The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đưa nghị quyết vào cuộc sống: Đánh thức 'vùng đất Chín Rồng'

Đánh thức “vùng đất Chín Rồng” là mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, ban hành ngày 2/4/2022. Nghị quyết đưa ra phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vùng đất này có nhiều tiềm năng chưa được khai phá và cần có những chính sách phù hợp, sát thực tế.
Giàu tiềm năng, nghèo tài lực
Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ) là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Vùng đất này có tổng diện tích hơn 40,6 nghìn km2, tổng dân số khoảng 17,5 triệu người (chiếm 13% diện tích và gần 18% dân số cả nước).
Đồng bằng sông Cửu Long được ví là miền “gạo trắng nước trong”, trù phú nhất nước. Với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi (địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu) và nguồn lao động dồi dào, các tỉnh miền Tây là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước - đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% các loại trái cây, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Sau gần 36 năm đổi mới, kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, ngày càng tụt hậu so với các vùng, miền khác. Sự đóng góp của Đồng bằng sông Cửu Long vào GDP của cả nước trong hơn ba thập kỷ qua giảm mạnh.
Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ thấp hơn hẳn so với vùng kinh tế trọng điểm láng giềng Đông Nam Bộ.
Nếu trong năm 1990, GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ bằng 2/3 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì sau 2 thập niên, tình thế đảo ngược, GRDP của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ bằng 2/3 của Thành phố Hồ Chí Minh và tình trạng này kéo dài đến nay.
GRDP bình quân đầu người của miền Tây Nam Bộ tương đương 80% mặt bằng chung cả nước và xu hướng cách biệt ngày càng trở nên rõ nét hơn, đặc biệt so với vùng Đông Nam Bộ.
Nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long không cao về chất, ngày càng giảm về lượng. Số người di cư khỏi Tây Nam Bộ trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với mức tăng dân số tự nhiên của cả vùng.
Do sự chênh lệch về mức sống và cơ hội tìm việc làm so với các nơi khác nên vùng Tây Nam Bộ có tỷ lệ nhập cư thấp nhất và tỷ lệ xuất cư (chủ yếu đến Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ) cao nhất so với cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện là “vùng trũng” về đô thị hóa ở Việt Nam. Mức độ đô thị hóa của cả vùng trong giai đoạn 2009 - 2020 chỉ tăng nhẹ từ 22,8% lên 25,1%, trong khi chỉ số này trên cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%.
Tuy kim ngạch xuất nhập khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng và luôn thặng dư thương mại, nhưng tỷ trọng xuất khẩu của vùng này đang giảm dần so với cả nước. Nguyên nhân là do các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của vùng (gạo, thủy sản) có giá trị thấp và đã dần đạt đến trạng thái bão hòa về kim ngạch, suy giảm về sản lượng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và một phần diện tích canh tác chuyển đổi sang thủy sản (ở các tỉnh ven biển), đồng thời hạn chế về công nghiệp chế biến nông sản.
Sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Long An, Tiền Giang chủ yếu dựa vào công nghiệp chế biến hay do đầu tư mới của các doanh nghiệp FDI trong một số ngành thâm dụng lao động (dệt may, da giày).
Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự cải thiện tốt môi trường kinh doanh. Chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của các địa phương trong vùng từ năm 2016 trở đi đều tăng và thuộc nhóm tăng cao nhất nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của các tỉnh miền Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn mức tăng trưởng của cả nước; số lượng doanh nghiệp thành lập mới chỉ cao hơn khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc. Điều này cho thấy, mặc dù môi trường kinh doanh được cải thiện, nhưng cơ hội kinh doanh không có thì cũng rất khó thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ngoài ra, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải hứng chịu ngày càng nặng nề nạn hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, ngập lụt, ô nhiễm môi trường…
Chú trọng phát triển bền vững
Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 “Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững” cho thấy, nguồn lực đầu tư cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua rất thấp và không tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng ngày càng giảm so với cả nước, đặc biệt từ năm 2015 đến nay.
Mặc dù nhiều công trình trọng điểm từ vốn ngân sách đã tạo ra những thay đổi tích cực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng nguồn đầu tư từ khu vực nhà nước ngày càng bị thu hẹp cả về quy mô tuyệt đối lẫn tỷ trọng tương đối.
