Đổi mới tư duy, cởi trói cho kinh tế tư nhân cất cánh!
Lấy kinh tế tư nhân là trọng điểm, trụ cột phát triển kinh tế của đất nước là nội dung được nhiều chuyên gia đề cập đến tại Diễn đàn Vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam vừa diễn ra trước thềm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Dù hệ thống pháp luật, chính sách… khá đầy đủ nhưng kinh tế tư nhân khó phát triển vì quá trình đổi mới ở Việt Nam không đồng bộ… Hình ảnh một người dò dẫm bước đi trên chiếc cầu khỉ chênh vênh với túi đá lớn trên vai mà Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung từng ví von đã lột tả những khó khăn mà doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang phải đối mặt. Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp tư nhân Việt cần nhiều nỗ lực hỗ trợ thực chất và toàn diện để giải thoát khỏi những gánh nặng và vươn lên cất cánh.
Kinh tế tư nhân “chưa cất cánh”
Trong đóng góp vào tăng trưởng, khu vực KTTN đóng góp gần 40%, dần trở thành thành phần quan trọng, trở thành bộ phận lớn nhất trong tổng đầu tư, hiệu số đầu tư tăng trưởng của khu vực KTTN bằng 79,3% khu vực có vốn đầu tư nước ngoài…
Tuy nhiên, theo ông Chung, thực tế lại đang có sự bất bình đẳng giữa khu vực KTTN và KTNN (kinh tế nhà nước). Trong tư duy, KTTN vẫn chỉ là thứ yếu và chưa được coi trọng.
Khi áp dụng những chính sách hỗ trợ, chưa thực sự đi sâu vào đối tượng tham gia vào khu vực KTTN, chưa có sự phân tách rõ, do đó việc hỗ trợ không phát huy được hiệu quả như Chính phủ đã đề ra. Vai trò của tổ chức chính trị – xã hội chưa phát huy được hết tác dụng, tiếng nói chưa mang tính chủ lực để hỗ trợ KTTN phát triển.
Những người làm KTTN phải là người tham gia trực tiếp vào Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì tính hỗ trợ mới cao chứ bây giờ “VCCI như một cơ quan hành chính thì tiếng nói chưa cao. Đó là một trong những nguyên nhân các hiệp hội chưa phát huy được hết vai trò hỗ trợ KTTN”, ông Chung nêu ví dụ.
Bình luận về hỗ trợ phát triển KTTN hiện nay, Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chia sẻ: “Khi cái gì sắp mất, yếu hẳn đi thì mới thấy nó quan trọng. Khu vực KTTN khi mà nó yếu rồi thì mới được phân ngay là khu vực quan trọng. Lúc đó mới thấy nó quan trọng. Đó là cách nhận thức về vai trò của nền KTTN, bao nhiêu năm mới coi KTTN là động lực quan trọng”.
Theo ông Thiên, thể chế nào, nền kinh tế nào thì DN ấy. Ông cho rằng: Ta phải nói là 30 năm rồi mà thể chế kinh tế thị trường chưa được hoàn thiện… Trong khi đó, phân biệt đối xử nặng quá. Chúng ta hiện nay vẫn đang xử lý hỗ trợ khu vực KTNN, tập trung cứu khu vực này. Môi trường kinh doanh chưa công khai minh bạch thì thử hỏi làm sao KTTN đi lên được.
Kinh tế tư nhân bị phân biệt đối xử
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định Nhà nước có sự lạm dụng độc quyền, không thực hiện đúng vai trò của mình là giám sát để khắc phục khiếm khuyết của thị trường. Trong khi đó, Nhà nước các nước bao giờ cũng vậy, kể cả các nước tư bản, nhiệm vụ rất quan trọng là khắc phục khiếm khuyết của thị trường nhưng ở Việt Nam thì khiếm khuyết của Nhà nước, khiếm khuyết của thị trường cộng vào mà không khắc phục được thành ra càng nặng nề thêm khuyết tật trong nền kinh tế.
