The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đồng Nai: Quyết liệt cải thiện các chỉ số đánh giá cấp tỉnh

Nhiều chỉ số đánh giá cấp tỉnh năm 2021 của Đồng Nai đã giảm sút so với năm 2020 và những năm trước đó. Những chỉ số này đều được coi là “bộ mặt” của tỉnh, trong đó có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).
Công chức xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của xã. Ảnh: C.Nghĩa
Công chức xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của xã. Ảnh: C.Nghĩa
Thường trực Tỉnh ủy vừa làm việc để nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các sở báo cáo rõ nguyên nhân vì sao có sự giảm sút mạnh các chỉ số nói trên.
* Nhìn thẳng để khắc phục
Năm 2021, chỉ số PCI của Đồng Nai đã giảm, xếp vị trí 22/63 tỉnh, thành (giảm 2 bậc so với năm 2021); chỉ số PAR Index xếp thứ 55/63 tỉnh, thành (giảm 21 bậc so với năm 2020). Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp chỉ số PAR Index của tỉnh giảm về thứ hạng. Đối với chỉ số PAPI, năm 2021 vẫn ở nhóm tỉnh, thành xếp hạng trung bình thấp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng: “Muốn biết chính quyền phụng sự nhân dân và doanh nghiệp (DN) tốt hay chưa thì có thể nhìn thấy rõ ở kết quả 3 chỉ số đánh giá nêu trên. DN sẽ nhìn vào những chỉ số này để đưa ra quyết định có đầu tư, đặc biệt các DN đầu tư nước ngoài và cả những DN trong nước đều rất coi trọng xếp hạng của các chỉ số nói trên”.
Dẫn chứng một câu chuyện cụ thể về thái độ của một số cán bộ, công chức, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho hay: “Một DN muốn xin thông tin quy hoạch của TP.Biên Hòa, nhưng khi xuống gặp một trưởng phòng thì không xin được, tìm trên mạng không có. Lý do cán bộ không cung cấp là vì phải hỏi ý kiến của lãnh đạo, cho đến khi Bí thư Tỉnh ủy can thiệp thì mới được giải quyết”.
Bên cạnh đó, còn diễn ra tình trạng “cò” hồ sơ tại bộ phận một cửa. Trong khi người dân đến cơ quan nhà nước 3 ngày không được giải quyết hồ sơ, phải gọi điện “méc” Bí thư Tỉnh ủy mới được giải quyết thì lại có những “cò” hồ sơ lanh lẹ giải quyết một lúc cả chục bộ hồ sơ.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, có 1 ngàn DN, nhưng chỉ làm hài lòng 900 DN thì cũng chưa phải là làm tròn trách nhiệm phụng sự của mình. Giải quyết hồ sơ không chỉ dừng lại ở mức độ xong là được, mà phải đặt ra yêu cầu cao hơn, đó là phải luôn làm hài lòng người dân và DN.
Còn Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, 3 chỉ số PCI, PAR Index và PAPI là những chỉ số đánh giá có tính khoa học, tất nhiên vẫn có sự sai sót nhất định. Do đó, phải nhìn nhận thẳng vào sự thật, so với tỉnh mình thì tự nhận thấy mình tốt nhưng so với các tỉnh khác thì lại thấy tỉnh mình thấp. Phải thẳng thắn nhìn nhận lại, không được đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan. Cần xây dựng kế hoạch cụ thể khắc phục cho từng tiêu chí đánh giá còn thấp trong các chỉ số gắn với trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương, người đứng đầu. Nếu sở, ngành, địa phương không khắc phục được thì phải xử lý trách nhiệm chứ không thể chung chung mãi.
* Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Nhiều tồn tại cùng những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của chỉ số đánh giá cấp tỉnh đã được UBND tỉnh chỉ đạo phân tích làm rõ. UBND tỉnh đã đề ra một loạt các giải pháp để cải thiện trong năm 2022.
Ông Thái Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Long Thành (H.Long Thành) cho biết, nhiều nhà đầu tư lớn đã chuyển sang tỉnh khác đầu tư do không thể chờ đợi thuê đất mở nhà máy tại Đồng Nai
Ông Thái Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Long Thành (H.Long Thành) cho biết, nhiều nhà đầu tư lớn đã chuyển sang tỉnh khác đầu tư do không thể chờ đợi thuê đất mở nhà máy tại Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa
Cụ thể, các sở, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát các tồn tại trên các lĩnh vực thuộc trách nhiệm theo dõi, quản lý chưa đạt yêu cầu đề ra; xác định nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể để khắc phục. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo điều hành công tác cải cách hành chính.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Ái Liên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở sẽ tăng cường kiểm tra cải cách hành chính, công vụ, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại. Triển khai hiệu quả Đề án Đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhất là công tác số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đảm bảo tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính kịp thời, đạt tỷ lệ trên 97% và thực hiện xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn.
Còn Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, Sở sẽ tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, có tính cạnh tranh, qua đó tạo động lực mới mạnh mẽ cho phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục, cải cách thủ tục hành chính, giảm tối đa chi phí cho người dân, DN; tăng cường xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, phải bằng mọi nỗ lực xoay chuyển được xếp hạng các chỉ số đánh giá cấp tỉnh trong năm 2022. Muốn làm tốt công tác cải cách hành chính thì yếu tố con người là quan trọng hơn cả. Ngoài tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cần lưu ý, cán bộ trực ở các bộ phận một cửa, phải chọn những người có quy hoạch chức vụ để rèn luyện thử thách, qua đó đánh giá được trình độ, năng lực và phẩm chất. Nếu cán bộ thực sự có tâm huyết thì mọi vấn đề đều được giải quyết thông suốt.