Các tỉnh miền Tây có lợi thế về giao thông đường thủy, nhưng đang bị chia cắt bởi các công trình thủy lợi và lòng sông không được nạo vét. Các công trình thủy lợi giúp ngăn mặn thành công để thâm canh, tăng sản lượng lúa, nhưng lại gây bất lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế thiếu bền vững do tác động đến môi trường trong tương lai. Cho đến nay, mạng lưới giao thông huyết mạch của vùng chưa hoàn thiện nên nhu cầu đầu tư về hạ tầng giao thông còn rất lớn.
Các chuyên gia kinh tế, chính sách thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Trường Chính sách công và quản lý Fulbright đề xuất một số định hướng chiến lược phát triển của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ nhất, cần chú trọng phát triển bền vững lâu dài thay vì lợi ích trước mắt, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thứ hai, cần đầu tư tập trung cho cả vùng thay vì phân tán ở từng tỉnh. Thứ ba, chú trọng chất lượng và giá trị hơn số lượng, thay đổi quan điểm cạnh tranh từ giá thấp sang chất lượng cao. Thứ tư, chú trọng thị trường thay vì thuần túy sản xuất, đa dạng hóa thị trường, mở rộng xuất khẩu sang thị trường khó tính thay vì bằng lòng với các thị trường dễ tính. Thứ năm, chú trọng linh hoạt thay vì cứng nhắc, thích nghi và ứng phó với các tác động, thách thức từ bên ngoài, chuyển đổi linh hoạt mục đích sử dụng đất, thay đổi quan điểm về an ninh lương thực. Thứ sáu, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Thứ bảy, có cơ chế quản trị, hợp tác, điều phối vùng thật sự hiệu lực, hiệu quả về tài khóa, quy hoạch, đầu tư và nhân sự có động cơ theo đuổi lợi ích chung của toàn vùng.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, song sự phát triển của vùng trong thời gian qua chưa tương xứng, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực.
Giải pháp cơ chế đặc thù phát triển nguồn nhân lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua cải thiện các tác nhân đầu vào. Việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực nên được nhìn nhận thông qua giải quyết hai điểm yếu chính: Giảm tỷ lệ bỏ học và nâng cao vai trò nguồn nhân lực có trình độ.
Đồng thời, cần tạo lập cơ hội việc làm để nâng cao vai trò của nguồn nhân lực có trình độ cao, tạo động cơ cho lực lượng lao động theo đuổi việc học tập, phát triển bản thân, kích thích hệ thống giáo dục chuyên ngành phát triển. Giáo dục chuyên ngành cần liên kết với các doanh nghiệp, thị trường lao động để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn lực.
Ngoài ra, cần tạo hệ sinh thái sáng tạo để thu hút và giữ chân nhân tài, xây dựng nền kinh tế tri thức như một cú hích phát triển nguồn nhân lực. Việc này đòi hỏi nhiều thời gian và quyết tâm từ phía lãnh đạo các địa phương.
Trên cơ sở những đặc điểm thuận lợi và thách thức sẵn có của vùng, việc thực thi cần được thực hiện theo hai hướng, từ trên xuống và từ dưới lên.
Về hệ sinh thái sáng tạo theo hướng từ trên xuống thì quá trình này nên được bắt đầu từ các sách lược của lãnh đạo cấp quốc gia, khu vực và địa phương cụ thể. Còn để thực hiện chiến lược từ dưới lên thì các địa phương nên tạo một thể chế tự do đủ lớn để đội ngũ nhân tài tự thiết lập môi trường và luật chơi phù hợp kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo, nhằm phát triển nền kinh tế tri thức trong khu vực. Việc xây dựng nền kinh tế tri thức theo hướng từ dưới lên sẽ quan trọng và hiệu quả hơn đối với miền Tây Nam Bộ.
Thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư
Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII nêu rõ: Việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết lần này sẽ góp phần để Đồng bằng sông Cửu Long "đứng dậy" làm chủ và "vươn lên" mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Để tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của vùng và khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, Nghị quyết lần này tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại...; xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW (diễn ra vào ngày 22/4/2022 tại Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng, Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành, triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng.
Cần tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; hình thành được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi cực Nam của Tổ quốc.