Dù hệ thống pháp luật, chính sách… khá đầy đủ nhưng kinh tế tư nhân khó phát triển được vì quá trình đổi mới ở Việt Nam không đồng bộ trên tất cả các mặt, cho phép khu vực tư nhân phát triển nhưng vẫn dựa vào khu vực kinh tế Nhà nước là chủ đạo và phân bổ 50% nguồn lực quốc gia cho nó dù doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm 0,02% tổng số doanh nghiệp. “Chúng ta sẵn sàng mở cửa thị trường hàng hóa, một số dịch vụ để tự do hóa nhưng thị trường quan trọng nhất là thị trường các nguồn lực thì Nhà nước nắm trong tay tất cả các nguồn lực quan trọng như đất đai, dầu mỏ, tín dụng, đầu tư công,… đa phần đều do Nhà nước kiểm soát”, bà Lan nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kế Tuấn, đại diện Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng phân biệt đối xử trong việc tiếp cận những nguồn lực sản xuất, điều kiện sản xuất đã tồn tại dai dẳng rất nhiều năm nay. Nhưng không phải mọi bộ phận trong kinh tế tư nhân đều bị phân biệt đối xử. Những “đại gia” có thể có những mối quan hệ đặc biệt nào đó vẫn nhận được sự ưu ái, những doanh nghiệp nhỏ, vừa, yếu thế trong khu vực kinh tế tư nhân thì bị phân biệt đối xử. Trên thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn, đất đai, tín dụng gặp khó khăn nguyên nhân chính từ vai trò của Nhà nước chậm đổi mới để thích ứng với điều kiện phát triển kinh tế thị trường.
Đẩy mạnh cải cách để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển
Nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân trong mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội dài hạn của Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch WB phụ trách Đông Á và Châu Á – Thái Bình Dương khẳng định, khu vực tư nhân phải phát triển mạnh mẽ, dẫn đầu trong nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là ưu tiên cải cách hàng đầu cần đạt được trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam giai đoạn từ nay tới năm 2035 và vai trò then chốt, tiên phong của kinh tế tư nhân trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng đã được khẳng định rõ trong Báo cáo Việt Nam 2035.
Theo bà Kwakwa, để thực hiện được mục tiêu trên, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, xóa bỏ các rào cản để giảm bớt các gánh nặng cho khu vực này.
“Kinh tế tư nhân đóng vai trò mạnh mẽ, nhưng thách thức hiện hữu là số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang hình thành và phát triển, song hoạt động rất mong manh trong bối cảnh hội nhập và cần phải được hỗ trợ. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải phát huy vai trò của mình, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân dẫn dắt nền kinh tế thị trường, phân định rõ giới hạn Nhà nước và thị trường, đặc biệt Nhà nước cần phải thay đổi để hướng đến kinh tế thị trường, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, vai trò kiến tạo hỗ trợ. Các mục tiêu cần được triển khai bằng chương trình hành động cụ thể, xóa bỏ những rào cản, vướng mắc và gánh nặng do doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động sản xuất- kinh doanh”, bà Kwakwa khuyến nghị.
TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW đến đầu năm 2016, nhìn lại một giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, vẫn cho rằng ông chưa thấy sự thay đổi về mặt tư duy để cải thiện chất lượng chính sách một cách thực chất ở ta. Theo ông, cải thiện tư duy mới chính là chìa khóa mấu chốt để cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công, để xây dựng Nhà nước kiến tạo, có môi trường cho doanh nghiệp sáng tạo.
