The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Doanh nghiệp vẫn phải 'cậy cục' cán bộ thuế

Thái độ của cán bộ thuế tiếp tục được nhiều chuyên gia nhận định là một trong những rào cản lớn đối với doanh nghiệp

Tại tọa đàm "Ngày Doanh nhân bàn về xoá bỏ rào cản kinh doanh" doTạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư tổ chức ngày 11/10, ông Đoàn Duy Khương - Phó chủ tịch VCCI cho rằng, trong nhiều năm qua, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP thuộc hàng cao nhất trong khu vực và thế giới, nhưng đang có xu hướng chậm dần bởi sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các khu vực và quốc gia, giữa doanh nghiệp và từ chính sản phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Khương, kết quả nghiên cứu do VCCI phối hợp với Hội đồng kinh doanh ASEAN cho thấy thông tin không lạc quan đối với Việt Nam. Các tiêu chí môi trường tài chính, hạ tầng cơ sở cho thấy Việt Nam đứng cuối bảng so với các nước ASEAN. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xóa bỏ rào cản và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

12 chuyên gia đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp có mặt tại buổi tọa đàm đã đưa ra những khía cạnh khác nhau về rào cản kinh doanh liên quan đến rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong đó, các "phàn nàn" trong vấn đề thủ tục hành chính đối với cơ quan thuế tiếp tục nhận được sự quan tâm của đa số ý kiến.

Bà Hương Vũ - Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cho rằng Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành hồi tháng 5 cho thấy rõ ràng quan điểm của Chính phủ. Bà cũng cho rằng, nhiều cuộc họp trước đó đã bàn về các chính sách để biến Việt Nam thành quốc gia ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như nhóm có vốn đầu tư nước ngoài.

doanh-nghiep-van-phai-cay-cuc-can-bo-thue

Bà Hương Vũ cho rằng, rào cản từ phía cơ quan thuế vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Bizlive

Tuy nhiên, với tư cách là đơn vị đã tham gia đóng góp ý kiến nhiều dự thảo luật cho đến thông tư, đồng hành cùng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bà Hương cho rằng bài toán làm sao để cụ thể hóa được nghị quyết vào thực tế thì rất khó. Sau nghị quyết, các thông tư, giấy phép con... ở dưới nữa vẫn lần lượt ra đời.

Đại diện đơn vị kiểm toán lấy ví dụ trong lĩnh vực thu thuế và hoàn thuế, khi nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã vào Việt Nam, nhưng sổ sách kế toán vẫn phải in ra.

"Trong khi đó, đối với một công ty thực hiện 20.000-30.000 nghiệp vụ mỗi ngày thì một năm lấy đâu ra chỗ để lưu những hồ sơ về các nghiệp vụ đó? Yêu cầu gửi bản mềm thì cơ quan thu thuế không nghe, nếu doanh nghiệp không nộp đủ thì không được hoàn thuế, làm họ phải chạy khắp nơi để có thể đủ giấy tờ bản cứng. Đây là quyền được thụ hưởng của doanh nghiệp mà họ phải đi xin, cậy cục", bà Hương chia sẻ. Cũng theo bà, khâu hành thu cũng gặp tình trạng tương tự.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phí Ngọc Trịnh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần May Hồ Gươm thừa nhận có tình trạng cán bộ thuế đòi hỏi hồ sơ từ 7-8 năm trước mà doanh nghiệp không thể lưu trữ được bản cứng. Ông cho rằng, tình trạng này là do cán bộ thuế thường có thái độ là soi mói, tìm lỗi của doanh nghiệp.

"Họ có suy nghĩ doanh nghiệp làm sai tôi mới đến, và tôi đến thì phải có 'gì đó'. Hiện công ty chúng tôi hoạt động ở 9 tỉnh với 9 đoàn thu thuế và mỗi đoàn lại có một thái độ khác nhau", đại diện doanh nghiệp bày tỏ.

Ông cũng cho rằng, thái độ của nhân viên thu thuế trong những năm gầy đây có những thay đổi, song chủ các doanh nghiệp vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn về điều này. "Các cán bộ thuế phải tư vấn, phải đến với tâm thế hỗ trợ cho doanh nghiệp. Mà để thay đổi đạo đức của người công chức thì phải thay đổi thu nhập của họ", ông nhận định.

Bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT TH True Milk cũng kể lại câu chuyện từng bị làm khó do quan điểm khác nhau trong việc áp dụng biểu thuế. Điều này khiến bà có lần ra sân bay xuất ngoại nhưng lại bị nhân viên hải quan giữ lại với lý do chưa nộp đủ thuế. Theo bảng thuế của cơ quan quản lý khi đó, bà đang là người trốn thuế.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, bên cạnh thái độ của cán bộ, cách xây dựng luật cũng có nhiều điều bất cập gây khó cho doanh nghiệp. Tổ soạn thảo đôi khi được cơ quan quản lý giao thời gian khá dài để làm công việc này, nhưng lại để trì trệ rồi cuối cùng phải “vắt chân lên cổ” để làm rất cấp tập.

"Chỉ một vài nghị định thay đổi thực sự do các viện nghiên cứu thực hiện. Còn nếu cứ để bộ ngành làm thì còn chặt hơn, chứ không thể thoáng hơn được. Ví dụ việc sửa Luật đầu tư vào tháng 10 có đề xuất bỏ 67 điều kiện kinh doanh, nghe xong thấy rất vui nhưng thực tế cuối cùng bỏ đi rất ít, trong khi đó thêm vào lại nhiều hơn", ông Đức bày tỏ.

Chuyên gia này cũng cho rằng, những quan điểm về sự đổi mới chỉ ở tầm Chính phủ, việc đưa ra những văn bản chưa có thay đổi nhiều, trong khi đó các nhiều bộ ngành, cán bộ vẫn ra sức tìm mọi cách để tạo rào cản với doanh nghiệp.

"Sự thay đổi của cán bộ thuế hiện không thực chất. Thói quen thu thuế của cán bộ ngành này nhiều năm nay mang tính áp đặt và nghi vấn, có thể xuất phát từ những động cơ khác", ông Đức nhận định.

Còn theo bà Hương, để giải được bài toán này cần phải làm sao để cán bộ thuế thay đổi từ tư duy nghi vấn, áp đặt sang tư tưởng hỗ trợ, hợp tác với doanh nghiệp.

"Người đi thu thuế hiện nay mang tính đối kháng. Cục trưởng Cục thuế Hà Nội có nói với tôi rằng: 'Tôi đi thu thuế là thu cả lòng dân'. Tuy nhiên, vấn đề là anh truyền tải quan điểm đó đến nhân viên của mình như thế nào", bà Hương nhận định.

Để xóa bỏ tâm lý nghi ngờ của cán bộ thuế, theo bà cũng nên có một cách nhìn đúng đắn hơn về vấn đề chuyển giá. "Chuyển giá cũng chỉ là một công cụ tài chính để tăng lợi nhuận thôi, không có gì là xấu cả. Vấn đề là Việt Nam có chấp nhận chuyển giá đó không và chấp nhận ở mức độ nào?", chuyên gia này nói.

Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Võ Trí Thành cũng bày tỏ, việc trốn thuế là vi phạm nhưng tránh thuế thì không.

"Chuyển giá là công cụ để tối ưu hoạt động giữa tập đoàn lớn và các công ty con. Mới đây tại Hội nghị thượng đỉnh G20 mới có cuộc họp về vấn đề này. Bản thân G20 vẫn chưa có những cam kết chung về chuyển giá. Tuy nhiên họ đúc rút ra một số phương pháp. Một là điều chỉnh những quy phạm pháp luật để hạn chế những chênh lệch về thuế giữa Việt Nam và các nước khác. Và hai là chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các quốc gia để tránh tình trạng 'lách' thuế như đã nói", ông Thành cho hay.

Bài toán hạn chế tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu cũng như biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong ngành thuế, hải quan đã được Chính phủ đặt ra suốt từ giữa năm 2014. Chỉ đạo này được Thủ tướng đưa ra trong bối cảnh Báo cáo môi trường kinh doanh 2013 (Doing Business) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố giữa năm đó cho thấy, Việt Nam là quốc gia có thời gian tiêu tốn cho nộp thuế gần như cao nhất khu vực với 872 giờ mỗi năm. Con số này cao gấp 4 lần mức trung bình của các nước châu Á - Thái Bình Dương. Tình trạng chậm trễ này đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hơn một năm sau đó, báo cáo của WB công bố cho thấy, số giờ nộp thuế và bảo hiểm xã hội trong năm 2014 của Việt Nam là 770 giờ. Con số này đã giảm khoảng hơn 100 giờ so với cuối năm 2013, tuy nhiên vẫn đứng thứ 2 ở châu Á, Thái Bình Dương. Đại diện WB cũng cho biết, các chính sách đổi mới của ngành thuế được thực hiện từ cuối năm 2014 nhưng phải đến báo cáo năm 2015 mới được tính toán và thể hiện bằng kết quả cụ thể.

Ngọc Tuyên

VnExpress