Đồng bằng sông Cửu Long: Thu hút làn sóng đầu tư mới
Địa điểm mới để đầu tư vào Việt Nam
Ngày 20-11, tại Cần Thơ diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư vào ĐBSCL, thu hút hàng trăm đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực, các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia, Lào, Singapore, Campuchia... đến dự.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng việc thu hút đầu tư vào ĐBSCL thời gian qua có dấu hiệu khởi sắc; trong đó lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) từ năm 1988 - 2014 có 979 dự án, bằng 5,5% so với cả nước, vốn đăng ký đạt 12,2 tỷ USD, bằng 4,8% so với cả nước. Tập trung chủ yếu ở Long An gần 35%, Tiền Giang 10%, Kiên Giang 26,5%, Cần Thơ 7,5%... Vài năm gần đây, ĐBSCL ngày càng có nhiều thay đổi, xuất hiện nhiều lợi thế mới, đang là điểm đến của các nhà đầu tư. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ, nhận định: "ĐBSCL đang là địa điểm mới đầu tư vào Việt Nam". Ông Võ Hùng Dũng dẫn chứng cụ thể: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của cả vùng được cải thiện mạnh kể từ năm 2010 trở đi. Trung bình có 2 - 3 tỉnh trong vùng nằm trong tốp 5, có từ 4 - 5 tỉnh nằm trong tốp 10. Năm 2013 và 2014 đã giữ được mức ổn định của các năm trước. Năm 2014 : Đồng Tháp xếp thứ 2, Long An xếp thứ 7, Kiên Giang xếp thứ 9, Cần Thơ xếp thứ 15/63. Cơ sở hạ tầng giao thông, điện được cải thiện nhanh chóng. Môi trường kinh doanh năng động, thân thiện của chính quyền, an ninh và an toàn cho nhà đầu tư. Thị trường 18 triệu dân, lực lượng lao động dồi dào (10 triệu người), chi phí lao động thấp...".
Nền tảng nông nghiệp vững chắc và cho phép phát triển những ngành phát sinh từ nông nghiệp: công nghệ sinh học, cơ khí và dịch vụ nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Xuất hiện một số ngành mới như IT, điện gió, một số ngành đang có tốc độ mức đầu tư nhanh như may mặc. Đặc biệt, sự xuất hiện của khu vực Phú Quốc trong bản đồ du lịch quốc gia. Có thêm nhiều cơ sở giáo dục - đào tạo tại Cần Thơ và một số tỉnh. Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc vừa hoạt động sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam
Các tỉnh, thành ĐBSCL đang kêu gọi đầu tư vào 74 dự án trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, dịch vụ, hạ tầng khu công nghiệp… với tổng nguồn vốn hơn 4 tỷ USD. Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài thừa nhận, ĐBSCL đang hấp dẫn để đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông thủy sản, cơ khí phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng, vận tải, logistics… Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM cho rằng, môi trường đầu tư ở Việt Nam ngày càng được cải thiện. Riêng ĐBSCL có hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, rút ngắn thời gian di chuyển nên nhiều công ty Nhật Bản đang nhắm đến vùng đất này.
Theo ông Yasuzumi Hirotaka, ngoài các tập đoàn lớn thì các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản hàng năm đầu tư vào Việt Nam tăng khá mạnh. Nhìn toàn châu Á thì giá nhân công ở Trung Quốc, Thái Lan tăng nhiều nên nhà đầu tư Nhật Bản rút đi và tìm đến thị trường khác. Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu. Thống kê sơ bộ cho thấy, 25% doanh nghiệp Nhật Bản sau khi rút khỏi Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam. Lợi thế lao động dồi dào, giá rẻ, chịu khó của Việt Nam hơn Lào, Campuchia. Về số ngày nghỉ hàng năm, Việt Nam vẫn tốt hơn cho nhà đầu tư vì chỉ có 10 ngày trong khi Myanmar là 18 ngày, Campuchia 20 ngày…
Tuy nhiên, các chuyên gia và các nhà đầu tư nước ngoài chỉ ra những điểm yếu của ĐBSCL cần phải tập trung cải thiện. Đó là nhà đầu tư thiếu thông tin về cơ hội, chính sách đầu tư; thiếu hụt nhân công có tay nghề; biến đổi khí hậu, môi trường; dịch vụ hỗ trợ, công nghiệp hỗ trợ còn yếu. Còn nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn chưa biết ĐBSCL là vùng nông nghiệp trù phú, có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp…
Theo Sài gòn giải phóng online ngày 21/11/2015