Nặng gánh thuế phí, thanh kiểm tra Công bố gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, doanh nghiệp Việt đã và đang phải đóng góp tới 40,8% tổng lợi nhuận cho cơ quan nhà nước thông qua các loại thuế, lệ phí. Mặc dù Quốc hội và Chính phủ đã có yêu cầu các cơ quan quản lý và các địa phương cần tiến hành rà soát lại các loại thuế, phí để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, song theo kết quả khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tình trạng thuế phí đè nặng doanh nghiệp vẫn chưa hề giảm. Khảo sát của VCCI cũng chỉ ra một thực tế mà nhiều doanh nghiệp rất quan ngại là chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, các loại phí không chính thức trong việc thực hiện các quy trình thủ tục và tiếp nhận kiểm tra hành chính và thanh tra tỷ lệ thuận với quy mô của doanh nghiệp. Tính riêng 781 doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn trong năm 2014, tổng tài sản đã lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng, trong đó các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm 90%; vốn chủ sở hữu là 1.233.000 tỷ đồng, trong đó các tập đoàn nhà nước chiếm 65%, tổng công ty nhà nước chiếm 25,2%, khối công ty mẹ con chiếm 2,3%. |
Khánh An
DIỄN ĐÀN
"Cần hơn một môi trường bình đẳng"
Nếu như 30 năm trước, Đại hội Đảng lần thứ VI với đường lối Đổi mới được coi là nền tảng để khu vực kinh tế tư nhân phát triển như diện mạo ngày nay thì Đại hội Đảng XII với định hướng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế sẽ là bước đệm để khu vực kinh tế tư nhân cất cánh và đáp ứng trong cuộc chơi hội nhập. Định hướng này sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho kinh tế tư nhân mà đẩy mạnh đổi mới thể chế kinh tế là một giải pháp chủ đạo, bao quát nhất để phát huy nội lực của kinh tế tư nhân.
Trên tinh thần này, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch Đầu tư xây dựng dự án về Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thành lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những động thái này cho thấy rõ hành động của Chính phủ trong việc hỗ trợ và phát triển khối doanh nghiệp tư nhân để khối kinh tế này trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Ngay khi mới nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp với thông điệp bao trùm: “doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế”, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đây được coi là thông điệp lớn tới quyết tâm của Chính phủ cũng như Thủ tướng trong phát triển kinh tế tư nhân thời gian tới.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra một thực tế, chính sách có nhiều nhưng còn phân tán, thiếu minh bạch, doanh nghiệp khó tiếp cận, thực thi không đi vào cuộc sống. Rà soát các loại giấy phép con cho thấy với doanh nghiệp là rừng văn bản pháp lý, bản thân cơ quan nhà nước còn thấy khó. Thậm chí, một số bộ, ngành vẫn tiếp tục ban hành giấy phép con, điều kiện kinh doanh trong thông tư, do đó cần phải được rà soát thường xuyên để đảm bảo tính nhất quán. Ngoài sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, kinh tế tư nhân cũng rất cần được mở ra nhiều cơ hội, được cạnh tranh công bằng và nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước. Để đóng góp vào sự thúc đẩy và phát triển của thành phần kinh tế tư nhân, chúng ta cần làm tốt hơn dịch vụ hành chính công đối với các doanh nghiệp, phục vụ hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân trong quá trình phát triển.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh rằng, thực thi chính sách hết sức quan trọng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các giải pháp hỗ trợ về vốn, khoa học công nghệ… cho kinh tế tư nhân. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Bán lẻ Phú Thái kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam cho rằng, sự phát triển của kinh tế tư nhân không phải nhờ vào một văn bản, một nghị định mà là sự đồng thuận trong môi trường kinh doanh, môi trường chính sách đối với hoạt động đầu tư – kinh doanh.
Doanh nghiệp có thể tự đi, tự lớn nhưng nếu môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, bình đẳng trong các tiếp cận với các lợi thế kinh doanh, nguồn vốn… thì bài toán hiệu quả kinh tế, tận dụng tối đa các nguồn lực kinh tế sẽ có lời giải tốt. Đội ngũ doanh nghiệp thì vẫn luôn tin tưởng, kỳ vọng và mong mỏi được đối xử công bằng và tạo nhiều cơ hội hơn để có thể phát triển từ đó có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước và xã hội như lời bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty Traphaco chia sẻ: “Nhà nước hãy tạo động lực cho chúng tôi, chúng tôi sẽ phát triển, vươn lên và tạo ra nhiều của cải, cũng như đóng góp nhiều hơn cho xã hội”.
Quốc Huy
BÌNH LUẬN
Chúng ta đã nói quá nhiều mà làm quá ít!
Việt Nam không thể phát triển được với hàng triệu doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Chúng tôi rất ủng hộ nhưng trong kinh tế thì rất cần những tập đoàn lớn của người Việt Nam. Thực tế là những chính sách hỗ trợ DN tư nhân, chúng ta đã nói quá nhiều và làm quá ít, khoảng cách còn xa “từ miệng đến tay”. Nên DN tư nhân ngày càng có xu hướng “còi cọc” mà “không chịu lớn”. Ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định.
