The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đột phá tư duy với Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nền kinh tế tăng trưởng hàng năm 6-7% mà các doanh nghiệp cứ nhỏ đi thì làm sao có thể tăng tính cạnh tranh và kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu? Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, trao đổi với TBKTSG.

Theo số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, nếu như cách đây 10 năm, tính trung bình một doanh nghiệp Việt Nam có khoảng 50 lao động, thì đến nay, con số này chỉ còn 29. Vốn trung bình (sau khi đã điều chỉnh lạm phát) của doanh nghiệp hiện nay thấp hơn khoảng 15% so với 10 năm trước.

TBKTSG: Người ta hay gộp doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp nhỏ thành một khối gọi là DNNVV, vậy chính sách cho doanh nghiệp vừa và cho doanh nghiệp nhỏ có nên đồng nhất, hay cần phải có sự khác biệt?

- TS. Vũ Thành Tự Anh: Các nước trên thế giới cũng gộp chung hai loại này, thêm cả loại siêu nhỏ vào nữa gọi là SMEs (small and medium-sized enterprises). Tuy nhiên, họ có chính sách khác nhau đối với các nhóm doanh nghiệp này. Ở nước ta hiện nay, chính sách cho những loại hình này không có gì khác biệt. Trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cũng thế. Hơn nữa, tính chất hỗ trợ rất nặng - nào là tín dụng ưu đãi, rồi Nhà nước cấp bù lãi suất và được hưởng thuế suất thấp hơn.

Tôi nghi ngờ tác dụng của dự thảo luật này vì ba lý do. Thứ nhất, không khéo nó có thể gây ra khuyến khích ngược: Nếu tôi càng nhỏ mà tôi càng được bù nhiều lãi suất, càng hưởng thuế suất thấp thì tại sao tôi lại phải lớn lên? Thứ hai, hiệu quả của các chương trình ưu đãi DNNVV từ trước đến nay rất thấp. Kết quả khảo sát của PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) 2015 cho thấy tỷ lệ các DNNVV từng sử dụng các dịch vụ hỗ trợ chỉ ở mức 20-30%. Thứ ba, ngân sách đang khó khăn, lấy đâu ra nguồn lực để hỗ trợ?

Chính phủ cần xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp giống như hệ sinh thái rừng nguyên sinh, có cây cổ thụ, cây tầm trung và cây tầm thấp, dây leo, thảo mộc. Trong hệ sinh thái đó có sự phân công lao động rõ ràng, và với sự phân công này, nguồn lực, dưỡng chất cung cấp cho chúng cũng phải được phân bổ khác nhau. Ví dụ cây tầm thấp cần ít ánh nắng để quang hợp hơn so với những cây ở trên. Anh có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa về phát triển công nghệ mới, chứ làm thế với doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ rất kém hiệu quả, họ làm gì có đủ năng lực hấp thu công nghệ mới mà hỗ trợ!

Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam muốn lớn, không ít thì nhiều, cũng phải phạm luật, đây là một bi kịch.

TBKTSG: Luật hỗ trợ DNNVV chưa được ban hành, hy vọng dự thảo tiếp theo sẽ có những sửa đổi theo hướng ông đề cập. Nhưng theo ông, tại sao những năm qua, các doanh nghiệp tư nhân nước ta không lớn lên được?

- Do môi trường kinh doanh không thuận lợi, do chính sách ưu đãi các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI hơn. Các DNNVV bị coi như “con ghẻ”, phải tự bơi trong việc tiếp cận những nguồn lực cơ bản, từ vốn, đất đai, tín dụng, thông tin, cơ hội kinh doanh. Đã phải tự bơi rồi lại còn như đeo đá với biết bao nhiêu thủ tục hành chính, thanh tra kiểm tra, giấy phép con, phí và lệ phí... thì làm sao bơi được.

Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam muốn lớn, không ít thì nhiều, cũng phải phạm luật, đây là một bi kịch. Ví dụ trong đấu thầu, người này nhờ hối lộ thắng thầu thì lần sau người khác cũng phải hối lộ vì không làm thì chết, dần dần nó tạo ra một môi trường tiêu cực. Đã phạm luật, anh luôn nơm nớp vì rủi ro pháp lý treo lơ lửng trên đầu. Nên khi cơ quan quản lý động đến doanh nghiệp nào, muốn bảo sống thì sống, bảo chết thì chết. Lẽ ra khi anh lớn lên thì anh phải tự hào, đằng này anh cứ lớn lên một tí là lại lo nơm nớp.

TBKTSG: Nhưng một phần lỗi cũng thuộc về chính các doanh nghiệp?

