Đồng Nai: Vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
15 Tháng 6, 2022
Với mục tiêu xây dựng nền hành chính hướng đến người dân, lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính (CCHC). Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột quá.
Kết quả thực hiện chương trình CCHC giai đoạn 2010-2020 đã cho thấy những nỗ lực và thành quả đáng ghi nhận trong CCHC nói chung và TTHC nói riêng. Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành chương trình CCHC tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu cụ thể và quyết tâm cao.
* Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thanh Tú, bám sát chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2010-2020 mà Chính phủ ban hành, tỉnh Đồng Nai nỗ lực thực hiện có hiệu quả chương trình CCHC giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cải cách TTHC tiếp tục được tỉnh xác định là khâu đột phá trong CCHC, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống của người dân.
Nổi bật trong thành quả của công tác cải cách TTHC của tỉnh trong giai đoạn này phải kể đến là từ tháng 6-2015, mô hình một cửa, một cửa liên thông hiện đại đã được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Năm 2017, tỉnh đã thành lập Tổng đài Dịch vụ công 1022 của tỉnh trên cơ sở thống nhất hơn 200 đường dây nóng của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, là thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh trên cơ sở tổ chức lại bộ phận một cửa của các sở, ngành và các cơ quan ngành dọc; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan để giải quyết TTHC giữa các cơ quan cùng cấp và giữa các cấp chính quyền.
Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Nguyễn Thị Thanh Thảo cho hay, thời gian qua, để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỉnh đã tập trung kiện toàn nhân sự, rà soát chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC, TTHC liên thông. Đồng thời, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở vật chất tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa cấp huyện và xã. Các bộ TTHC được chuẩn hóa; nhiều TTHC được điều chỉnh, bổ sung, thời gian giải quyết được rút ngắn. TTHC được công khai tại bộ phận một cửa, trên trang thông tin điện tử của tỉnh và của đơn vị.
Song song đó, để đảm bảo việc giám sát kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác tiếp dân, giải quyết TTHC, tỉnh cũng khai thác hiệu quả hệ thống camera tập trung của tỉnh từ bộ phận một cửa cấp xã, cấp huyện lên Trung tâm Hành chính công tỉnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc thông báo kết quả giải quyết TTHC qua tin nhắn SMS tới người dân về tiến độ giải quyết hồ sơ, số tiền nghĩa vụ tài chính khi thực hiện TTHC; hỗ trợ người dân tra cứu tình trạng hồ sơ TTHC qua Zalo nhằm giảm đi lại cho người dân, DN...
Là một trong những đơn vị sở, ngành có số lượng phát sinh hồ sơ TTHC lớn và phức tạp nhất, Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho hay, Sở thường xuyên tuyên truyền, đồng thời phân công đến các phòng, đơn vị trực thuộc, gắn trách nhiệm cụ thể đến từng công chức và vị trí công tác trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Sở cũng yêu cầu tại các cuộc họp giao ban định kỳ 2 tuần/lần hoặc các hội nghị, cuộc họp chuyên đề, các phòng, ban, đơn vị phải có báo cáo tình hình giải quyết TTHC trong kỳ trước, giải trình rõ nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục đối với các hồ sơ trễ hạn. Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh công chức, viên chức trong việc giải quyết các TTHC, giảm thiểu tình trạng xử lý hồ sơ trễ hạn theo quy định.
Bí thư Thành ủy Long Khánh Hồ Văn Nam cho hay, thành phố rất chú trọng triển khai các sáng kiến, cải tiến trong CCHC. Điển hình nhất là mô hình “Ngày không hẹn, ngày không viết” đã mang lại những hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân, DN.
Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Nguyễn Thanh Thảo cho biết thêm, năm 2021, trong điều kiện tình hình dịch bệnh phức tạp, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông.
Nổi bật là việc khai hẹn giờ nộp hồ sơ qua Tổng đài dịch vụ công 1022; ban hành quyết định về hoàn thiện các quy định pháp lý trong hoạt động thu phí, lệ phí tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, nhất là qua hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp tục triển khai mô hình người dân được lựa chọn nơi nộp hồ sơ, nhận kết quả giữa Trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa UBND cấp huyện trên nhiều lĩnh vực... Qua đó, đảm bảo ổn định, an toàn hoạt động giải quyết TTHC cho người dân.
* Nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thanh Tú, những nỗ lực của tỉnh trong CCHC giai đoạn 2010-2020 đã được Bộ Nội vụ đánh giá khá cao thông qua việc xác định chỉ số CCHC. Đặc biệt, có năm Đồng Nai đã lọt vào top 3 của cả nước.
Cụ thể, năm 2016, Đồng Nai xếp thứ 4/63; năm 2017 xếp hạng thứ 3/63; năm 2018 xếp thứ 20/63 tỉnh, thành. Năm 2019, Đồng Nai xếp ở vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố về CCHC; về thứ hạng tuy có giảm 1 bậc so với trước đó, song về điểm số CCHC lại có tăng. So với năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 tăng 3 bậc, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Sang năm 2020, chỉ số CCHC của Đồng Nai tuy có sụt giảm về thứ hạng, song đáng phấn khởi là PCI lại tiếp tục tăng. Cụ thể là tăng 3 bậc so với năm 2019 và tăng 6 bậc so với 2018, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong khi đó, chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung ở năm này của tỉnh tiếp tục được cải thiện lên vị trí thứ 15/63 tỉnh, thành.
Năm 2021, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành chịu thiệt hại nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Những khó khăn ấy đã tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vì vậy, chỉ số CCHC của tỉnh năm 2021 đã có sự sụt giảm đáng kể về thứ hạng (55/63 tỉnh, thành phố). Đó là kết quả không như mong đợi, song đáng ghi nhận là lĩnh vực cải cách TTHC tiếp tục được cải thiện điểm, thứ hạng so với năm 2020. Các lĩnh vực cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính và đánh giá tác động của CCHC đến người dân, tổ chức, kinh tế - xã hội cũng tăng điểm.
Cũng theo kết quả được công bố, về PCI của Đồng Nai năm 2021, tuy đạt kết quả chưa như ý muốn, song điều đáng ghi nhận là, trong 10 tiêu chí đánh giá PCI, Đồng Nai có 6/10 tiêu chí tăng điểm so với năm 2020. Cụ thể gồm: tiếp cận đất đai, giảm thiểu chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền, dịch vụ hỗ trợ DN và thiết chế pháp lý.
Kết quả này chính là nỗ lực lớn của tỉnh trong thực hiện các kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là việc tập trung đẩy mạnh CCHC. Qua đó, nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho DN trong giải quyết các TTHC trong quá trình đầu tư, kinh doanh; tăng cường các dịch vụ hỗ trợ DN phục hồi sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo Báo Đồng Nai