The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đổi mới trên quê hương “khoán hộ”: Ðinh ninh hai chữ gần dân

Vĩnh Phúc hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ, nhưng trong ký ức người dân nơi đây, dấu ấn của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc vẫn còn sâu đậm. Nửa thế kỷ trước, bằng sự tận tụy của người cán bộ thương dân Kim Ngọc, những quyết sách mới đã ra đời, mở ra hướng làm ăn hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho dân. Trên mảnh đất này, đi qua những bờ vùng bờ thửa, những con kênh đào dẫn nước về cho cả vùng rộng lớn Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường... lại nhớ về hình ảnh một ông Kim Ngọc với hai chữ gần dân.

Lớp cán bộ từng chung tay với ông Kim Ngọc thời làm khoán hộ giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Huy Lê, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Yên kể: Những lần đi thực tế xuống đồng, nhìn phần ruộng 5% của người dân màu mỡ, lúa tốt bời bời trong khi ruộng hợp tác xã (HTX) chung quanh tốt mà giữa thì xơ xác, năng suất thấp, khiến ông Ngọc trăn trở mãi. Chủ trương khoán từ đó được hình thành.

Công tác khoán hộ ban đầu thí điểm ở thôn Thượng, xã Tuân Chính (Vĩnh Tường). Năng suất lúa ngay vụ đầu tăng vượt trội lên hơn bốn tấn/ha. Ngày 10-9-1965, Nghị quyết 68 của Tỉnh ủy về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong HTX mà trọng tâm là ba khoán (khoán việc cho nhóm, cho lao động và khoán hộ) chính thức ra đời. Chủ trương hợp lòng dân nhanh chóng được hưởng ứng. Khoán hộ là bước khởi đầu để sau này Ban Bí thư T.Ư Đảng ra Chỉ thị 100 về công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các HTX nông nghiệp và Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý trong nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tôn, người từng sát cánh bên ông Kim Ngọc những ngày làm khoán hộ, lúc đó là Trưởng ban Nông nghiệp Vĩnh Phúc, hồi tưởng lại chuyện của một thời nhọc nhằn gắn bó với ruộng đồng, với dân. Ông nói, bài học lớn nhất mà những người như ông đúc rút từ thực tế, đó là làm cán bộ phải luôn tha thiết hai chữ gần dân. Những lúc cần tìm đường hướng, giải pháp cụ thể, theo cách Bí thư Kim Ngọc, ông lại cùng anh em xuống cơ sở. Lời giải ở trong dân chứ không ở đâu khác. Cán bộ nông nghiệp đích thân lội ruộng, tự tay kiểm tra từng đường cày, vạch từng đám lúa. Ông Tôn cũng đã đi hết các xã, nơi xa nhất phải cuốc bộ mất nửa ngày đường. "Không nghe lơ mơ để nắm tình hình, không đút chân gầm bàn mà ra nghị quyết được", ông chia sẻ. Sâu sát với dân, lăn lộn thực tiễn, Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, cũng như các thế hệ cán bộ là tấm gương của sự gắn bó keo sơn giữa Đảng với dân, giữa cán bộ với người lao động để đội ngũ kế cận học tập, noi theo.

Ông Phùng Quang Hùng, nguyên Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, một thời là anh chủ nhiệm HTX mẫu mực, anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh/Vẽ cả ngày mai thành bức tranh hơn 30 năm trước. Cũng từ bài học gần dân, lăn lộn với cuộc sống, ông Hùng cùng bà con tìm ra mô hình trồng cây ngô bằng bầu trên nền đất ướt. Sáng kiến về cây ngô vụ đông của HTX Hợp Thịnh đã mở ra hướng cứu đói cho bà con những năm tháng khủng hoảng lương thực trầm trọng. Nhiều địa phương tìm về học hỏi áp dụng, rồi HTX Hợp Thịnh được tôn vinh danh hiệu Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới. Ôn cố tri tân, ông Hùng tâm niệm: Cái mới của hôm qua đến hôm nay sẽ thành cũ. Chúng ta cần không ngừng đổi mới để theo kịp nhu cầu cuộc sống...