Có một thực trạng chung ở nền kinh tế Việt Nam là khối kinh tế tư nhân đang tập hợp lực lượng đông nhất, giải quyết công ăn việc làm và đóng góp tăng trưởng GDP với tỷ trọng lớn, nhưng đây vẫn là khối “con ghẻ” và có phần bị phân biệt đối xử bởi cơ chế, chính sách so với sự ưu ái dành cho khối doanh nghiệp công (Doanh nghiệp Nhà nước), hoặc thậm chí với khối FDI (doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài).
Khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày càng èo uột cho dù hệ thống luật pháp được thiết kế cho họ là tương đối tốt. Vì sao? Chúng ta nói quá nhiều và làm quá ít. Hãy cố gắng làm được như những gì chúng ta nói, 50%- 70% thôi. Đừng nói nữa, hãy làm đi, làm theo đúng những gì Chính phủ tuyên bố, bộ ngành đã ghi. Vậy nên hãy làm và nói vừa phải, còn hơn nói nhiều mà chẳng làm bao nhiêu.
Cải thiện môi trường kinh doanh không phải là việc Chính phủ đang hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ “ban ơn” cho doanh nghiệp, mà còn là việc Chính phủ và Nhà nước đang làm cho chính mình. Khu vực doanh nghiệp tư nhân cần trở thành động lực chính phát triển kinh tế Việt Nam. Đã đến lúc, chúng ta phải coi kinh tế tư nhân là động lực, chứ không thể nói là một trong những động lực được nữa./.
DƯ LUẬN
GS.TS Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm kinh tế châu Á – Thái Bình Dương:
Phải xây dựng các thể chế về kinh tế để phát triển mạnh mẽ hơn nữa kinh tế tư nhân. Đại hội Đảng toàn quốc vừa rồi đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, đó là bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn ra thế giới chúng ta thấy, các quốc gia đều xác định doanh nghiệp tư nhân là chủ lực của nền kinh tế. Ta mới chỉ xem là “động lực quan trọng” thì chưa đủ để cạnh tranh với “chủ lực” của họ. Do đó, ngay từ bây giờ phải có giải pháp, chính sách đổi mới mạnh mẽ để đưa kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Nếu chúng ta không đổi mới thì sẽ thua thiệt và thất bại.
Ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế:
Đánh giá chính xác thực trạng KTTN ở Việt Nam, không nên lạc quan và cũng không nên đưa ra một bức tranh sai sự thật. Phải nhìn ra thể chế của chúng ta đã có nhiều cải cách nhưng còn nhiều khuyết điểm: bội chi quá cao, thu rất lớn. Có những ông cục trưởng, cục phó phát biểu hoàn toàn trên trời. Vì vậy, phải đặt KTTN trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh, liên kết chuỗi giá trị quốc tế, nếu đặt KTTN tách rời hội nhập thì không có khả năng sống sót.
Ông Bùi Kiến Thành, Chuyên gia kinh tế:
cần xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp trong nước phát triển được nội lực của mình. Trong đó cần ban hành những chính sách hướng tới những lĩnh vực và các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang còn yếu. Làm được điều này, khối doanh nghiệp mới có thể hội nhập, giữ vững thị trường nội địa, không còn cảnh đi làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư. Việt Nam muốn phát triển, ngay từ năm nay phải tìm cách thoát khỏi tình trạng 70% kim ngạch xuất khẩu nằm trong tay khối doanh nghiệp FDI. Để tình trạng này lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền kinh tế đất nước.
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia Kinh tế:
Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam tồn tại được đến bây giờ là do nhu cầu tự thân của nó, dù chèn ép đến mấy cũng vẫn phát triển được. Nhưng không may ở Việt Nam là trong cái khôn lên để tự mưu sinh lại một phần là nhờ quan hệ, và như vậy lại gây thêm sự méo mó trong thị trường. Từ đó để thấy rằng Chính phủ rất cần là Chính phủ phục vụ, tạo thuận lợi cho DN phát triển. Hệ thống luật pháp phải đi theo hướng đó./.