Đồng bằng sông Cửu Long: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
25 Tháng 6, 2014
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với nhiều thế mạnh vốn có như các mặt hàng nông thủy sản đa dạng, dồi dào; giá đất, giá nhân công rẻ; cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông đang được cải thiện và đầu tư mạnh, đặc biệt là lợi thế riêng về hệ thống giao thông đường thủy, có nhiều trục đường kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM),... đã tạo ra những cơ hội thu hút đầu tư rất lớn.
Cần chiến lược liên kết vùng
Phát biểu tại hội nghị “Giới thiệu môi trường đầu tư vùng ĐBSCL” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với 13 Trung tâm Xúc tiến Thương mại - đầu tư - du lịch của 13 tỉnh ĐBSCL tổ chức ngày 22/5/2014 tại TPHCM vừa qua, ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM nhận định: cơ hội thu hút đầu tư từ các công ty Nhật Bản của vùng ĐBSCL là rất lớn. Lĩnh vực đầu tư hứa hẹn nhất cho vùng ở thời điểm hiện tại là công nghiệp chế biến, sẽ tận dụng tối đa lợi thế về các mặt hàng nông thủy sản của vùng như gạo, trái cây, tôm, cá... Tuy nhiên, hiện nay vùng đang đối mặt nhiều thách thức lớn cần vượt qua như công nghệ và máy móc dùng cho sản xuất, thu hoạch và chế biến của ngành nông thủy sản còn rất lạc hậu, tỷ lệ cơ giới hóa còn quá thấp so với nhu cầu.
Vấn đề hàng đầu tạo nên sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư là hoàn thiện cơ sở hạ tầng như: KCN, giao thông, hệ thống cấp điện… nhưng tại vùng ĐBSCL tiến trình này còn chậm, thiếu đồng bộ… Thêm vào đó, lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và sản xuất nguyên vật liệu hầu như chưa có gì, tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu sản xuất trong khu vực còn thấp, nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ chưa đáp ứng kịp nhu cầu nhà đầu tư.
Mặt khác, thủ tục hành chính cũng còn rườm rà, thời gian thực hiện lâu, đa số các công ty Nhật Bản mong muốn các địa phương thúc đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế một cửa một dấu nhằm rút gọn tối đa thủ tục và loại bỏ hết các giấy tờ không cần thiết, giải quyết vấn đề nhanh gọn cho doanh nghiệp. Các công ty Nhật Bản hiện cũng quan tâm nhiều đến việc thiếu hụt nhân lực cấp cao ở hầu hết các lĩnh vực và mong muốn có một hệ thống tín dụng mềm dẻo và linh hoạt cho vay với lãi suất 1 – 3% để khuyến khích đầu tư.
Cũng theo Ông Yasuzumi Hirotaka, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang tham gia đàm phán mang lại ý nghĩa to lớn cho vùng, nhưng vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, cũng như truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm là những điều kiện tiên quyết cần sớm có giải pháp, đồng thời cũng cần ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng và thêm giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông thủy sản.
Các công ty Nhật Bản đang thận trọng tiếp cận từng bước để tiến đến hợp tác toàn diện với doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam, trong đó có vùng ĐBSCL. Điều này mở ra cơ hội xây dựng, phát triển những mối quan hệ kinh doanh với đối tác cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và bền vững cho các dự án đầu tư ở Việt Nam.
Vùng ĐBSCL cần phải có những giải pháp thiết thực, tận dụng lợi thế và tiềm năng để thu hút vốn, công nghệ, phương thức quản lý tân tiến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để cải thiện môi trường đầu tư và có chiến lược phù hợp để nắm bắt cơ hội đầu tư. Vì thế, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần phải đoàn kết lại thành một thể thống nhất để hành động đạt hiệu quả cao hơn và cần duy trì những giải pháp nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Cơ hội nào cho vùng ĐBSCL
Theo ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), để có thể thu hút nhiều hơn vốn FDI từ các công ty Hoa Kỳ, vùng ĐBSCL cần tận dụng mạng lưới kết nối trực tuyến để thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp về môi trường đầu tư cũng như các chính sách thu hút đầu tư của vùng.
Các chuyên gia khác đánh giá, một số ngành sản xuất dây chuyền mà vùng ĐBSCL có thể đáp ứng rất tốt như: may mặc, sản xuất xe hơi, sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ... Đặc biệt là cơ khí và chế tạo cho ngành nông sản, thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi... Đây là những ngành có tiềm năng mà từng tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL có thế mạnh và cần phải tận dụng phù hợp cho từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp thiết yếu tại vùng ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong việc làm bàn đạp hỗ trợ cho những ngành công nghiệp khác phát triển theo hướng hiện đại.
Nên hành động nhiều hơn
Trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI thành phố Cần Thơ cho biết, Chính phủ Việt Nam cũng như lãnh đạo các tỉnh thành ĐBSCL đang có những hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư. Môi trường đầu tư, kinh doanh ở ĐBSCL cũng đang được cải thiện mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của cả vùng ĐBSCL đã được cải thiện mạnh từ năm 2010 – 2013.
ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và những ngành sử dụng nhiều lao động. Để việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ĐBSCL có hiệu quả, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, điều cấp bách cho ĐBSCL lúc này là các địa phương cần thay đổi cách làm mới, năng động với những chính sách hấp dẫn; cần phải gấp rút hành động dựa trên một chiến lược cụ thể, mục tiêu rõ ràng và phải kiên định với mục tiêu đó.
Bích Thủy