Đón làn sóng đầu tư Mỹ
"Nếu nhà đầu tư Mỹ đến, cả bí thư Thành ủy và chủ tịch UBND TP HCM sẵn sàng chào đón, hỗ trợ" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tại hội nghị "Gặp gỡ Hoa Kỳ"
Ngày 7-6, tại TP HCM, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Mỹ và Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Mỹ (Amcham) tổ chức hội nghị "Gặp gỡ Hoa Kỳ".
Chưa tương xứng tiềm năng
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết từ khi có Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) năm 2000, kim ngạch thương mại 2 nước đã có sự tăng trưởng vượt bậc và đạt hơn 47 tỉ USD vào năm ngoái. Con số này vẫn chưa tương xứng tiềm năng, vẫn còn quá nhiều cơ hội chưa được tận dụng và làm sao tận dụng triệt để hơn nữa cơ hội thúc đẩy giao thương với Mỹ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến cuối tháng 5-2017, các nhà đầu tư Mỹ đã rót hơn 10,2 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Mỹ hiện đứng thứ 9 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá con số này cũng chưa xứng với tiềm năng và lợi thế giữa 2 nước.
Các nhà đầu tư trao đổi tại hội nghị “Gặp gỡ Hoa Kỳ” Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, nhìn nhận Mỹ là thị trường có tiềm lực rất lớn nhưng đầu tư vào Việt Nam thật sự chưa tương xứng. Nhà đầu tư Mỹ có tiềm lực tài chính, nhiều quỹ đầu tư tài chính, ngân hàng lớn và nắm giữ công nghệ nguồn, trình độ quản trị hàng đầu… Do đó, việc các DN Mỹ đầu tư vào Việt Nam có thể nhắm vào thị trường nội địa Việt Nam cũng như các thị trường khác trong khu vực nhằm tận dụng chi phí lao động thấp, thị trường rộng lớn và hưởng nhiều ưu đãi.
"DN Mỹ sẽ được lợi nhiều hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Trong thời gian tới, quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ được đẩy mạnh sẽ giúp các cơ hội đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng nhanh và chúng tôi hy vọng có làn sóng đầu tư mới của nhà đầu tư Mỹ trong thời gian tới" - ông Nguyễn Nội nói.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết trong chuyến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ mới đây, một trong những nội dung chính được đề cập tại hội đàm giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước là kinh tế, thương mại và đầu tư. Cả Việt Nam và Mỹ đều cam kết kiến tạo việc làm, giảm thâm hụt thương mại để 2 bên cùng có lợi.
Hỗ trợ tối đa
Nhiều ý kiến tại hội nghị kỳ vọng với những cải cách mạnh mẽ của Việt Nam trong thời gian qua sẽ thu hút làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Mỹ. Việt Nam mong muốn Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư hàng đầu. Theo ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, Việt Nam đang tiếp tục đổi mới thể chế, đổi mới DN nhà nước và khuyến khích khu vực DN tư nhân phát triển. Việt Nam khuyến khích thu hút dòng vốn FDI, trong đó mong muốn DN Mỹ đầu tư nhiều hơn.
"Nền kinh tế Việt Nam còn đang trong quá trình đổi mới nên nhiều DN Mỹ vẫn ở giai đoạn tìm hiểu nhưng tôi nghĩ giờ là lúc nhà đầu tư Mỹ nên đến Việt Nam để tận dụng thị trường rộng lớn, nhất là khi Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do với nhiều khu vực kinh tế như ASEAN, EU, liên minh kinh tế Á - Âu…" - ông Phát phân tích.
Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo Amcham nhận xét nhiều DN Mỹ đánh giá cao những cải cách của Việt Nam về môi trường kinh doanh, đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN hoạt động trong thời gian qua. Chẳng hạn Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN, giảm thủ tục hành chính rườm rà… cũng được cộng đồng DN Mỹ tại Việt Nam đồng tình.
Ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho rằng thời gian qua, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được các DN Mỹ rất coi trọng khi xây dựng mối quan hệ với các địa phương. Các DN muốn bảo đảm sân chơi công bằng, quyền sở hữu trí tuệ, cải cách thủ tục hành chính… cần được cải cách ở góc độ toàn quốc. Các nhà đầu tư Mỹ cũng cần dịch vụ tiên tiến để kết nối chuỗi giá trị của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu nên việc cải cách của từng địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng.
"Chúng tôi đang cố gắng đàm phán nhằm có thể giải quyết các rào cản thương mại song phương giữa 2 nước. Dù không còn tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng không có nghĩa Mỹ rút khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà sẽ tiếp tục hợp tác kinh tế với khu vực này. Chúng tôi cũng đang tiếp tục những bước tiếp theo để công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam" - bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP HCM, nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng những DN Mỹ đang có ý định nghiên cứu, tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam lúc này là đúng cả thời điểm và địa điểm bởi Việt Nam có những đối tác tích cực, môi trường chính trị ổn định… Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam mong muốn hợp tác với Mỹ để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. DN Mỹ với lợi thế sở hữu công nghệ cao, năng lực quản trị chuyên nghiệp có thể tận dụng được nguồn nhân công giá rẻ ở Việt Nam. Chi phí nhân công ở Việt Nam 3 USD/giờ trong khi ở Mỹ DN sẽ phải trả tới 30 USD/giờ. Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật đã thấy lợi thế này và họ đầu tư rất nhiều vào Việt Nam. "Không có lý do gì để DN Mỹ chần chừ đầu tư vào Việt Nam thời điểm này. Nếu nhà đầu tư Mỹ đến, cả bí thư và chủ tịch TP HCM đều sẵn sàng chào đón, hỗ trợ" - Bí thư TP Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Nhiều lĩnh vực chờ đầu tư
Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam mong muốn DN Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực đang được khuyến khích như xây dựng TP thông minh, năng lượng, môi trường, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, y tế, giáo dục…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Cao Đức Phát nhận định Việt Nam là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, có nhiều mặt hàng như cà phê, cao su đạt sản lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng chủ yếu là xuất thô, giá trị gia tăng thấp. Do đó, Việt Nam khuyến khích DN Mỹ đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản để nâng giá trị gia tăng, tham gia sản xuất giống (cây giống, con giống) cho ngành chăn nuôi, nông sản, thủy sản… Tiềm năng và dư địa đầu tư vào các lĩnh vực này còn rất lớn.