- Đúng vậy, doanh nghiệp nước ta thường giỏi trong các tiểu xảo, trong ứng xử tình huống và giải quyết khó khăn trong ngắn hạn, nhưng lại thiếu tầm nhìn dài hạn và khát vọng kinh doanh. Tâm lý chụp giật, “đánh quả” phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, đánh vài quả rồi đóng cửa đi làm việc khác vì đã thỏa mãn, mà cũng để thoát khỏi rủi ro pháp lý. Tâm lý này rất “tương thích” với môi trường kinh doanh thiếu minh bạch kể trên. Một bên chụp giật, một bên không minh bạch, hai bên này cộng hưởng lại tạo ra thứ ta đang chứng kiến hiện nay - một nền kinh tế manh mún, thiếu nội lực, phụ thuộc vào nước ngoài, và không bền vững.

TBKTSG: Vậy phải làm thế nào để các doanh nghiệp lớn lên được?

- Bản thân tôi không thích “hỗ trợ”. Nhà nước cần làm đúng những thứ cần làm, sau đó để các doanh nghiệp cạnh tranh, đó cũng có thể coi là hỗ trợ rồi. Những thứ cần làm là gì? Xác lập quyền về tài sản chắc chắn, tạo ra sự bình đẳng để các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn lực đầu vào như nhau - đặc biệt về vốn, thông tin và cơ hội kinh doanh - thì đó đã là hỗ trợ. Không cần phải ưu đãi bằng cách tạo ra các mức thuế hay lãi suất khác nhau. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm không hay về chuyện hai loại giá rồi, giá mậu dịch và giá chợ đen, tỷ giá trong và ngoài hệ thống ngân hàng, hệ thống kế toán hai sổ sách. Tất cả những thứ chênh lệch đó đều bị lợi dụng, tạo ra vô vàn sự bóp méo. Chỉ có sự bình đẳng và minh bạch mới tạo ra kinh tế thị trường thực thụ.

Thứ hai là tạo ra sự ổn định. Sự bất định đang tồn tại dưới nhiều hình hài. Quyền sở hữu tài sản mà tôi đang có không chắc đã được bảo vệ, như đất đai chẳng hạn. Chính sách hôm nay thế này, ngày mai thế khác, chính sách giật cục. Chính phủ cần giảm thiểu sự bất định này bằng chính sách nhất quán, và như vậy doanh nghiệp mới có thể tiên liệu được và chủ động lập phương án kinh doanh. Tầm nhìn của doanh nghiệp là mức độ họ có thể nhìn xa được tới đâu. Khi sương mù bao phủ trước mặt, không thể nhìn được phía trước là đường tốt hay ổ gà thì làm sao đi nhanh được. Trong môi trường bất định và không minh bạch, doanh nghiệp luôn ở thế phải cố thủ.

TBKTSG: Câu hỏi ngược lại, làm thế nào để bộ máy quản lý nhà nước thực hiện được điều đó?

- Cũng phải nói là những điều kể trên không có gì mới, đã tồn tại lâu rồi. Vấn đề không phải ở chỗ ta không nhìn thấy, vấn đề ở chỗ ta chưa làm được gì nhiều. Đầu tiên là động cơ khuyến khích đối với bộ máy ra chính sách và quản lý hành chính. Ta thấy lương của người làm trong bộ máy đó là không đủ sống, mà họ vẫn sống, thậm chí nhiều người sống xa hoa, điều đó có nghĩa là đối với nhiều người, thu nhập của họ đến từ các nguồn khác ngoài lương, trong đó có tham nhũng. Và rồi trăm dâu đổ đầu tằm, một núi chi phí đó đổ xuống đầu doanh nghiệp. Khảo sát năm ngoái của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy khoảng hai phần ba DNNVV phải thường xuyên trả các khoản chi phí không chính thức. Rất nhiều doanh nghiệp kêu rằng chi phí không chính thức chiếm tới 5-10% tổng doanh thu, mà thế thì ăn hết vào lợi nhuận của họ rồi chứ còn gì.

Thứ hai là trách nhiệm giải trình. Khi một “sự cố” xảy ra thì về cơ bản, bộ máy quản lý chịu trách nhiệm tập thể, không ai chịu trách nhiệm cá nhân. Khi đó, không thể quy lỗi vào đâu, không thể biết phải sửa từ đâu. Chính phủ mới muốn “kiến tạo phát triển” thì phải lấy phát triển làm mục tiêu tối hậu, nâng đỡ những bộ phận có năng suất và năng động nhất trong nền kinh tế. Chính phủ “phục vụ” thì phải luôn đồng hành với doanh nghiệp và người dân. Chính phủ “liêm chính” thì tuy gần doanh nghiệp, gần dân nhưng lại không để doanh nghiệp chi phối, không để quan hệ thân hữu thao túng. Còn Chính phủ “hành động” thì lời nói phải đi đôi với việc làm.

