The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đông Nam bộ: Cần tăng cường liên kết, cải thiện môi trường đầu tư

Chi phí phi chính thức cao, nhiều dự án cấp phép nhưng chưa được giải ngân do gặp khó khăn trong triển khai, cải cách về minh bạch bị chững lại, chưa có liên kết toàn diện giữa các tỉnh thành… là những vấn đề mà khu vực Đông Nam bộ cần phải giải quyết để tiếp tục là vùng kinh tế năng động nhất cả nước, theo ý kiến được một số chuyên gia đưa ra mới đây.

Tại Diễn đàn kinh tế Đông Nam bộ 2016 do báo Diễn đàn doanh nghiệp cùng các sở kế hoạch và đầu tư, trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư của các tỉnh thành Đông Nam bộ tổ chức hôm 16-9, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin, tính đến nay có trên 140 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào khu vực Đông Nam bộ nhưng trong đó chỉ có 70% vốn đăng ký được giải ngân.

Có nghĩa là, có 40-50 tỉ đô la Mỹ vốn đăng ký đã được cấp phép đầu tư nhưng chưa được giải ngân. Do đó, ông Quang cho rằng, bên cạnh khai thông nguồn lực mới, các tỉnh thành Đông Nam bộ cần tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho những dự án đã được cấp phép.

Ngoài ra, theo ông Quang, khu vực này cần tận dụng nguồn đầu tư nhà nước, tư nhân và hướng đầu tư vào những lĩnh vực phát huy hiệu quả nhất nguồn lực sẵn có, cũng như phải đẩy mạnh năng suất và hiệu quả, và phân bổ nguồn lực giữa các tỉnh thành; thay vì như hiện nay hiệu quả kinh tế bị hạn chế do sự chia cắt đơn vị hành chính giữa các tỉnh thành địa phương.

Khu vực Đông Nam bộ bao gồm 8 tỉnh thành kinh tế trọng điểm là TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.

Cũng tại diễn đàn, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 cho thấy vùng Đông Nam bộ đứng thứ 4 trong toàn bộ 6 vùng của cả nước về năng lực cạnh tranh, với 58,74 điểm, thấp hơn vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ số PCI (đo lường độ hài lòng về thị trường, lao động, thuận lợi,… của các doanh nghiệp dân doanh) cho thấy các tỉnh Đông Nam bộ không được đánh giá là các tỉnh có năng lực cạnh tranh cao hàng đầu.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, các doanh nghiệp dân doanh trong vùng này đang gặp nhiều khó khăn, và dường như cực phát triển đang dành cho khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điểm số về gia nhập thị trường của khu vực này mặc dù cao, nhưng không bằng nhiều tỉnh khác, trong khi đó chi phí thời gian, cũng như chi phí phi chính thức vẫn cao.

“Qua dữ liệu PCI, chúng tôi nhận định cải cách hành chính của vùng có nhiểu điểm sáng, cũng như cho thấy vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, sự năng động sáng tạo của chính quyền… Tuy nhiên, về chất lượng thực thi cấp sở ngành quận huyện, doanh nghiệp dân doanh đánh giá việc thực thi (tại khu vực này) không đồng đều, chi phí thực hiện tương đối cao, chỉ thấp hơn vùng Đồng bằng sông Hồng”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Trong khi đó, cuộc điều tra gần 2.000 doanh nghiệp FDI cho thấy, các nhà đầu tư FDI nhìn chung đánh giá TPHCM có cơ sở hạ tầng tốt, dịch vụ công tốt, chính sách ổn định và tiếng nói cộng đồng FDI được lắng nghe hơn, nhưng điểm yếu là họ vẫn phải chịu chi phí không chính thức của TPHCM và các tỉnh khác của Đông Nam bộ.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Đông Nam bộ vẫn là vùng hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhất và có lợi thế hơn hẳn về cơ sở hạ tầng, nguồn lực. Lợi thế này vẫn tiếp tục, với thành tích hoành tráng về đầu tư, do đó nên khu vực này chưa tập trung về cải cách môi trường đầu tư, và cải cách về minh bạch ngày càng chững lại.

