The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

DOANH NGHIỆP "QUÁ KHỔ" VÌ PHẢI CHI HÀNG TỶ MỖI NĂM CHO CHI PHÍ KIỂM NGHIỆM

Một doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi quy mô nhỏ với doanh thu 20 tỷ đồng, trong năm 2017 vẫn phải bỏ 1 tỷ đồng chi phí kiểm nghiệm, 1 tỷ đồng khác là tiền lưu kho bãi.

Đó là thông tin được ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI chia sẻ tại tọa đàm: “Cắt giảm kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ: Từ tiền kiểm sang hậu kiểm" do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI

“Từ văn bản đến thực hiện” vẫn còn khoảng cách

Đề cập về thực trạng khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề xuất nhập khẩu, ông Tuấn cho biết, mặc dù đã có sự chuyển mình khá rõ nét ở các Bộ, ngành trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính cho hàng hóa xuất nhập khẩu, thế nhưng tình trạng “từ văn bản đến thực hiện” vẫn còn khoảng cách.

Theo hình thức quản lý mới, doanh nghiệp có thể tiết kiệm nhiều chi phí. Nhưng hiện nay theo phản ánh của doanh nghiệp về mặt quản lý Nhà nước, tưởng như kiểm tra chặt chẽ như vậy để bảo đảm hiệu quả nhưng trên thực tế hiện nay không hoàn toàn như vậy, kiểm tra chủ yếu vẫn bằng cảm quan, bằng chủ quan của người kiểm tra.

“Có tình trạng kiểm tra protein nhập khẩu từ Mỹ, tiêu chuẩn rất chặt chẽ nhưng về Việt Nam thì cho sai số rất lớn. Khi doanh nghiệp có ý kiến thì người ta lại điều chỉnh cho phù hợp với chỉ số mà doanh nghiệp khiếu nại. Vì vậy, hiệu quả trên thực tiễn không nhiều và phải thẳng thắn thừa nhận là khoảng cách giữa văn bản và thực hiện, giữa chỉ đạo và hành động có thể còn rất xa”, ông Tuấn nói.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, khi ban hành các văn bản thì trách nhiệm thúc đẩy thực thi, giám sát thực thi của các cơ quan bộ, ngành sẽ vẫn còn phải tiếp tục thực hiện.

Ông Tuấn cũng thừa nhận, công tác kiểm tra chuyên ngành trong thông quan hàng hóa sau khi có các văn bản của các Bộ ngành vẫn còn gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp là do “mọi thay đổi phải có độ trễ nhất định”.

“Hiện nay các bộ đang quá trình thay đổi thì chúng tôi kỳ vọng phải nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn. Hiện tại, đúng là có những doanh nghiệp là chưa thấy sự thay đổi căn bản. Có thể, những thông tư như Thông tư 07, 02 của Bộ Khoa học và Công nghệ được áp dụng và tạo ra những chuyển biến cơ bản trong quý I và quý II/2018”, ông Tuấn cho hay.

Đồng quan điểm với Trưởng Ban Pháp chế VCCI, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trong các văn bản quy phạm pháp luật bao giờ cũng có độ trễ nhất định, tuy nhiên trễ bao nhiêu, bao lâu? Khi chúng ta đã tạo ra khung pháp lý thì sẽ áp dụng rộng rãi cho các lĩnh vực. Sự chuyển mình, cải tiến trong từng lĩnh vực cũng có thể khác nhau. Nếu như các Bộ, ngành nào áp dụng sớm, chuyển đổi sớm cơ chế từ tiền kiểm sang hậu kiểm thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ thấy ngay lợi ích.

Thanh Uyên

Vietq.vn