Doanh nhân Việt kỳ vọng “cuộc đột phá thể chế lần hai”
19 Tháng 9, 2014
Không hẹn mà gặp, ý kiến các vị diễn giả tham gia Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2014 đều đề cập đến thể chế như một vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay.
Ngay tại Diễn đàn, các hiệp hội doanh nghiệp cũng đã cùng ký kết Tuyên bố về chương trình hành động của cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, nhóm hành động đầu tiên được xác định là sát cánh cùng Chính phủ góp phần tạo đột phá thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.
Do VCCI tổ chức sáng 19/9 nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Diễn đàn không chỉ nhìn lại chặng đường 10 năm qua mà còn đồng thời phác thảo, dự cảm về "hành trình phía trước" của cộng đồng doanh nhân.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, thời khắc kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân cũng là thời điểm cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi những đột phá về thể chế.
Tham gia điều hành thảo luận, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam còn nhiều ràng buộc mà trước hết là về thể chế, khiến doanh nhân không thể đầu tư dài hạn, đầu tư chiến lược mà phải lo đối phó hàng ngày với những rào cản đó. "Thể chế phải giúp doanh nghiệp chỉ tập trung vào thương trường thay vì phân tán vào những thứ khác", ông Cung đưa quan điểm và cho rằng "hồi sau sẽ rõ" kết quả của những động thái cải cách mà Chính phủ đang tiến hành.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam kể lại, "năm 1996 khi tôi thành lập doanh nghiệp đầu tiên thì chưa có Luật Doanh nghiệp nên để xin một cái giấy phép xuất nhập khẩu phải mất hơn một năm với rất nhiều giải trình".
Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã tạo ra một cú hích rất lớn về môi trường kinh doanh, nhưng nay xã hội và cộng đồng doanh nghiệp còn kỳ vọng lớn hơn nữa vào việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đang được tiến hành, để tạo cơ hội cho hàng triệu người dân muốn tham gia kinh doanh. "Niềm tin vào một môi trường kinh doanh tốt hơn đã hun đúc, giúp cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi vững tay chèo lái trước sóng to gió lớn", bà Hường chia sẻ.
Gỡ phiền toái từ chuyện con dấu
Còn đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc lại có quan điểm "rào cản lớn nhất hiện nay là bộ máy, con người chứ không phải chính sách. Đột phá rất được kỳ vọng là sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nhưng quan trọng là bộ máy có vận hành như vậy không? Cải cách hành chính là rất đúng, nhưng phải tác động vào con người bằng xương bằng thịt". Ông Quốc chia sẻ thêm rằng tựu trung lại, ông vẫn thấy tin tưởng hơn là bi quan về "hành trình phía trước" của doanh nhân Việt Nam.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tận dụng được cơ hội, khi niềm tin của người tiêu dùng đang quay trở lại và Chính phủ ngày càng quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Trong đó, đơn giản hóa các thủ tục hành chính vẫn phải là điểm mấu chốt, dù thời gian qua Chính phủ đã làm tốt việc đơn giản hóa thủ tục trong nhiều lĩnh vực như thuế, hải quan... Đại diện WB cho rằng nếu làm được như vậy, Việt Nam sẽ là nền kinh tế mới nổi triển vọng nhất trong 10 năm tới và là điểm đến vô cùng hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Theo TS Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì điểm lại một số đột phá thể chế đã được tiến hành trong thời gian qua, như quy định được kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm trong Hiến pháp; việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư quy định rõ các ngành nghề nào bị cấm kinh doanh. Ông đưa ra một ví dụ mà theo ông là "một điểm mang tính kỹ thuật nhưng về tư tưởng lại rất lớn", đó là sắp tới các con dấu của doanh nghiệp sẽ không phải do công an cấp như hiện nay mà doanh nghiệp tự khắc, tự quản lý, giảm được rất nhiều phiền toái...
Cam kết của doanh nghiệp
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, thì thẳng thắn nhấn mạnh các doanh nghiệp phải đưa ra được những kiến nghị, những đề xuất cụ thể về mặt thể chế, chính sách, làm sao để những trăn trở của doanh nghiệp được phản ánh tới những cấp có thẩm quyền một cách mạnh mẽ, thuyết phục. "Nếu chúng ta không làm được việc này thì nghĩa là chúng ta không giúp Nhà nước được để Nhà nước giúp lại chúng ta", ông Đoàn nói.
Ông Vũ Tiến Lộc nhận định, Chính phủ đã khởi động bước đột phá thể chế lần thứ hai kể từ khi đổi mới, với hàng loạt những động thái quyết liệt từ đầu năm đến nay. Đó là việc các dự thảo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư được trình ra Quốc hội theo tinh thần đặt niềm tin vào doanh nghiệp, doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm.
Đó là Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải cách hành chính với chuẩn mực tiên tiến của các nước ASEAN, với những chỉ đạo trực tiếp, vượt cấp của người đứng đầu Chính phủ đến tận các "điểm nóng" của bộ máy công quyền, với mệnh lệnh cắt giảm, đơn giản hóa đến từng thủ tục theo lộ trình cụ thể, có thể cân đong đo đếm cụ thể bằng thời gian và tiền bạc, đã và đang một lần nữa "cởi trói", mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
"Làn sóng đổi mới thể chế đang mở đường cho làn sóng đầu tư, kinh doanh thứ hai", ông Lộc dự báo và cho biết, Nghị quyết số 19/NQ-CP đã giao VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp nhiệm vụ tư vấn, phản biện chính sách, định kỳ nghiên cứu khảo sát về mức độ hài lòng, tín nhiệm của doanh nghiệp với các cơ quan Chính phủ.
Cùng với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đó là bằng chứng cho thấy sự tôn trọng của Chính phủ và các cấp chính quyền với ý kiến doanh nghiệp. Tuyên bố sẽ sát cánh cùng Chính phủ góp phần tạo đột phá thể chế được ký kết hôm nay chính là cam kết thể hiện trách nhiệm và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với bước đột phá thể chế lần thứ hai đã được Chính phủ khởi động.
Hà Chính
Theo BÁO ĐIỆN TỬ CỦA CHÍNH PHỦ
Ngày 19/09/2014