mong rằng trong thời gian tới tỉnh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư kêu gọi vốn của doanh nghiệp trong vào ngoài tỉnh đầu tư vào các danh mục dự án mà tỉnh kêu gọi.
Nhìn nhận về nỗ lực cải cách hành chính ông Bùi Đức Giang, Giám đốc Công ty số 6 Điện Biên cho rằng: Trong năm 2016, thủ tục hành chính đã chuyển biến và có đà chuyển biến tốt vì vậy đề nghị lãnh đạo tỉnh cần sâu sát hơn. Các dự án muốn triển khai thì yếu tố quan trọng là thủ tục hành chính phải nhanh. Trong thời gian tới tỉnh nên thành lập Ban thu hút đầu tư, doanh nghiệp có vấn đề gì báo cáo với ban, qua đó sẽ chỉ đạo thực hiện chứ đợi từ dưới lên thì rất lâu, nói 1 cửa nhưng đi vòng vèo cũng mệt lắm. Không thể để ban ngành nào cũng có ý kiến, gủi hồ sơ đến có đủ hay không thì phải trả lời, chứ không thể cứ hôm nay nói thiếu cái này, mai thiếu cái khác. Vấn đề này đề nghị tháo gỡ càng nhanh càng tốt, không thể ngành nào cũng làm chủ, mà chỉ tham mưu theo ngành. Ví dụ, xây dựng thì xem phần quy hoạch chứ không thể can thiệp sâu vào cả dự án…
Ông Mùa A Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “chúng tôi xác định nhà nước phải phục vụ doanh nghiệp, người dân. Công chức gây phiên hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp sẽ bị xử lý kiến quyết. Tôi cũng mong rằng doanh nghiệp hãy đặt niềm tin vào chính quyền, để cùng xây dựng chính quyền phục vụ tốt, hiệu quả”.
Ông Trần Văn Sơn – Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên thẳng thắn nhìn nhận: Điện Biên vẫn là một tỉnh biên giới nghèo, phần lớn nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương; số lượng lao động đã qua đào tạo có trình độ tay nghề cao còn ít; kết cấu hạ tầng kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; một số lĩnh vực tiềm năng chưa được đầu tư khai thác hiệu quả. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh biến động tăng, giảm thất thường. Trên 98% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, năng lực quản lý, tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ mới của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; Cơ cấu ngành nghề của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, nông lâm nghiệp… còn hạn chế.
Để động viên được nguồn lực toàn xã hội, huy động được trí tuệ, nguồn lực từ các doanh nghiệp, doanh nhân cho thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Điện Biên trở thành tỉnh có mức phát triển trung bình trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2020, ông Trần Văn Sơn yêu cầu các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên phải: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các cấp các ngành trong mọi lĩnh vực, phải lấy yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong năm 2017; Rà soát cơ chế chính sách, lĩnh vực ưu đãi thu hút đầu tư, hủy bỏ các quy định, các giấy phép con trái với Luật đầu tư theo hướng nhà đầu tư được phép kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; Tăng cường đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh hợp tác với các trung tâm kinh tế lớn trong hoạt động quảng bá, xúc tiến, tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh đặc biệt là lĩnh vực nông lâm nghiệp, dịch vụ du lịch; để các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất; Tiếp tục triển khai Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã được phê duyệt, để cải thiện nâng cao tất cả các chỉ số, cần tập trung đặc biệt vào những chỉ số mà tỉnh được đánh giá thấp trong những năm gần đây như Chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai, tính năng động và chỉ số cạnh tranh bình đẳng… Trong đó, cần đặc biệt chú trọng nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ đảng viên, người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị trong quá trình tiếp nhận đăng ký đầu tư, giải quyết các thủ tục hành chính, giao đất cho nhà đầu tư.
“Tôi hy vọng rằng, Hội nghị sẽ thực sự là một cuộc gặp gỡ trao đổi thẳng thắn, thân tình để tiếp tục củng cố mối quan hệ gắn bó giữa các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên với các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn để cùng chung sức đồng lòng vì tương lai của một Điện Biên tươi sáng, giầu mạnh”– ông Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Ban tổ chức đã trao Bằng khen của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công nhận “Doanh nhân tiêu biểu khối doanh nghiệp địa phương năm 2016” và trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh tốt trong năm 2016.
Phan Nam- Thu Trang