“Đông Nam bộ cần phải là nơi đi đầu cả nước về cải thiện chất lượng điều hành”, ông Tuấn nói thêm.

Ngoài ra, cũng theo một số chuyên gia khác, khu vực này cũng cần liên kết để cải thiện kết nối về hạ tầng nhằm phát huy nguồn lực, cắt giảm chi phí vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp.

Trả lời báo chí bên lề diễn đàn, ông Võ Trọng Hiếu, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư (UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), cho biết hiện khu vực Tây Nam bộ hay Tây Nguyên có ban phát triển kinh tế vùng, trong khi hiện tại khu vực Đông Nam bộ chưa có cơ quan này. Do đó, ông hy vọng trong thời gian tới Chính phủ sẽ lập ra ban điều hành vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ để đẩy nhanh tiến độ liên kết giữa các tỉnh thành trong khu vực này, cũng như có liên kết tổng thể thay vì tự liên kết trong từng ngành như hiện nay.

Cũng theo ông Hiếu, liên kết trong khu vực này cần nhất là phát triển hệ thống giao thông tốt. Lợi thế của Vũng Tàu là cảng biển logistics, là nơi gom hàng, tàu lớn đi trực tiếp đến châu Âu, châu Mỹ. Do đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng nên được ưu tiên để các tỉnh có thể liên kết với nhau, phát triển các khu công nghiệp, theo đó hàng hóa dịch vụ sẽ được vận chuyển với thời gian và quãng đường ngắn hơn, chi phí cho doanh nghiệp theo đó cũng giảm.

“Đến một lúc nào đó các tỉnh thành (trong khu vực Đông Nam bộ) sẽ phải bắt tay với nhau, không còn cạnh tranh với nhau, vì phải tuân thủ quy hoạch vùng của Chính phủ, giống như việc quy hoạch cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng số 5 của Chính phủ”, ông Hiếu nói thêm.

Cũng có quan điểm như trên, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch mạng lưới hợp tác vì phát triển quốc tế, Đại sứ du lịch vùng Kansai (Nhật Bản) cho rằng thay vì nói về việc liên kết một cách chung chung, các tỉnh trong khu vực nên bàn về những vấn đề cụ thể, như kết nối giao thông giữa từng tỉnh thành. Ngoài ra, các tỉnh nên tránh tình trạng lôi kéo đầu tư về với tỉnh của mình, trong khi đầu tư này thực tế phù hợp với tỉnh khác hơn, và phải xem dự án FDI nào thực sự đem lại lợi ích cho đất nước, thay vì chỉ chú trọng vào quy mô, vốn đầu tư của dự án.

T.Thu

TheSaiGonTimes

Kim ngạch xuất khẩu của vùng Đông Nam bộ chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tính theo độ mở cửa kinh tế, đo bằng tỷ trọng xuất khẩu trên GDP, vùng có chỉ số mở cửa đạt gần 110% trong khi chỉ số cả nước chỉ khoảng 70%. Tỷ lệ đầu tư trên GDP chiếm 50%, cao gấp 1,5 lần so với cả nước, có nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn khoảng 1,4-1,6 lần so với nhịp độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.

Tính đến tháng 8-2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư 11.537 dự án với tổng vốn 140,2 tỉ đô la Mỹ, lần lượt chiếm 57,4% và 48,4% FDI của cả nước. Trong đó, 55,8% số dự án và 58% vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và chế tạo.

Dự kiến trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư FDI của toàn vùng đạt khoảng gần 60 tỉ đô la Mỹ vốn đăng ký, chiếm khoảng từ 45-55% đầu tư nước ngoài của cả nước.

(Nguốn: Cục Đầu tư nước ngoài)