Doanh nghiệp kỳ vọng gì vào cuộc đối thoại với Thủ tướng
Ngày 29/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì một hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng sẽ có rất nhiều vấn đề nóng nhận được quan tâm của doanh nghiệp trong cuộc đối thoại đầu tiên của tân Thủ tướng. Trong đó, việc đầu tiên là mong muốn Chính phủ khôi phục, duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, cố gắng để mức lạm phát năm tới không vượt qua 4% theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị đối thoại với doanh nghiệp vào cuối tuần này. Ảnh: Bá Đô |
Hội nghị cũng sẽ ghi nhận các ý kiến và đưa ra giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, xác định rào cản do cơ chế chính sách và có biện pháp khắc phục. Những biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như đầu tư, thuế, hải quan... sẽ rất quan trọng trong giai đoạn tới để giảm chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng Chính phủ có biện pháp thúc đẩy tái cấu trúc, nâng cao hoạt động của hệ thống ngân hàng, hướng mạnh được nguồn vốn vào khu vực sản xuất kinh doanh và giảm được lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.
Một vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp bức xúc là thời gian gần đây, qua các cuộc khảo sát về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nổi lên vấn đề các chi phí không chính thức có xu hướng ngày càng tăng lên, khiến doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều gánh nặng từ các cơ quan công quyền. Do đó, cùng với những vấn đề như vướng mắc về thủ tục hành chính, vốn, đất đai… thì việc giảm thiểu các chi phí không chính thức cũng sẽ được đề cập.
Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các tổ chức và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp cũng kỳ vọng Chính phủ mới sẽ có thêm những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế.
Dự kiến, trong hội nghị vào cuối tuần này, Thủ tướng sẽ gặp gỡ khoảng 300 đại biểu doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc...
Người đứng đầu Chính phủ muốn thông qua hội nghị để truyền đi thông điệp "doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế". Theo đó, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng; đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.
Sau buổi gặp gỡ, Chính phủ và bộ ngành, địa phương sẽ tiến hành họp bàn để giải quyết ngay những vấn đề nói trên, đồng thời sẽ ban hành một Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trong tháng 5/2016.
Kỳ Duyên