Khảo sát của VCCI nói chung chưa cho thấy tính chất đồng hành, phục vụ, và liêm chính đó, mặc dù có một số cá biệt. Có một vài địa phương lãnh đạo đồng hành với doanh nghiệp tốt hơn nơi khác, như Bình Dương trước đây và Đồng Tháp hiện nay chẳng hạn. Còn những tỉnh thành khác thì sao? Nói cách khác, chuyện đồng hành xuất phát từ cá nhân chứ không phải từ hệ thống. Ở đâu có lãnh đạo năng động, liêm chính thì doanh nghiệp được nhờ, còn không thì vẫn vừa đeo đá vừa tự bơi.

TBKTSG: Làn sóng FDI đã đổ mạnh vào nước ta gần 10 năm, các doanh nghiệp nước ta đã lỡ con tàu đó để vươn ra biển lớn. Giả sử môi trường kinh doanh thuận lợi rồi, tầm nhìn của doanh nghiệp thay đổi rồi, liệu họ có thể lên lại con tàu đó được không?

- Cơ hội lúc nào cũng có. Các doanh nghiệp FDI hàng năm vẫn đi tìm kiếm những nhà cung ứng nội địa cho họ. Hãy hình dung các nhà cung ứng này như những cầu thủ trong một đội bóng. Danh sách thi đấu luôn có những cầu thủ chính thức và cầu thủ dự bị. Năm nào, các công ty đa quốc gia cũng đi kiểm tra các cầu thủ trong danh sách thi đấu và theo dõi cả những cầu thủ chưa có trong danh sách nhưng có tiềm năng. Đầu tiên, ta cứ thể hiện tốt để vào danh sách dự bị. Biểu hiện tốt hơn, ta sẽ được vào sân đá chính thức nhiều hơn. Vấn đề cốt tử vẫn là ở chúng ta. Hãy gỡ gạch đá đang buộc ở chân các cầu thủ đi, chỉ khi ấy họ mới có thể di chuyển một cách thanh thoát và thi đấu thăng hoa được.

Không có doanh nghiệp cỡ vừa hùng hậu, không thể phát triển công nghiệp hỗ trợ

Theo Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ADBI), trong khu vực chính thức thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam đóng góp khoảng 77% lao động, 40% GDP, và 20% kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của ta, trong số các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, khoảng 2% là doanh nghiệp lớn, 2% là doanh nghiệp vừa, còn lại 96% là nhỏ và siêu nhỏ.

Hiện tượng thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ vừa xảy ra phổ biến ở nhiều nước đang phát triển và được gọi là “the missing middle”. Ở nước ta, hiện tượng này ngày càng rõ nét. Trong thập niên vừa qua, nền kinh tế tăng trưởng trung bình 6,2%/năm, số lượng doanh nghiệp tăng 16%/năm, nhưng quy mô trung bình của doanh nghiệp cứ ngày càng nhỏ đi. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp cỡ vừa vốn dĩ đã ít sẽ ngày càng trở nên thiểu số.

Trong khi đó, vai trò của doanh nghiệp cỡ vừa rất quan trọng vì chúng là cầu nối giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ. Họ cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp lớn, đồng thời đưa các doanh nghiệp nhỏ vào chuỗi cung ứng của mình. Doanh nghiệp siêu nhỏ (có dưới 10 công nhân) chiếm hai phần ba trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam thì làm sao có đủ năng lực về công nghệ, lao động và tài chính để lọt vào chuỗi cung ứng cho Intel hay Samsung được? Không có một lực lượng doanh nghiệp cỡ vừa hùng hậu thì không thể phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nhưng chúng ta đã thấy, đa số các doanh nghiệp chế tạo, chế biến ở Việt Nam (tính cả khối doanh nghiệp FDI) chủ yếu thực hiện các khâu gia công đơn giản, giá trị gia tăng thấp, nhập khẩu tới 60-70% máy móc, nguyên phụ liệu.

Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan chủ yếu dựa vào nội lực thì Trung Quốc và Việt Nam phát triển công nghiệp dựa nhiều vào vốn FDI. Ở Việt Nam, vốn đầu tư từ khu vực FDI luôn chiếm 20-25% vốn đầu tư của toàn xã hội, đóng góp trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và gần 70% giá trị xuất khẩu. Nhưng Việt Nam lại thất bại so với các quốc gia/vùng lãnh thổ nói trên trong việc làm cho hệ thống FDI bám rễ và kết nối một cách hữu cơ vào nền kinh tế trong nước.

Bám rễ là thế nào? Nếu doanh nghiệp FDI càng có nhiều nhà cung ứng Việt Nam thì càng có nhiều rễ, khi ấy “nhổ rễ” để ra đi là rất khó. Tình trạng hiện nay, vì không bắt rễ sâu vào nền kinh tế Việt Nam nên các doanh nghiệp FDI có thể di chuyển khỏi Việt Nam một cách dễ dàng. Nếu có một làn sóng chuyển đi như vậy thì nền kinh tế của chúng ta tan hoang.

TS. Vũ Thành Tự Anh

TheSaigontimes