The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

ĐỒNG THÁP: CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH HƯỚNG TỚI SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Đồng Tháp là tỉnh có dân số đông, nhiều thành phần dân tộc, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp và ngư nghiệp, để thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: “Tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh giai đoạn 2011-2020, xây dựng chính quyền thân thiện, điều hành năng động, quản lý hiệu quả, trách nhiệm với nhân dân”.

Đặc biệt, bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp cụ thể hóa việc CCHC thành những hành động, việc làm thiết thực. Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan: Để phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Tỉnh ủy Đồng Tháp nhận thức rõ vấn đề mấu chốt là đẩy mạnh CCHC, xây dựng chính quyền thân thiện với người dân và DN; xem công tác này vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của hệ thống chính quyền. Với chủ trương đó, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Đồng Tháp đã triển khai nhiều mô hình CCHC hiệu quả, như: Mô hình “Nụ cười công sở”; chính quyền chủ động tiếp xúc, đối thoại với dân; khảo sát và công bố chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ hành chính công; cán bộ, công chức, viên chức thực hiện “6 biết” (biết chào, biết cười, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, biết cảm ơn, biết xin lỗi) khi tiếp xúc với dân; thành lập các đội thanh niên tình nguyện thực hiện văn minh công sở và mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói”…

Từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều huyện, thị xã trong tỉnh áp dụng giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công; thông báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua tin nhắn nhằm tiết kiệm thời gian, công sức cho tổ chức, cá nhân; lắp camera giám sát ở bộ phận tiếp nhận, trả hồ sơ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân và thuận tiện quản lý chất lượng công việc; không bình xét thi đua nếu cán bộ, công chức, nhân viên vi phạm quy định giờ làm việc và bị nhân dân phản ảnh về thái độ tiếp dân…

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Đầu tháng 8-2017, UBND tỉnh ban hành kế hoạch đẩy mạnh CCHC nhằm mục tiêu cắt giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ không phù hợp với yêu cầu quản lý; đồng thời xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện hiệu quả yêu cầu đơn giản hóa chế độ báo cáo và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để báo cáo. Kinh phí tiết kiệm được (từ giấy, mực in, máy móc…) dùng hỗ trợ người nghèo; thời gian tiết kiệm được dành cho cán bộ, công chức đi thực tế ở cơ sở, trực tiếp lắng nghe và giải quyết kiến nghị của dân, nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó với dân, làm lợi cho nhân dân. Tiếp tục “nâng tầm” CCHC, ngày 7-12 vừa qua, Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp ban hành phương án điều tra xã hội học để xác định chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp trong tỉnh; trong đó triển khai việc phát phiếu điều tra lấy ý kiến của người dân, DN đánh giá công tác CCHC kết hợp với khảo sát sự hài lòng của người dân, DN đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước; đồng thời đánh giá chéo giữa địa phương với các sở, ngành để bảo đảm khách quan, chính xác kết quả CCHC trên địa bàn…

Quá trình thực hiện nghị quyết, tỉnh Đồng Tháp thống nhất lựa chọn khâu đột phá là CCHC để huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân mà việc làm quan trọng là tháo gỡ khó khăn cho DN, giảm phiền hà cho người dân. Muốn vậy, cán bộ phải gần gũi, cởi mở với DN, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Với suy nghĩ ấy, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp có nhiều cách làm sáng tạo. Một trong những biện pháp được đánh giá cao là từ đầu năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh mở “quán cà phê" doanh nhân-DN, do Văn phòng UBND tỉnh đảm nhiệm.

Mỗi buổi sáng hằng ngày, từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ 30 phút, trong "quán cà phê" nằm tại khuôn viên Văn phòng UBND tỉnh, các chủ DN cùng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện sở, ngành vừa uống cà phê, vừa trao đổi công việc, đề xuất, kiến nghị đi đến thống nhất tháo gỡ khó khăn. Nhờ sự cởi mở tương tác hai chiều này, gần 2 năm qua, những vướng mắc của DN được tháo gỡ nhanh chóng, hợp tình hợp lý, vừa thuận tiện cho DN, vừa mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương. Nhiều chủ DN phấn khởi, tâm đắc với cách làm của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và khẳng định hiệu quả của chủ trương CCHC mang lại lợi ích thiết thực, tạo luồng sinh khí mới trong thu hút đầu tư, phát triển công thương, hướng tới sự hài lòng của DN và người dân. Chỉ số CCHC và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đồng Tháp liên tục tăng, thuộc nhóm dẫn đầu trong cả nước... Đó là những việc làm cụ thể ở Đồng Tháp, thiết thực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Hiện, Đồng Tháp được đánh giá nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CCHC.

LÊ THỊ HỒNG (Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Đồng Tháp)

Báo Quân Đội Nhân Dân