The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đồng Nai: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Chủ trì hội nghị trực tuyến với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, vào ngày 17-5-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều nội dung mới và mang tính cụ thể, như: “Một năm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (DN) không quá một lần”, “Coi năm nay là năm giảm chi phí đến mức thấp nhất cho DN”, “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng hành cùng DN”…

Đây được xem là “Hội nghị Diên Hồng” giữa Thủ tướng với DN lần thứ 2 (lần 1 diễn ra vào ngày 29-4-2016). Đặc biệt, hội nghị lần này có sự tham dự đông đảo các DN nhất từ trước đến nay, với trên 2.000 DN đại diện cho cộng đồng DN trong cả nước.

Tác động của Nghị quyết số 35

Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng DN Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Tại hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển DN.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các điểm mới trong Nghị quyết số 35 đã có tác động rất lớn đến bộ máy cơ quan nhà nước các cấp, không chỉ cơ quan hành pháp mà kể cả hệ thống tư pháp. Kết quả ghi nhận, nhiều DN gặp thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính. Kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng hay giải quyết thủ tục hành chính cho DN theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho DN, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ. Theo kết quả khảo sát của VCCI, sau một năm thực hiện, cả nước có 75% DN đã nhận thấy tác động của các nhóm nhiệm vụ, giải pháp từ Nghị quyết. VCCI đúc kết, điều DN cần nhất là được hỗ trợ về quản trị, kế đến là tài chính, chi phí thành lập DN.

Vấn đề đáng quan tâm được Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam chỉ ra là các khoản chi phí không chính thức phát sinh trong giải quyết các thủ tục hành chính. Một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi DN, không coi DN là đối tượng phục vụ. Do đó, DN phải “chung chi”. Một bộ phận DN nhận thức không đúng về kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh nên cạnh tranh bằng quan hệ, dùng chi phí không chính thức… Một số khác do bị sức ép từ các công chức nên phải “chi” để được việc mặc dù nhận thức được việc làm này là không đúng, vi phạm pháp luật. Nhưng vì sự tồn tại, DN miễn cưỡng thực hiện. Để khắc phục được hạn chế này thì cần sự chung tay từ hai phía là cơ quan Nhà nước và DN.

Chuyển lời nói thành hành động

Mở đầu cho phần kết luận và chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về “Tinh thần chuyển lời nói thành hành động”. Thủ tướng chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra DN phải có sự kết hợp, kiểm tra nhiều nội dung trong một lần và một năm không quá một lần. Thủ tướng nói: DN hãy yên tâm, Chính phủ kiến tạo phải đảm bảo xây dựng môi trường kinh doanh tốt để DN tự do sáng tạo, an toàn; chi phí giao dịch thấp, rủi ro thấp. Các DN, hiệp hội cần góp ý xây dựng, tổ chức thực thi chính sách, khắc phục tình trạng tồn tại về thuế, phí không chính thức cao, hiện tượng “cò” làm thủ tục hành chính cho DN.

Chính phủ cam kết thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là kiến tạo môi trường: môi trường chính trị, tinh thần thượng tôn pháp luật. Từ Trung ương đến địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, không được gây khó khăn cho DN. Chủ tịch, bí thư các tỉnh, thành các địa phương phải đồng bộ thực hiện trên tinh thần hết lòng vì DN. Tạo môi trường mà ở đó giúp DN hưởng lợi một cách bình đẳng công bằng, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, xóa bỏ sự ưu ái. Chính phủ tiếp tục rà soát quy định, thực hiện các giải pháp giảm chi phí cho DN về thuế, kiểm thẩm định, giao thông.

Năm nay là năm giảm phí cho DN, thúc đẩy phát triển thị trường đồng bộ cả về lao động, tài chính, khoa học công nghệ. Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam, tối ưu hóa khoa học công nghệ, hạ tầng thông minh, kết hợp tối ưu các nguồn lực, chính sách; xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam với tâm thế hàng Việt Nam chất lượng cao, tự tin chinh phục thị trường Việt Nam; không cho phép sự yếu kém về quản trị.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, để làm được các điều đó, cần sự đồng lòng, đồng tâm của tất cả DN, cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bộ, ngành, địa phương trên tinh thần phục vụ DN. Tăng cường bảo vệ quyền và tài sản, tự do kinh doanh của DN. Muốn đất nước giàu mạnh thì dân phải giàu, DN phải phát triển bền vững. Thủ tướng cũng tin tưởng DN sẽ đóng góp làm rực sáng cho kinh tế Việt Nam.

C.Trúc

Báo Đồng Khởi