The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Doanh nghiệp lo ngại sự chồng chéo của Luật An ninh mạng với Luật ATTT năm 2015

Chiều 9-10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Internet Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật An ninh mạng.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an trao đổi tại hội thảo

Trao đổi tại hội thảo góp ý "Hoàn thiện dự án Luật An ninh mạng" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 9/10, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an nhấn mạnh việc xây dựng Luật An ninh mạng là chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Thực tiễn của tình hình an ninh mạng trong nước và thế giới đang đặt ra nhiều yêu cầu cho bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa đấu tranh chống lại hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia…

Thời gian qua xuất hiện nhiều nội dung trên YouTube, Facebook liên quan đến chính trị, kinh tế… Nhiều vụ việc sử dụng không gian mạng có ý đồ hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế, hạ thấp uy tín lãnh đạo Việt Nam, tạo mâu thuẫn, nghi ngờ gây mất lòng tin trong quần chúng, khối doanh nhân… dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Cùng đó là nguy cơ mất kiểm soát về an toàn, an ninh thông tin mạng. Hệ thống hạ tầng thông tin Việt Nam hầu hết sử dụng thiết bị của nước ngoài, của cả công ty uy tín cũng như chưa có uy tín. Các thiết bị kết nối mạng ngày càng được sử dụng nhiều trong các hộ gia đình...

Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng hết sức cần thiết nhằm phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng, khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng.

Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, gồm 8 chương và 55 Điều.

Dự án Luật An ninh mạng đang được Bộ Công an chủ trì soạn thảo và dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Luật này được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, góp phần bảo vệ an ninh mạng quốc gia, bảo đảm an ninh kinh tế, chính trị và mọi mặt tác động đến đời sống xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển CNTT, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và diễn biến phức tạp trên không gian mạng.

Trao đổi tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI dẫn lại đánh giá của Google cho hay, năm 2020 tại Việt Nam cứ 10 người dân thì có 8 smartphone, 40 triệu người dùng Facebook, hạ tầng Internet phát triển. Sự phát triển của CNTT, Internet đang tạo ra ảnh hưởng lớn, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.

Cùng đó cũng đặt ra hàng loạt vấn đề liên quan đến bảo mật an toàn thông tin trong các lĩnh vực như điện, hàng không, viễn thông, ngân hàng… gây hậu quả lớn, khó lường.

Với tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam, việc bảo mật an toàn thông tin còn tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp, có động lực đầu tư mạnh mẽ hơn vào CNTT; người dân sử dụng dịch vụ trên nền Internet cao hơn…

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, các doanh nghiệp đánh giá cao trên tinh thần tích cực của dự thảo Luật An ninh mạng, nhưng cũng bày tỏ sự lo ngại nếu luật không được thiết kế kỹ lưỡng thì sẽ có nguy cơ chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng do Bộ TT&TT xây dựng năm 2015.

“Phạm vi điều chỉnh có tách bạch hay không, đầu mối quản lý nhà nước có thật sự rõ ràng hay không. Chúng tôi có phân tích dự thảo luật này thì thấy có nguy cơ chồng chéo”, ông Tuấn nói.

Cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn đưa ra ví dụ: đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực CNTT thì Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định việc kinh doanh phải có sự thẩm định cấp phép của Bộ TT&TT. Trong khi đó dự thảo Luật An ninh mạng Bộ Công an cũng thẩm định năng lực của doanh nghiệp. Do đó, sự phối hợp giữa hai cơ quan quản lý Nhà nước này cần vừa để đảm bảo chặt chẽ, nhưng cũng tạo sự thuận lợi và giảm đầu mối cho doanh nghiệp kinh doanh.

Trước đó, ngày 9/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 75 giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý dự án Luật này bảo đảm chất lượng tính khả thi, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi điều chỉnh với các đạo luật và dự án Luật khác có liên quan.

Nguyên Đức

Infonet

Xem thêm: Lo ngại Luật An ninh mạng sẽ có chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, các doanh nghiệp bày tỏ sự lo ngại Luật An ninh mạng sẽ có nguy cơ chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, đã được Quốc hội thông qua năm 2015.

Cùng quan điểm này, TS Mai Anh, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội cho rằng, nội dung của Luật An ninh mạng nên tích hợp vào Luật An toàn thông tin mạng (đã được ban hành năm 2015) để trình Quốc hội sửa đổi Luật An toàn thông tin mạng và đổi tên thành Luật An ninh mạng và An toàn thông tin trong môi trường mạng.

Còn theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (thuộc Bộ Công an), việc xây dựng Luật An ninh mạng là chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, xuất phát từ thực tiễn của tình hình an ninh mạng trong nước và thế giới đang đặt ra nhiều yêu cầu cho bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa đấu tranh chống lại hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia…

Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, gồm 8 chương và 55 Điều. Dự kiến, dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư và thông qua tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV.

Dự án Luật An ninh mạng được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo vệ an ninh mạng quốc gia, bảo đảm an ninh kinh tế, chính trị và mọi mặt tác động đến đời sống xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và diễn biến phức tạp trên không gian mạng.

Châu Anh