The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đồng Tháp: Tập trung vào 3 nhóm công việc

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra, nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống cho người dân, theo tôi, tỉnh phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp tập trung huy động các nguồn lực đầu tư.

Muốn nâng cao mức sống, trước hết phải đảm bảo tạo ra được việc làm và thu nhập cho người dân và doanh nghiệp (DN) là tác nhân đóng vai trò chính.

Đánh giá thực trạng

Giai đoạn 5 năm 2011-2015, tỉnh đã huy động khoảng 58.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, chiếm 33,1% GDP, trong đó vốn Nhà nước chiếm 15,5%, số còn lại là huy động từ dân cư, DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Có được kết quả này là nhờ tỉnh trong thời gian qua đã có bước chuẩn bị khá tốt về các điều kiện để tiếp nhận đầu tư, đã tạo dựng được môi trường đầu tư, kinh doanh bước đầu thuận lợi để DN, người dân yên tâm sản xuất. Trong 10 năm tham gia xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bến Tre luôn đứng ở thứ hạng khá cao (từ năm 2005 đến 2014, có 4 năm chỉ số PCI của tỉnh nằm trong tốp 10 của cả nước); số DN thành lập mới hàng năm trung bình khoảng 250 DN; về vốn đăng ký đầu tư khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng và 70 - 80 triệu USD cho dự án FDI.

5 năm tới, dự kiến vốn huy động toàn xã hội của tỉnh là 80.200 ngàn tỷ đồng, tăng 38,2% so với giai đoạn 5 năm trước, trong đó vốn Nhà nước chiếm 22%, số còn lại 78% là huy động từ DN, người dân và các nguồn lực đầu tư bên ngoài. Nếu số vốn đầu tư toàn xã hội đạt như dự kiến thì mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đảm bảo sẽ tăng từ 7 - 7,5%/năm. Hiện tại, tỉnh có gần 2.900 DN với tổng vốn điều lệ khoảng 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đa số DN đăng ký hoạt động là những DN nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 98% số DN) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ (DN thương mại, dịch vụ chiếm 56%); và chỉ có khoảng 2% có quy mô vừa và lớn, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; vốn điều lệ còn thấp, trung bình chỉ vào khoảng 4,5 tỷ đồng/DN; số DN quy mô lớn còn ít.

Mặc dù nhiều sản phẩm, hàng hóa đã được tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu đến 105 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng nhìn chung, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của tỉnh chưa cao; tỉnh chưa có nhiều thương hiệu chính đang có mặt ở thị trường quốc tế và cạnh tranh ngang bằng với các DN một số nước trong cùng lĩnh vực và trên hết, tỉnh chúng ta cũng chưa có một chiến lược rõ ràng trong việc định hướng 5 hay 10 năm nữa DN của tỉnh sẽ đứng ở đâu, trong phân khúc nào, quy mô ra sao và sản phẩm nào sẽ trở thành thương hiệu lớn.

"Những việc cần làm ngay"

Như vậy, để đạt mục tiêu tạo việc làm và thu nhập cho người dân, huy động được nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội từ DN, người dân, theo tôi, có mấy vấn đề chính sau đây tỉnh cần phải quan tâm.

- Thứ nhất, hết sức xem trọng việc phát triển DN mới bên cạnh các DN đã và đang hoạt động, bao gồm các loại hình DN và hộ kinh doanh cá thể. Trong 5 năm tới, ngành Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu là sẽ phục vụ, tạo điều kiện để người dân, tổ chức đăng ký thành lập mới ít nhất 1.500 DN, trung bình hàng năm phải có 300 DN mới ra đời, mức tăng bình quân khoảng 10 - 15%/năm. Tỉnh cần tăng cường hỗ trợ DN một cách tập trung, có chủ đích để các DN hiện hữu mở rộng sản xuất, tăng số DN quy mô vừa và lớn (mục tiêu trong 5 năm nâng tỷ lệ DN vừa và lớn chiếm từ 5 - 10% tổng số DN đăng ký hoạt động, hiện nay chỉ chiếm khoảng 2%); tăng vốn điều lệ DN lên ít nhất 1,5 - 2 lần, bình quân đạt 7,5 - 10 tỷ đồng/DN trở lên; tập trung thu hút các DN chế biến thâm dụng công nghệ, thâm dụng vốn đầu tư để tăng quy mô và vốn của DN. Việc này đòi hỏi tỉnh phải chăm sóc tốt môi trường đầu tư để luôn thật sự thân thiện, có sức hút; chăm sóc tốt các DN hiện có để họ đứng vững và phát triển; đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội mới để người dân, DN kinh doanh, bỏ vốn ra đầu tư (chứ không phải để tiền trong ngân hàng), nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục đăng ký qua mạng, cải thiện tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong kinh doanh giữa các thành phần kinh tế; đầu tư các tiện ích hạ tầng; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kế hoạch phải đi trước một bước để tạo ra những cơ hội mới cho người dân, DN lựa chọn và làm ăn lâu dài.

- Thứ hai, chú ý phát triển hộ kinh doanh cá thể. Cả tỉnh hiện có khoảng 56 ngàn hộ kinh doanh cá thể; hàng năm có từ 2 ngàn hộ kinh doanh đăng ký mới. Dự báo trong 5 năm tới sẽ có ít nhất 10 ngàn hộ kinh doanh mới gia nhập thị trường, góp phần gia tăng các hoạt động đầu tư kinh doanh ở địa phương và tạo việc làm cho người dân. Nếu mỗi hộ kinh doanh tạo từ 2 việc làm hàng năm thì sẽ có thêm từ 20 ngàn việc làm được tạo ra cho cả ở vùng thành thị và nông thôn. Đây là lực lượng trực tiếp tạo ra việc làm tại chỗ cho người dân và ít có sự dịch chuyển lao động như các DN, góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở địa phương. Đối với hộ kinh doanh, UBND các huyện, thành phố cần có kế hoạch phát triển hộ kinh doanh, chăm sóc tốt và khuyến khích các hộ nên đăng ký để bảo vệ quyền lợi cho họ và khi quy mô phát triển thì chuyển sang các hình thức DN phù hợp; đồng thời việc có kế hoạch rõ ràng sẽ giúp công tác quản lý kinh doanh ở địa phương được thuận lợi hơn.

- Thứ ba, tăng cường quảng bá hình ảnh, chuẩn bị tốt thông tin cho từng dự án mời gọi đầu tư, có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương trong huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước theo hình thức đầu tư trực tiếp. Với sự chuẩn bị chu đáo về hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng, môi trường kinh doanh tốt, tỉnh chắc chắn sẽ thu hút được các dự án FDI quy mô lớn. Trong bối cảnh hội nhập khu vực (AEC) và thực hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới, Bến Tre có nhiều khả năng thu hút dự án thâm dụng kỹ thuật và thâm dụng vốn trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo và các dự án có công nghệ thích hợp với trình độ phát triển của tỉnh.

Tóm lại, tập trung vào 3 nhóm công việc nêu trên, chắc chắn tỉnh sẽ huy động được một nguồn lực đầu tư lớn từ DN, dân cư cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra được việc làm, thu nhập, góp phần nâng cao mức sống của người dân tỉnh nhà trong 5 năm tới.

Nguyễn Trúc Sơn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư