Dòng chảy kiến tạo
Một quyết định còn để lại nhiều dư âm: Sau hơn hai tuần tiến hành rà soát, Bộ Công Thương đã quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Quyết định mang "độ rung" mạnh mẽ này không chỉ dừng ở số các điều kiện lớn chưa từng có được cắt giảm (cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh); mà nằm ở chính sự thông thoáng của quyết định mang lại cho môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Đây thực sự là điểm nhấn đậm nét trong nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo. Nói một cách hình ảnh, có thể ví von rằng đây là “nguồn nước” mang nhiều sinh khí trong dòng chảy kiến tạo chung.
Dòng chảy kiến tạo chung đã được kế thừa, thực hiện một cách mạnh mẽ, liên tục trong suốt thời gian qua. Theo chiều dọc, đó là dòng chảy từ “thượng nguồn” với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28-4-2016, về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016, về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Để đôn đốc, thúc đẩy quá trình thực hiện, ngày 6-6-2017, Thủ tướng Chính phủ lại có Chỉ thị số 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016, theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Theo chiều ngang, đó là dòng chảy “phân nhánh” với những chuyển động rõ nét của các bộ, ngành, địa phương. Tại Hà Nội, ngay sau Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thủ đô, nhằm cụ thể hóa một bước yêu cầu Nghị quyết Đảng bộ đặt ra về cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất - kinh doanh trên địa bàn, Thành ủy Hà Nội đã ban hành các chương trình công tác số 03-CTr/TU về Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020; 08-CTr/TU về Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020.
Với quyết tâm xây dựng chính quyền phục vụ, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều cách làm mới. Năm 2017 được Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương hành chính”, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ đó, Hà Nội đã đạt được những kết quả thật ấn tượng, như khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển" ngày 25-6, thu hút sự tham gia của hơn 600 nhà đầu tư, doanh nghiệp: Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nội đã nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nỗ lực này được thể hiện rõ qua những chỉ số của Hà Nội được xếp hạng trong nhóm tốt nhất Việt Nam như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc; Chỉ số cải cách hành chính tăng 6 bậc...
Với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện” để phục vụ doanh nghiệp và người dân, Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của thành phố; xây dựng mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện với phương châm “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm). Thành phố cũng đang hướng tới cung cấp các dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành lại các thủ tục, qua đó bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, giảm đáng kể thời gian thực hiện. Có đơn vị giảm được 20-60% thủ tục hành chính cũng như thời gian thực hiện. Và một trong những thông điệp quan trọng được người đứng đầu chính quyền thành phố tái khẳng định tại Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển" là: Hà Nội sẽ tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác và phát triển.
Cùng với những chuyển động theo chiều dọc - từ “thượng nguồn”, theo chiều ngang - các dòng “phân nhánh”, dòng chảy kiến tạo đã và đang hình thành những mạch ngầm mạnh mẽ. Tất cả cho thấy quan điểm coi trọng phát triển môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, từ đó hình thành xã hội khởi nghiệp.
Đó cũng là yêu cầu tất yếu của sự phát triển.
Công cuộc đổi mới đất nước với nhịp độ phát triển mới đang đặt ra những yêu cầu mới, trong đó cần khơi thông, sử dụng hiệu quả dòng vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dòng chảy kiến tạo vừa phải song hành vừa là môi sinh cho dòng chảy về vốn, từ đó chuyển nguồn lực vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Đây cũng là đường hướng, giải pháp đã được nêu ra tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Quá trình hội nhập, phát triển cũng tất yếu đặt ra đòi hỏi chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh. Đặc biệt, việc xây dựng, thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh phải đồng bộ hóa với hệ thống luật pháp cũng như tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Quay trở lại chuyện cắt giảm thủ tục, Bộ Công Thương cùng tất cả bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, kiên quyết loại bỏ những rào cản về thủ tục đối với cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động khởi nghiệp. Đồng thời, không chỉ loại bỏ cơ học (các điều kiện), cơ quan cung cấp dịch vụ hành chính công cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hiện hữu và nâng cao chất lượng phục vụ. Quan trọng hơn, cần xác lập những thủ tục, cơ chế có ý nghĩa tạo môi sinh, khuyến khích đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt là cần dứt khoát loại khỏi bộ máy những cán bộ quan liêu, có hành vi hạch sách, nhũng nhiễu...
Dòng chảy kiến tạo mạnh mẽ, đồng bộ theo trục dọc, theo chiều ngang với các mạch ngầm tất yếu tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, một môi trường thuận lợi cho mọi hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, đóng góp tích cực cho tăng trưởng.