The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đồng Nai: Xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính cho doanh nghiệp

Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), kinh doanh liêm chính được coi là vấn đề quan trọng để xây dựng một nền kinh tế phát triển lành mạnh. Tại Việt Nam, một thực tế hiện nay là vấn nạn kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn diễn ra. Không những vậy, tình trạng “tham nhũng”, nhũng nhiễu về chính sách cũng đang làm các DN, nhất là DN khởi nghiệp “đau đầu”.
Cùng với việc khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh một cách liêm chính, Đồng Nai đang từng bước tạo môi trường đầu tư minh bạch nhằm tạo thuận lợi cho DN.
* Người tiêu dùng cần DN kinh doanh chân chính
Hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ việc Công ty TNHH Khải Đức (thương hiệu Khaisilk) bán hàng Trung Quốc gắn mác “made in Vietnam” vào năm 2017 gây chấn động dư luận trong suốt một thời gian dài. Vụ việc nghiêm trọng đến mức cơ quan điều tra đã phải khởi tố vụ án liên quan tới sai phạm của Khaisilk.
Trước đó, sau phản ảnh của người tiêu dùng việc Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng lại gắn mác “made in Vietnam”, lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã vào cuộc kiểm tra đồng loạt các cửa hàng của Khaisilk trên toàn quốc và phát hiện nhiều sai phạm. Báo cáo kiểm tra của Bộ Công thương cũng phát hiện khăn lụa Khaisilk không có thành phần silk như công bố. Trước sự việc trên, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk thời điểm đó sau đó đã thừa nhận với truyền thông “bán 50% lụa “made in China” trong hệ thống của mình và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng. Vụ bê bối về gian lận trong kinh doanh này đã kéo theo sự sụp đổ niềm tin của đông đảo khách hàng vào thương hiệu Khaisilk đang trong giai đoạn hoàng kim của mình.

Khaisilk cũng không phải là vụ việc đơn thuần, những DN, nhãn hàng làm ăn gian dối ở nơi này, nơi khác vẫn xuất hiện. Hằng năm, công việc chống hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, không có hóa đơn chứng từ… vẫn làm đau đầu các cơ quan chức năng. DN có hành vi lừa dối người tiêu dùng bằng cách kinh doanh hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu; làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và do đó cũng làm tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Quan trọng hơn, nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam.

Không chỉ vậy, sự cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường, nhất là đối với các DN khởi nghiệp sẽ rất dễ dẫn đến không minh bạch trên nhiều mặt và sau đó vướng vào các vụ việc kiện tụng, thậm chí lao lý. Những người khởi nghiệp (start-up) Việt Nam hầu hết là những người làm sản phẩm và đa phần là những người trẻ. Họ có thể rất giỏi trong việc làm ra sản phẩm nhưng rất ít người nắm được các kỹ năng điều hành doanh nghiệp, trong đó có việc xử lý thủ tục hành chính, thực hiện chính sách thuế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…
Theo đánh giá của các chuyên gia, hành trình khởi nghiệp rất lâu dài, cần người đồng hành. Sự liêm chính là giá trị đầu tiên để có thể đồng hành. Liêm chính ngay từ khi khởi nghiệp sẽ ngăn chặn được các sai phạm có thể xảy ra trong tương lai.
* Xây dựng bộ công cụ kinh doanh liêm chính cho doanh nghiệp
Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng DN khởi nghiệp, tốp 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu. Mặc dù tinh thần khởi nghiệp được xếp vào nhóm cao trên thế giới nhưng chỉ có chưa đến 10% DN start-up thành công. Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ thành công của DN khởi nghiệp thấp, trong đó có yếu tố liêm chính trong kinh doanh.
Trước thực trạng này, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam(VCCI) đã nghiên cứu và cho ra đời bộ tiêu chí Liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và DN khởi nghiệp. Vào tháng 7-2020, tại TP.HCM, bộ tiêu chí được ra mắt và đưa vào áp dụng. Đây là bộ công cụ giúp lựa chọn DN để đầu tư, chia sẻ về những điều kiện kinh doanh liêm chính để thẩm định dự án đầu tư cho DN start-up.
Tác giả của bộ công cụ là bà Nguyễn Phi Vân, nhà sáng lập Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Vietnam Angel Network, cố vấn chương trình Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của VCCI. Theo bà Nguyễn Phi Vân, đây là bộ công cụ rất quan trọng đối với các chủ DN khởi nghiệp và cả các nhà đầu tư. Bộ công cụ này ra đời với kỳ vọng sẽ là một kim chỉ nam, hướng dẫn các nhà khởi nghiệp từng bước thực hiện xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ, quan hệ đối tác, khách hàng để kiện toàn công ty.
Bộ công cụ này gồm 2 bộ, một bộ dành cho các nhà đầu tư để đánh giá tính liêm chính start-up, một bộ dành cho các nhà khởi nghiệp tự đánh giá công ty của mình. Nội dung để đánh giá mức độ kinh doanh liêm chính tập trung vào 3 nền tảng chủ yếu là: định hướng đạo đức cá nhân, chất lượng hệ thống quản lý và sự tuân thủ luật pháp Việt Nam.
“Cùng với bộ tiêu chí này, hành trình tạo sự lan tỏa về kinh doanh minh bạch, liêm chính cho cộng đồng đầu tư tại Việt Nam được đẩy mạnh mang đầy thách thức. Hy vọng những đúc kết đã được chỉ ra thông qua kinh nghiệm của hàng trăm DN mà chúng tôi đã làm việc sẽ góp phần giúp cộng đồng DN nhìn nhận rõ hơn để có chiến lược đúng đắn” - bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ.
Để tiêu chí liêm chính được áp dụng rộng rãi và mạnh mẽ trong khối DN, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp phải là tâm thế của mọi DN, bao gồm cả DN mới lẫn DN đã, đang hoạt động. Theo đó, liêm chính phải được đặt vào trái tim mỗi doanh nhân. Muốn kinh doanh có hiệu quả phải để sáng tạo trong bộ não của mình, và phải đặt minh bạch trong yêu cầu đầu tiên của mỗi DN.
* Đồng Nai nỗ lực kiến tạo tạo môi trường kinh doanh liêm chính
Mặc dù là địa phương phát triển kinh tế mạnh với hàng chục ngàn DN đã được thành lập song môi trường kinh doanh tại Đồng Nai cũng cần phải được cải thiện nhiều. Năm 2019, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Nai có 3 chỉ số giảm điểm là: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức. Để từng bước khắc phục, năm 2019, tỉnh ban hành kế hoạch về tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, tỉnh phấn đấu cải thiện điểm số, vị trí xếp hạng về cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, phấn đấu trong nhóm 20 tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất cả nước. Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng và minh bạch, tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ DN tư nhân, nhất là các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thu hút nhanh nguồn lực đầu tư xã hội vào tỉnh. Nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng để khẳng định “Đồng Nai là đất lành của nhà đầu tư”. Những hội nghị gặp gỡ, đối thoại, kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động, đặc biệt là đối với DN dân doanh sẽ thường xuyên được tổ chức.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định cộng đồng DN có đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai. “Quan điểm của tỉnh là khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nhân thành lập công ty, sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Để đổi mới, nâng chất lượng môi trường kinh doanh, trong quản lý điều hành, Đồng Nai sẽ tiếp tục minh bạch hóa, cải cách thủ tục hành chính, tạo thêm thuận lợi cho DN” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ cùng cộng đồng DN nhân lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) vừa qua.