The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Doanh nghiệp Việt đã đầu tư sang 68 quốc gia và vùng lãnh thổ

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đầu tư sang 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó riêng Lào và Campuchia là hai quốc gia được các doanh nghiệp DN Việt lựa chọn đầu tư nhiều nhất với khoảng 460 dự án, tổng vốn 8 tỷ USD.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Oxfam, Tổ chức Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức Hội thảo Đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở tiểu vùng Mê Kông.
Tại hội nghị, ông Đoàn Thanh Nghị, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến tháng 1/2017, DN Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) 1.188 dự án tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 21,3 tỷ USD. Thị trường chủ yếu là Lào (270 dự án; 5,12 tỷ USD); Campuchia (191 dự án; 2,89 tỷ USD), một số quốc gia Nga, Châu Phi…
"Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là nông lâm nghiệp, viễn thông, khai khoáng, dịch vụ khám chữa bệnh ... Tuy nhiên, lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp là lĩnh vực đứng thứ hai trong cơ cấu ĐTRNN của Việt Nam và đứng thứ ba trong cơ cấu nhận đầu tư nước ngoài và trong nước của Lào và Campuchia. Đây là những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam có thể hợp tác hiệu quả với Lào, Campuchia", ông Nghị nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong số các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại Lào và Campuchia, chủ yếu là các dự án trồng cao su.
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có 72 dự án đầu tư trồng cao su, với tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư Việt Nam là 2,175 tỷ USD. Nhìn chung, các dự án trồng cao su được Chính phủ Lào và Campuchia đánh giá tốt, có hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm nguồn thu cho lao động địa phương, cải thiện cơ sở hạ tầng và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội nước sở tại..
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), ĐTRNN khẳng định sự lớn mạnh của các DN Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, giúp Việt Nam mở rộng thị trường tại nước ngoài, tránh được hàng rào bảo hộ thương mại….

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, đằng sau những thành công của các doanh nghiệp thì phải kể đến sự ủng hộ và luôn đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp trong việc đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt là các nước có quan hệ truyền thống như Lào, Campuchia.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý, để đầu tư có hiệu quả thì doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ pháp luật không chỉ của Việt Nam mà còn phải tuân thủ cả pháp luật của nước sở tại. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt trước khi đầu tư ra nước ngoài.

Để đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của DN Việt Nam ở Lào và Campuchia trong thời gian tới, theo ông Nghị, các DN cần tăng cường hợp tác chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế chính sách, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, ổn định.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đằng sau những thành công của các doanh nghiệp thì phải kể đến sự ủng hộ và luôn đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp trong việc đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt là các nước có quan hệ truyền thống như Lào, Campuchia.

THANH NHUNG

Báo Dân sinh