Đồng Tháp nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
29 Tháng 5, 2023
Thời gian qua, với mục tiêu bứt phá mạnh mẽ điểm số và thứ hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp tạo ra môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế. Đồng thời hướng đến mục tiêu nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành nhằm hỗ trợ và phát triển DN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (người đứng) gặp gỡ doanh nghiệp tại Điểm hẹn Cà phê doanh nghiệp huyện Tháp Mười
Nhiều chỉ số tăng điểm
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2022, PCI của tỉnh đạt 69,68 điểm, xếp vị trí thứ 5 trên cả nước, tiếp tục dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là năm thứ 15 liên tiếp (2008-2022), Đồng Tháp nằm trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu trên cả nước PCI; PCI Đồng Tháp vẫn nằm trong top 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất nước.
Trong chỉ số PCI năm 2022, Đồng Tháp có 4/10 chỉ số tăng điểm bao gồm: tiếp cận đất đai; tính minh bạch; tính năng động của chính quyền tỉnh; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Bên cạnh đó, trong các chỉ số phân tích thể hiện rõ vai trò của chính quyền tỉnh tiếp tục được cộng đồng DN đánh giá rất cao về tính tiên phong trong điều hành kinh tế; tiếp tục phát huy cao tinh thần năng động và ủng hộ mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, đảm bảo được sự ổn định, nhất quán trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế. Điều này thể hiện qua các chỉ tiêu là có 80% DN đánh giá “Thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực”; 83% DN nhận định “UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi”; 96% DN đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả”...
Cùng với đó, môi trường kinh doanh của tỉnh ngày càng minh bạch hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận thông tin quan trọng về quy hoạch sử dụng đất, các kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương... Đồng thời, công tác cải cách hành chính; năng lực thực thi, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục duy trì ở điểm số cao. Việc “tiếp cận đất đai” tại tỉnh Đồng Tháp cũng được DN đánh giá là “thuận lợi nhất cả nước” (xếp hạng 1/63 tỉnh/thành).
Ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (TP Sa Đéc) chia sẻ: “Trong năm 2022, dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến đơn vị trong việc xuất khẩu thủy sản. Song, được sự hỗ trợ của tỉnh về việc cung cấp nguồn lao động có tay nghề, nhân viên lành nghề, cùng với việc triển khai tốt các khâu cải cách hành chính... nên kim ngạch xuất khẩu của đơn vị ngày càng tăng”.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, cho biết: “Thời gian qua, ngành Công Thương Đồng Tháp đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai công tác hội nhập quốc tế, chú trọng thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, phổ biến các FTA nhằm giúp DN nắm thông tin thị trường, tháo gỡ khó khăn cho DN; phối hợp bộ, ngành Trung ương tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn phổ biến về thông tin thị trường; phối hợp Bộ Công Thương hỗ trợ DN các phiên kết nối trong chuỗi chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, DN Việt Nam về thị trường xuất nhập khẩu. Ngoài ra, phát huy vai trò của Tổ Thông tin phân tích thị trường nông sản của tỉnh, định kỳ tháng đã phát hành Bản tin thị trường gửi các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán...”.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Tỉnh luôn xem việc cải thiện thứ hạng PCI là điều kiện cần, quan trọng hơn hết vẫn là niềm tin của cộng đồng DN dành cho chính quyền, mang đến hiệu quả thực chất trong đầu tư kinh doanh của DN tại Đồng Tháp. Trong đó, lãnh đạo tỉnh luôn đổi mới tư duy để đồng hành với cộng đồng DN; chú trọng xây dựng chính quyền phục vụ; thực hiện tốt cải cách hành chính; xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng. Cùng với đó, tỉnh luôn tiên phong thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển DN, nhất là tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn...”.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp luôn thực hiện tốt chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” thông qua việc thường xuyên tiếp cận doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn
Tập trung nâng cao chỉ số PCI
Trong năm 2023, Đồng Tháp phấn đấu cải thiện Chỉ số PCI đạt từ 72 điểm trở lên và duy trì trong top 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trên cả nước. Trong đó, tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện PCI năm 2023 được xây dựng trên cơ sở bám sát nội hàm khảo sát của 10 chỉ số thành phần và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện theo chức năng quản lý Nhà nước được giao.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và phục vụ hành chính công; nâng cao chất lượng và thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ (hệ thống mạng và phần mềm); đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, tiếp tục thực hiện một cửa - một cửa liên thông, một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính... Cùng với đó, duy trì mô hình “Cà phê DN”; tổ chức đối thoại công khai, đa dạng dưới nhiều hình thức nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; quan tâm hỗ trợ DN trong việc thực hiện chỉ số “gia nhập thị trường”, trong đó, thực hiện hiệu quả công tác hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; thực hiện, công khai, minh bạch các thông tin như: trong đấu thầu, quy hoạch, đất đai, chính sách hỗ trợ nhằm tạo cơ hội cho DN dễ dàng tiếp cận (trừ thông tin mật) phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Nhằm góp phần nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh, ông Trần Ngô Minh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp, cho biết: “Đơn vị sẽ triển khai và cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ được UBND tỉnh phân công thực hiện, đồng thời quán triệt đến tất cả công chức, viên chức để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, tiếp tục công khai phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng và các mạng xã hội của Sở (Zalo, Facebook); đề xuất miễn thu phí, lệ phí cấp phép xây dựng đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng và thực hiện có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến toàn phần đối với lĩnh vực cấp phép xây dựng...”.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh sẽ thực hiện có lộ trình trong nâng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó, chỉ đạo các ngành, các cấp phải xem sự phát triển của cộng đồng DN là động lực tiên phong trong hoạt động chính quyền. Đồng thời cần áp dụng các kênh hành chính công, cà phê DN... nhằm kịp thời tiếp cận và tháo gỡ khó khăn cho DN. Các ngành, các cấp phải đặt vấn đề là môi trường đầu tư phải cải thiện ngày càng cao; ứng xử phù hợp với cộng đồng DN. Đồng Tháp xem chỉ số PCI là nhiệm vụ hàng đầu để phấn đấu qua từng năm, tiêu chí nào chưa đạt phải hoàn thiện tiếp tục để nâng cao niềm tin DN với chính quyền, thể hiện hơn chính quyền thân thiện, kiến tạo để phục vụ; tạo môi trường đầu tư thông thoáng với nhà đầu tư. Ngoài ra, các ngành phải chú ý tới việc thay đổi tư duy, cách nhìn nhận trong giữ vững vị trí cao Chỉ số năng lực cạnh tranh; xóa bỏ tư tưởng chủ quan, lơ là trong thực hiện các chỉ số; thực hiện đột phá trong cải cách hành chính; triển khai có định hướng đề án chuyển đổi số...
Theo Báo Đồng Tháp