The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đồng Tháp đẩy mạnh chuyển đổi số

Với 3 trụ cột là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số, đề án “Chuyển đổi số” của tỉnh Đồng Tháp được dày công xây dựng, hiện thực hóa tầm nhìn, quyết tâm và khát vọng của tỉnh. Qua đó, thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ của các cấp, các ngành và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp...
Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp và Công ty Rynan Technologies Vietnam ký hợp tác
Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp và Công ty Rynan Technologies Vietnam ký hợp tác

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, những năm qua, tỉnh nỗ lực xây dựng hình ảnh địa phương và cải thiện môi trường đầu tư thông qua chỉ số PCI nằm trong tốp đầu cả nước. Do đó, cùng với việc xây dựng chính quyền điện tử, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống sẽ là động lực để cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp tạo ra bước đột phá mới.

Đồng Tháp đẩy mạnh chuyển đổi số  ảnh 1Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp…

Theo đó, Đồng Tháp đã tiên phong xây dựng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả như: sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu, sử dụng bẫy đèn thông minh để dự báo tình hình sâu rầy, hệ thống điều khiển thiết bị tưới thông minh được triển khai dựa trên dữ liệu, nền tảng số và đang xây dựng những cánh đồng thông minh, những hội quán, hợp tác xã thông minh, làng thông minh và tiến tới những đô thị thông minh trong thời gian tới.

“Do vậy, UBND tỉnh có niềm tin vững chắc rằng, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu mà đề án đã đề ra, góp phần đưa tỉnh Đồng Tháp vào danh sách các địa phương có tốc độ phát triển nhanh, an toàn, là nơi đáng sống nhất. Tỉnh mong muốn tất cả cùng bắt tay nỗ lực hành động với một quyết tâm cao nhất, trong đó cán bộ, công chức, viên chức phải đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới để giải quyết công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng; mỗi người dân, doanh nghiệp “Đất sen hồng” không ngừng tìm kiếm cách làm hay, mô hình kinh doanh mới bằng tất cả sự nhanh nhạy, sáng tạo và linh hoạt. Có như vậy, hành trình chuyển đổi số của tỉnh Đồng Tháp nhất định sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp nhất…”, ông Phạm Thiện Nghĩa bộc bạch.

Hưởng ứng đề án chuyển đổi số của tỉnh, thời gian qua ngành nông nghiệp tích cực thực hiện. Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trước khi xây dựng đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp, trong thời gian qua ngành cũng đã và đang áp dụng một số hệ thống số hóa, chuyển đổi số theo cấp quản lý ngành để làm cơ sở từng bước tích hợp vào nền tảng dữ liệu số lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình như ở lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật đã ứng dụng công nghệ GIS vào quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại nhằm chủ động phòng chống hiệu quả. Bước đầu triển khai thực hiện mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh thông qua lắp đặt 13 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh trên địa bàn. Ứng dụng phần mềm dữ liệu bảo vệ thực vật PPDMS 2.0 dành cho hệ thống chuyên ngành bảo vệ thực vật, để cán bộ các cấp cập nhập số liệu vào hệ thống. Giúp thu thập thông tin về tình hình sinh vật gây hại hàng tuần nhanh chóng từ cấp huyện đến cấp tỉnh qua việc nhập, xuất dữ liệu. Song song đó, còn theo dõi quản lý cơ sở cấp giấy chứng nhận ATTP, cơ sở không thuộc diện cấp giấy ATTP, cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO, HACCP, BRC… cơ sở tự thực hiện công bố sản phẩm, cơ sở buôn bán phân bón, thuốc BVTV. Còn lĩnh vực chăn nuôi thì ứng dụng phần mềm Quantum GIS trong phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng bản đồ dịch tễ giúp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Lĩnh vực thủy lợi đã được số hóa và ứng dụng phần mềm MapInfow để quản lý và giám sát hệ thống đê điều, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) theo giám sát, theo dõi sạt lở bờ sông; xây dựng và lắp đặt 16 trạm cảnh báo sớm giông sét trên địa bàn các huyện, thành phố. Xây dựng 2 trạm đo mực nước tự động trên địa bàn xã Tân Quới, huyện Thanh Bình và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông. Lĩnh vực kinh tế hợp tác ứng dụng hệ thống quản lý dữ liệu hợp tác xã nông nghiệp, giúp hình thành kênh tương tác thông tin trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các HTX nông nghiệp, chuyển đổi hình thức quản lý dữ liệu HTX nông nghiệp từ việc sử dụng Excel, Word, email… thay bằng hệ thống phần mềm trực tuyến, liên thông dữ liệu các cấp (cơ sở sản xuất, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp cục). Các số liệu lĩnh vực kinh tế hợp tác được báo cáo định kỳ đảm bảo tính kịp thời, chính xác của số liệu lĩnh vực kinh tế hợp tác. Chương trình OCOP, xây dựng và ứng dụng “Phần mềm số hóa OCOP” vào nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, từ năm 2021 đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký và đánh giá sản phẩm OCOP, giúp cho việc truy xuất, quản lý sản phẩm được công nhân hiệu quả hơn. Đến nay, có 269 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng đạt từ 3 - 4 sao và ngoài phân phối theo kênh truyền thống, các sản phẩm đều có thị trường tiêu thụ ổn định trên các trang điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử".

Theo Sài Gòn Giải phóng