Đồng Tháp: Đồng hành cùng doanh nghiệp không phải là khẩu hiệu suông
Ông có cho rằng, thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Tháp trong những năm qua đã phản ánh đúng thực trạng môi trường đầu tư của tỉnh?
Vấn đề này có sự tương quan với nhau. Lý do là, nỗ lực của chính quyền trong quản lý và điều hành kinh tế được DN phản ánh thông qua đánh giá các tiêu chí thành phần của PCI. Và thứ hạng PCI đã đưa thông điệp đến các nhà đầu tư một cách trực tiếp nhất, từng bước xóa dần tư duy cạnh tranh theo kiểu cũ, theo thứ bậc cao - thấp, lớn - nhỏ đã định sẵn.
Theo tôi, môi trường đầu tư của tỉnh có nhiều nét khởi sắc, không ít DN tại Đồng Tháp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa ngành hàng kinh doanh và thị trường tiêu thụ. Mặc dù vẫn trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhưng Đồng Tháp nằm trong nhóm 10 tỉnh có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất và có đến 10 DN nằm trong nhóm 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013.
Thứ hạng PCI của Đồng Tháp từ trước đến nay luôn nằm ở nhóm dẫn đầu cả nước, nhưng thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn còn thấp. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 20 dự án FDI, với tổng vốn 90 triệu USD. Nếu so với một số tỉnh, thành phố, thì số dự án trên chưa phải là nhiều, nhưng đối với tỉnh nông nghiệp có xuất phát điểm thấp như Đồng Tháp, thì đó là một nỗ lực lớn.
Theo tôi, để thu hút các dự án FDI, phải hội đủ nhiều yếu tố, trong đó PCI đứng ở mức cao là lợi thế lớn, không chỉ tạo sự hài lòng đối với các DN đã đầu tư, mà còn thể hiện tính sẵn sàng trong đón nhận nhà đầu tư mới. Mới đây, khi tiếp nhận dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và xuất khẩu giày của Công ty TNHH Liên doanh Nghị Phong, với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi đã có mặt bằng để nhà đầu tư khởi công xây dựng nhà máy.
Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại và đầu tư với đối tác Nhật Bản. Phía Nhật Bản đã giới thiệu 3 dự án lớn đang được khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Đồng Tháp. Đó là nhà máy nhiệt điện, khu du lịch nghỉ dưỡng cho người lớn tuổi Nhật Bản và dự án mua bán nông sản.
Đồng Tháp cũng đã làm việc với các đối tác Hà Lan về các lĩnh vực như logistics, hoa kiểng và hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang châu Âu, dự án hợp tác thành lập Trung tâm ứng dụng công nghệ cao về nông nghiệp và kỹ thuật canh tác nhà vườn.
Tôi tin rằng, khi cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống hoàn thành, cùng sự quan tâm đầu tư của Trung ương đối với các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung sẽ tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, giải quyết nhanh bài toán về hạ tầng.
Tôi cũng kỳ vọng, việc Trung ương chọn Đồng Tháp làm điểm để thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh đề xuất các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ DN phát triển.
Thời gian qua, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã có những chương trình hỗ trợ cụ thể gì nhằm thực hiện chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, thưa ông?
Tôi khẳng định rằng, đồng hành cùng doanh nghiệp không phải là khẩu hiệu suông, mà là một chủ trương nhất quán, là sự cam kết của chính quyền vì sự phát triển của doanh nghiệp, sự phồn thịnh của địa phương.
Theo tôi, điều đó được thể hiện bằng sự cầu thị và luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của DN thông qua nhiều kênh để tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh hoặc xây dựng chính sách theo hướng sát với thực tế. Đó là việc cùng DN tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường đầu tư cả trong và ngoài nước.
Để cải thiện dịch vụ hỗ trợ DN, tỉnh đã liên kết xây dựng hai bến cảng Cao Lãnh và Sa Đéc, giúp DN thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa tại Đồng Tháp. UBND tỉnh cùng với Hội Doanh nghiệp trẻ Đồng Tháp tổ chức nhiều chương trình điểm hẹn doanh nhân. Tôi rất hài lòng khi diễn đàn này thu hút đông đảo doanh nhân tham gia, để chia sẻ thông tin về quản trị DN, ý tưởng, chiến lược kinh doanh một cách sáng tạo và hiệu quả. Tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp quảng bá sản phẩm, hình ảnh DN, chia sẻ ý tưởng, thông tin thị trường và đào tạo nhân lực cho DN.
Ông có thể cho biết những giải pháp mà tỉnh thực hiện nhằm duy trì vị trí trong top dẫn đầu Bảng xếp hạng PCI trong thời gian tới?
Theo tôi, có nhiều việc cần phải làm để xây dựng cộng đồng DN vững mạnh. Trước hết, phải sát cánh, giúp DN yếu tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn; giúp DN mạnh tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; chắt chiu từng cơ hội của DN, xem đây là động lực phát triển kinh tế địa phương, quyết tâm không để bất kỳ DN nào phải thất bại khi đầu tư trên địa bàn tỉnh do nguyên nhân chủ quan nào từ phía các cơ quan công quyền.
Tỉnh sẽ tiếp tục cùng DN giải bài toán nhân lực quản trị cho DN, sẵn sàng chia sẻ nguồn lực chất lượng cao được đào tạo sau đại học từ nước ngoài khi DN có yêu cầu. Thực tế, nhiều DN hoạt động với quy mô nhỏ rất hiệu quả, nhưng khi mở rộng sản xuất, đa dạng loại hình kinh doanh thì gặp khó khăn về quản trị DN và chiến lược kinh doanh, dẫn đến thất bại. Chúng tôi tạo lập nhiều kênh thông tin hơn nữa để tiếp nhận, lắng nghe, chia sẻ và phản hồi ý kiến từ phía DN, nhằm hỗ trợ tích cực hơn nữa cho DN.
Tôi nghĩ rằng, cần thiết phải có nhiều hình thức tôn vinh để khích lệ hoạt động của DN, như DN có ý tưởng mới nhất, DN đột phá về công nghệ, DN mở được thị trường mới, DN xây dựng thương hiệu tốt nhất...
Hy vọng, sự năng động của cộng đồng DN và của bộ máy chính quyền sẽ trở thành một nét đặc trưng, một thương hiệu riêng của Đồng Tháp.