The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Doanh nghiệp lo lắng phí “bôi trơn” ngày càng tăng

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM- Bộ KH&ĐT) vừa công bố báo cáo về môi trường kinh doanh dưới góc nhìn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo đó, hầu hết DN mất chi phí “bôi trơn” cho các dịch vụ công, thuế, hải quan… Đặc biệt, đa số DN lo ngại chi phí “bôi trơn” ngày càng tăng trong những năm tới.

“Bôi trơn” liên quan ngành Thuế tăng cao

Theo ông Phan Đức Hiếu, Viện phó CIEM, Viện phối hợp với nhóm nghiên cứu đến từ Liên Hợp Quốc tiến hành báo cáo điều tra DNNVV năm 2015 nhằm đánh giá tác động của môi trường kinh doanh đến DN. “Môi trường kinh doanh giống như bể cá, mỗi DN là một con cá.

Chúng ta phải tạo môi trường tốt nhất để từng con cá phát triển. Hiện, chúng ta nói cải thiện môi trường kinh doanh nhưng chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến từ DN (đối tượng bị tác động), để biết kết quả đã thực sự tốt hay chưa?”, ông Hiếu nói.

Báo cáo môi trường kinh doanh tiến hành với hơn 2.500 DN, tập trung vào điểm chính như: Tăng trưởng và biến động của DN; tính phi chính thức và tham nhũng; đầu tư và tiếp cận tài chính; công nghệ sản xuất và năng suất lao động… Đáng chú ý nhất là yếu tố chi phí phi chính thức, chi ngoài (tức phí bôi trơn, hối lộ - PV) của DN. Qua 2 vòng điều tra, có khoảng 70% DN cho biết mất phí bôi trơn, hối lộ từ 2-5 lần trong năm. Trong số DN này, 40% DN lo lắng khoản chi này sẽ tăng lên trong thời gian tới. Thậm chí với các DN từng nói không với hối lộ trong cuộc điều tra năm 2013 phải tốn phí bôi trơn, hối lộ trong năm 2015.

Các lý do hối lộ, bôi trơn của DN, gồm: Tiếp cận các dịch vụ công; để có được giấy phép và chứng chỉ; vấn đề liên quan đến thuế; để dành được hợp đồng cung cấp cho chính quyền; vấn đề liên quan đến Hải quan. Riêng tỷ lệ chi để “giải quyết các vấn đề về thuế” tăng từ 17,6% (năm 2013) lên 24,1% năm 2015.

Theo GS Finn Tarp (Đại học Liên Hợp Quốc, tác gia của báo cáo), từ khi ông tới Việt Nam (cách đây 15 năm) đến nay, hối lộ vẫn là khoản chi cần thiết của DN. Điều này ảnh hưởng lớn đến cạnh tranh, gây tổn thất cho DN. “Khoản chi hối lộ không giúp DN hoạt động hiệu quả, chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế, làm giảm hiệu quả đầu tư. Chính phủ Việt Nam cần minh bạch trong mọi chính sách để loại bỏ tình trạng hối lộ”, ông Finn Tarp nói.

Lãnh đạo CIEM cho rằng, DN có tâm lý đưa hối lộ để hoạt động kinh doanh hanh thông, hiệu quả hơn. Đây là sai lầm, đưa hối lộ không liên quan đến tăng trưởng của DN. Bản thân DN phải quyết liệt, không đưa hối lộ mới dần giải quyết được tình trạng này.

83% DN gặp trở ngại trong kinh doanh

Năm 2015, có tới 83% DN được điều tra cho biết gặp trở ngại trong kinh doanh như thiếu vốn, khó tiếp cận tài chính; thiếu đất, mặt bằng sản xuất, kinh doanh; cạnh tranh quá lớn… Trong đó, thiếu vốn và khó tiếp cận tài chính là trở ngại lớn nhất.

Chính trở ngại trên khiến 8,2% DN rút khỏi thị trường mỗi năm. Các DN nhỏ và siêu nhỏ dễ bị loại khỏi thị trường hơn DN vừa. Ngành may mặc và sản xuất giấy có số DN “chết” nhiều nhất. Với các yếu tố của môi trường kinh doanh hiện nay, các DN vừa và nhỏ của Việt Nam chưa thể lớn lên. Khoảng 93% các DN quy mô siêu nhỏ trong cuộc điều tra 2013 vẫn duy trì quy mô này trong điều tra 2015. Số DN siêu nhỏ chuyển lên quy mô vừa rất ít.

“Theo các DNNVV. điều kiện kinh doanh đã được cải thiện chút ít nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại”, nhóm tác giả báo cáo cho biết. Các lý do hối lộ, bôi trơn của DN, gồm: tiếp cận các dịch vụ công; để có được giấy phép và chứng chỉ; thuế; hải quan; để dành được hợp đồng cung cấp cho chính quyền. Trong đó, tỷ lệ chi để “giải quyết các vấn đề về thuế” lại tăng từ 17,6% (năm 2013) lên 24,1% năm 2015.

Quỳnh Nga

Báo Tiền Phong

Báo Tiền Phong