Trong hành trình "khoán hộ", dẫu bộn bề khó khăn vướng mắc, đương thời Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc luôn nhất quán với một quan điểm: "Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ trên mảnh đất của mình". Sau hơn 50 năm, vẫn thấy nhiều điểm trùng hợp về đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp từ Nghị quyết 68 với các Nghị quyết của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về nông nghiệp, điển hình là Nghị quyết 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Khoán hộ vẫn còn những ưu điểm phù hợp bởi gắn quyền lợi với trách nhiệm, phát huy được trí tuệ của người nông dân, tạo năng suất vượt trội, nhưng ngày nay dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa, thay vì làm manh mún, nhỏ lẻ, những mô hình sản xuất quy mô lớn, tập trung được khuyến khích. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh ban hành theo hướng phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có lợi thế, có thị trường, tập trung ưu tiên hỗ trợ các ngành hàng chủ lực, theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và quy mô lớn, mô hình sản xuất áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, xanh sạch. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Như Ý phân tích thêm, cách làm của tỉnh không theo đại trà mà từ những mô hình điểm để tạo sự lan tỏa, chú trọng trồng cây rau quả chuyên canh, chăn nuôi, coi trọng chất lượng chứ không chạy theo số lượng, nhạy bén đáp ứng nhu cầu thị trường. Dẫn chứng câu chuyện nông dân nuôi bò sữa đi ăn cỗ cưới đến giờ phải vội về vắt sữa, ông Ý quả quyết, việc đào tạo cho họ tác phong chuyên nghiệp, sản xuất chuyên môn hóa cao chính là cú hích góp phần tạo sản phẩm chất lượng, giá bán sẽ cao, lợi nhuận tăng theo. Ngành nông nghiệp cùng cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực đã và đang là bạn đồng hành giúp nhiều nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Và để minh chứng, chúng tôi được đưa đi mục sở thị các mô hình chăn nuôi tiêu biểu. Trở lại thôn Thượng, xuất phát điểm của khoán hộ những ngày cuối năm này, không khí khẩn trương cán đích nông thôn mới, bộ mặt xã Tuân Chính ngày càng thay da đổi thịt. Mặc dù tuổi ngoài 70, ông Lê Xuân Khương vẫn xoay xở nuôi bò, lợn nái, ba ba, rắn, cá, trồng bưởi trong trang trại hơn 4.000 m2, năm nào cũng thu ngót tiền tỷ. Vợ chồng anh Lê Văn Trường, chị Bùi Thị Huyền ở xã Thượng Trưng (Vĩnh Tường) lập HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Trường Tùng, đầu tư hàng chục tỷ đồng vào trang trại 2,2 ha nuôi lợn, gà, thả cá. Dù đã xây bốn khu chăn nuôi lợn công nghiệp chuồng kín (có hệ thống làm mát mùa hè và sưởi ấm mùa đông) và một chuồng hở trang bị hiện đại, thức ăn sẵn do Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cao cấp Dabaco cung cấp, nắm chắc kỹ thuật nhưng các khâu chăm sóc rất cẩn thận, phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt bởi chăn nuôi vốn dĩ rủi ro cao. “Lợn ăn sạch, ở sạch mới cho thịt sạch, giữ được chữ tín với khách hàng. Người tiêu dùng rất tinh, hàng không ngon, họ từ chối ngay”, anh Trường tiết lộ. Hiện, trang trại đang chuyển hướng nuôi lợn giống, đỡ tốn công, lãi cao hơn và Tết này xuất chuồng 200 con lợn, hàng nghìn con gà, vài tấn cá.

Phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ để có nguồn lực lớn tái đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là hướng đi đúng đắn mà Vĩnh Phúc áp dụng. Thức thời, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cùng chính sách thông thoáng đã “trải thảm đỏ” thu hút hàng loạt doanh nghiệp FDI lớn và uy tín như Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio, Sumimoto... đến đầu tư, góp phần đưa Vĩnh Phúc liên tục trụ hạng ở vị trí tốp đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Riêng giai đoạn 2005- 2010, tỉnh thu hút 113 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 1,85 tỷ USD; 394 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 20.497,8 tỷ đồng. Tín hiệu đáng mừng là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 tăng cao hơn so với mức tăng của năm trước và tăng 6,79%, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên khó khăn và thách thức còn không ít.

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” - Lời Bác Hồ luôn đau đáu trong tâm mỗi cán bộ, đảng viên trên mảnh đất giàu truyền thống. Với hành trang là tinh thần không ngừng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tâm niệm ấy càng cần được nêu cao, thấm sâu vào tâm khảm những người được dân tin tưởng trao lên vai trọng trách gánh vác.

Cái mới của hôm qua đến hôm nay sẽ thành cũ. Chúng ta cần không ngừng đổi mới để theo kịp nhu cầu cuộc sống...

Tuấn Anh - Quách Hiền

Theo báo Nhân dân