Đồng Tháp xem các chỉ số PCI như mạch máu của nền kinh tế tỉnh
19 Tháng 5, 2021
Ngày 18-5, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020.
Năm 2020, PCI của Đồng Tháp đạt 72,81 điểm (tăng 0,71 điểm so năm 2019). Đồng Tháp tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng của cả nước. Đây là năm thứ 13 liên tiếp, tỉnh nằm trong nhóm 5 và năm thứ bảy liên tiếp nằm trong nhóm 3 của các tỉnh, thành phố “Có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước”.
Đáng chú ý, năm 2020, Đồng Tháp có 6/10 chỉ số thành phần tăng điểm, bao gồm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Có 6/10 Chỉ số dẫn đầu cả nước và 4/10 chỉ số thành phần giảm điểm. Bên cạnh kết quả đạt được, PCI của tỉnh vẫn có một số hạn chế như: tổng điểm của Đồng Tháp còn cách xa so với thang điểm tuyệt đối 100. Điều này cho thấy, dư địa để cải thiện của tỉnh vẫn còn rất nhiều.
Nhìn tổng thể, các chỉ số thành phần của Đồng Tháp cải thiện rất đồng đều (6/10 chỉ số dẫn đầu cả nước). Tuy nhiên, trong bốn chỉ số thành phần giảm điểm so năm 2019, thì chỉ số “Tính năng động” và “Tính minh bạch”, mặt dù vẫn dẫn đầu cả nước, nhưng đã giảm điểm so năm 2019. Hiện tượng “tham nhũng vặt”, chi phí “bôi trơn” mặc dù là ít và thấp nhất nước nhưng vẫn còn tồn tại như: có đến 56% doanh nghiệp cho rằng “Công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết: “Mỗi người phải soi lại những vấn đề chưa làm tốt để phấn đấu nhiều hơn nữa trong việc thực hiện tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh, đem đến sự hài lòng. Nếu chủ quan, thấy hài lòng thì sẽ dễ bị tụt hạn và tụt sâu trên bảng xếp hạn. Tỉnh xem các chỉ số PCI như mạch máu của nền kinh tế. Chính chỉ số PCI đã tạo nên được hình ảnh địa phương, đồng thời thay đổi cả cách nghĩ, cách làm của cả lãnh đạo địa phương cũng như tất cả doanh nghiệp và nhân dân”.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cũng yêu cầu lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở phải có sự phấn đấu hơn, phát huy mạnh mẽ hơn trong nhiệm vụ được giao. Cần sự đồng lòng, quyết tâm và trách nhiệm cao từ các ngành các cấp; rà soát các chỉ số thành phần, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn”.
Năm qua, doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với sự “năng động và sáng tạo” của một số lãnh đạo sở, ngành và UBND các huyện, thành phố. Cụ thể có đến 75% doanh nghiệp phản ánh: “Lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở các sở, ngành”. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho rằng, tỉnh năng động nhưng huyện không năng động, dẫn đến không có được sự đồng bộ trong hành động từ hệ thống chính quyền, các đơn vị tham mưu của các sở, từ đó dẫn đến không tạo được sự thoải mái cho doanh nghiệp.
“Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, lại là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vùng mà không phát triển nhiều như các vùng khác, nhưng lại đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chỉ số PCI, đó là lợi thế rất lớn. Đạt được kết quả này nhờ vào tinh thần trách nhiệm, sự đồng hành, tinh thần chia sẻ, phục vụ doanh nghiệp. Do đó, đề nghị lãnh đạo các sở, các huyện, thành phố phải lấy tinh thần ấy để chuyển động toàn bộ thì mới cải thiện được các chỉ số còn thấp. Chúng ta không được say sưa với các chỉ số đã đạt được mà cần nhìn mình trong sự phát triển chung và sự cạnh tranh giữa các tỉnh trong việc thực hiện các chỉ số PCI. Để thực hiện các chỉ số PCI đạt hiệu quả hơn, đề nghị cấp ủy các cấp phải xem đây là trách nhiệm của mình trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo để cùng tham gia thực hiện”, đồng chí Lê Quốc Phong yêu cầu.
Theo Nhân dân